"Hương Tràm tuy hát nhạc thị trường nhưng rất hay, không hề hời hợt. Các ca sĩ khác thì hạn chế về giọng hát nên phải tận dụng lợi thế khác thôi" – Ngọc Anh chia sẻ.
Vừa qua, ca sĩ Ngọc Anh đã lên tiếng ủng hộ phát ngôn của nhạc sĩ Dương Cầm về tình hình âm nhạc hiện tại trên Facebook cá nhân. Trước đây, nữ ca sĩ cũng từng gây xôn xao khi chia sẻ thẳng thắn suy nghĩ của mình về Only C, Chi Dân.
Biết Ngọc Anh là một ca sĩ có chuyên môn tốt và tâm huyết với âm nhạc, chúng tôi đã hẹn gặp để lắng nghe chị chia sẻ một lần nữa những quan điểm của mình về sự hỗn loạn của nhạc Việt ở thời điểm hiện tại.
Như lời đồn hợp thị trường, khá vừa vặn với Bảo Anh…
Vừa rồi chị có lên tiếng ủng hộ phát ngôn của nhạc sĩ Dương Cầm về ca khúc Như lời đồn trên Facebook cá nhân. Chị có chia sẻ gì thêm về điều này không?
Câu nói của tôi trên Facebook rất vừa vặn. Tôi không nhắm vào ca khúc Như lời đồn mà chỉ chia sẻ thẳng thắn về tình trạng âm nhạc hiện tại, khi nghệ sĩ chỉ chạy theo thị trường.
Tôi đã nghe ca khúc Như lời đồn và thấy nó ổn, hợp thị trường, MV cũng lạ. Dẫu sao thì Khắc Hưng cũng là người viết nhạc chắc tay.
Khi lên tiếng như vậy, tôi cũng biết là khá nhạy cảm và đụng chạm tới Khắc Hưng. Nhưng điều cốt lõi là tôi ủng hộ Dương Cầm, rằng nhiều nhạc sĩ hiện nay toàn viết những đề tài cẩu thả, câu view.
Với tư cách một người làm nghề, tôi thấy buồn, chứ về ca khúc Như lời đồn, tôi không thấy có vấn đề gì. Khắc Hưng dưới vai trò một nhà sản xuất đã làm rất tốt sản phẩm này rồi.
Trước đây, chị cũng từng gây xôn xao khi phát ngôn về Only C, Chi Dân. Chị có gặp nhiều rắc rối sau đó không?
Đơn giản là lúc được hỏi về họ, tôi không biết thì nói là không biết thôi. Tôi thực sự không biết họ là ai, và cũng chẳng biết họ có ca khúc gì.
Nhạc sĩ Dương Cầm có nói rằng có nhiều ca khúc chỉ dựa vào MV để lấp liếm phần nhạc. Chị nghĩ sao về ý kiến này?
Tôi hiểu ý của Cầm. Tức là, với những ca khúc chỉ thuần âm nhạc cho người nghe thưởng thức thì cần phải có nhiều yêu cầu về chuyên môn. Tuy nhiên, làm nhạc cũng phải theo ca sĩ. Nhiều ca sĩ chỉ hát được đến thế thì không thể viết cao siêu hơn cho họ.
Ca khúc Như lời đồn, tôi thấy khá vừa vặn với Bảo Anh. Khắc Hưng khi làm sản phẩm rất biết người ca sĩ cần gì, hợp gì. Dưới góc độ nhà sản xuất, tôi thấy Khắc Hưng làm rất tốt.
Chị có đồng ý với Khắc Hưng khi anh ấy đặt tiêu đề ca khúc nhạy cảm như vậy không?
Thực ra nếu không nghe Dương Cầm nói thì tôi cũng không biết đó là tiêu đề nhạy cảm. Bởi vậy nên tôi không chỉ trích hay phản đối ca khúc này. Nó chỉ hơi nhạy cảm thôi chứ cũng chẳng sao. Tôi chỉ lên tiếng về hiện trạng nhạc thị trường bây giờ thôi.
Đặt tiêu đề ca khúc như vậy là mưu mô, tính toán và rắp tâm
Sau khi Dương Cầm lên tiếng thì Nhạc sĩ Lê Minh Sơn cũng nói đặt tiêu đề như vậy là trơ trẽn, còn nhạc sĩ Nguyễn Thành Chung lại cho rằng đó là sự dung tục. Chị nghĩ sao về tình trạng nhiều nhạc sĩ cố tình đặt tên ca khúc theo kiểu nhạy cảm, dung tục để thu hút người nghe như vậy?
Trong showbiz luôn có bon chen, cạnh tranh. Người nghệ sĩ chân chính thì luôn biết giữ tâm hồn trong trẻo để vươn lên. Ngược lại, có rất nhiều nghệ sĩ hiện nay đang mưu mô, tính toán. Việc đặt tiêu đề Nắng cực, Thu dẩm… hoàn toàn là tính toán để câu khách, rất rắp tâm. Chúng ta nên hạn chế việc này vì nếu cứ tính toán như vậy sẽ làm hỏng tác phẩm.
Hơn nữa, một phần lỗi lớn ở đây do công chúng. Nếu công chúng phản ứng thì nghệ sĩ sẽ phải tự suy nghĩ lại, nhưng đáng tiếc là họ không phản ứng. Công chúng đang chung tay giết chết âm nhạc. Đã đến lúc công chúng cần thức tỉnh.
Qua trường hợp của Như lời đồn, Nắng cực…, tôi thấy chúng ta đang ở trong nghịch lí là người trong giới đang tự lên án nhau.
Điều này rất sai lầm. Đáng lẽ người trong nghề phải bảo vệ nhau mới đúng. Nhưng vì họ xấu hổ, chán chường quá nên mới phải lên tiếng.
Bây giờ công chúng phải lên tiếng về những sản phẩm như vậy mới là đúng. Lúc đó nghệ sĩ mới tự điều chỉnh lại thái độ, tư cách làm nghề của họ.
Cá nhân tôi nghĩ mình cứ lo việc của mình đã, chứ cứ phê phán nhau cũng chằng ích lợi gì. Ai tốt thì đã tốt mà không tốt thì vẫn cứ rắp tâm chiêu trò để nổi tiếng thôi, chẳng giải quyết được gì. Nói nhiều đồng nghiệp lại nghĩ mình dạy đời họ, rồi phản đối, chửi bới.
Những người đó tôi gọi là con buôn âm nhạc. Họ đã rắp tâm làm âm nhạc vì lợi nhuận thì cả đời họ vẫn vậy thôi.
Sẽ không cho con nghe những ca khúc thị trường như Nắng cực, Thu dẩm, Thằng điên…
Theo Lê Minh Sơn, những ca khúc theo kiểu Nắng cực, Thu dẩm, Xếp hình… đang gây ảnh hưởng xấu tới thế hệ trẻ. Chị nghĩ sao về ý kiến này?
Nhiều khi tôi chỉ muốn nhấn nút "delete" để làm nghệ thuật một cách trong sáng, chứ showbiz bây giờ nhiều vấn đề khiến mình mệt mỏi lắm. Nhiều người trong giới bây giờ đã quá chán trường khi hàng loạt con thiêu thân đang lao vào showbiz theo kiểu vụ lợi, khiến âm nhạc bị xuống cấp.
Tôi không muốn nặng nề về việc đặt tiêu đề. Có thể đó chỉ là sự nông nổi trong từng giai đoạn của một nghệ sĩ thôi chứ không phải lúc nào cũng thế. Tôi chỉ buồn vì thị trường âm nhạc hiện nay quá chán, quá xuống cấp.
Những ca khúc như vậy đúng là có ảnh hưởng xấu đến thế hệ trẻ, khi đi đâu cũng văng vẳng lên. Tuy nhiên, tôi rất mừng khi thế hệ con tôi bây giờ không nghe nhạc Việt, chỉ nghe nhạc quốc tế thôi.
Tự bản thân con tôi đã không muốn nghe những thứ nhạc đó, nó nói hẳn với tôi như vậy. Nếu chẳng may sau này nó có nghe phải những ca khúc kiểu thị trường như Nắng cực, Thu dẩm, Thằng điên, HongKong 1… tôi sẽ định hướng lại, không cho nghe.
Bản thân tôi hiện tại cũng không quan tâm, không nghe và chẳng cần biết đến những nhạc sĩ, ca sĩ như vậy. Tôi cần làm tâm hồn mình trong sáng, không bị lẫn vào những thứ đó.
Bolero thoái trào là xu thế tất yếu, ai cũng hát Bolero là thụt lùi
Chị có nói rằng chị không biết những ca khúc như HongKong 1, Thằng điên là gì, trong khi chúng lại đang rất hot. Liệu có phải do chị thờ ơ với nền âm nhạc hiện tại, hay do chúng không đáng để chị phải quan tâm?
Chẳng việc gì phải quan tâm những gì mình không thích. Ai làm gì kệ họ, tôi chỉ làm cái tôi thích. Chẳng hạn, khi ngồi ô tô để đi diễn mà thấy đài phát những ca khúc thị trường đó, tôi sẽ bảo lái xe tắt đi.
Bolero đã từng rộ lên, nhưng đang thoái trào trong một năm trở lại đây. Chị có nghĩ đây là tín hiệu đáng mừng cho nền âm nhạc của chúng ta?
Tôi bảo lưu ý kiến của Tùng Dương rằng ai cũng hát Bolero thì âm nhạc bị thụt lùi. Âm nhạc phải có sự sáng tạo, phát triển cái mới. Nếu cứ nghe cái cũ, mà cái cũ đó lại không chịu thay đổi thì không được. Nhưng dù sao cũng nên tôn trọng Bolero vì nó là một nhánh của âm nhạc đại chúng.
Còn chuyện Bolero thoái trào là xu thế tất yếu. Người ta nghe Bolero quá nhiều rồi cũng chán thôi.
Thay thế Bolero là sự lên ngôi của Underground. Tuy nhiên, có bộ phận không nhỏ Underground kém chất lượng nhưng vẫn nổi tiếng. Xu thế này theo chị có đáng buồn không?
Nhìn rộng ra thì đâu chẳng thế. Nhạc Âu Mỹ bây giờ cũng nhiều bài chán nhưng vẫn nổi.
Âm nhạc giống như món ăn tinh thần, ai thích gì thì chọn nó. Nhạc Việt trước giờ vẫn phân tách nhạc thị trường và nhạc chuyên môn. Nhạc chuyên môn luôn có giá trị riêng của nó, còn nhạc thị trường chỉ thỏa mãn tâm sinh lí đơn thuần, nên không có gì đáng buồn.
Trong các cuộc thi âm nhạc hiện nay, quán quân vẫn phải là người có chuyên môn và họ vẫn phải chọn chuyên môn để thi thố đó thôi.
Nhắc tới chuyện quán quân, có nhiều quán quân âm nhạc được kì vọng nhiều về chuyên môn nhưng lại rẽ hẳn sang hướng thị trường sau khi đoạt giải, chị nghĩ sao về tình trạng này?
Việc chọn đường đi cần suy nghĩ dài hơi. Những ca sĩ chuyển hướng thị trường như vậy là do họ muốn kiếm tiền, nổi tiếng hơn so với âm nhạc đơn thuần. Cái này thuộc tư duy cá nhân, không ai tham gia được.
Hương Tràm hát nhạc thị trường nhưng rất hay, không hời hợt
Với tư cách một người trong nghề, chị đánh giá thế nào về tài năng, đạo đức của những ca sĩ trẻ đang lên như Hương Tràm, Bảo Anh, Hương Giang, Bích Phương, Sơn Tùng?
Các bạn ấy định hướng theo nhạc thị trường nên rất khôn ngoan trong việc tính toán, lựa chọn sản phẩm phù hợp. Họ rất thông minh trong việc tạo dựng hình ảnh.
Hương Tràm tuy hát nhạc thị trường nhưng rất hay, không hề hời hợt. Các ca sĩ khác thì hạn chế về giọng hát nên phải tận dụng lợi thế khác thôi.
Qua những phát ngôn của chị, có thể thấy chị là người khá thẳng thắn. Tính cách này có ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống của chị không?
Với tôi, trắng là trắng, đen là đen. Ai cảm thấy yêu quý thì ở lại, còn không thì cứ đi. Quan trọng là sau tất cả vẫn có gia đình ở bên.
Ngay cả trong tình yêu, tôi cũng không quan trọng. Ai đến được với tôi thì đến, không ở lại được thì cứ đi.
Đã rất nhiều lần tôi nghĩ mình không thể yêu được nữa, nhưng đến lúc gặp người thích hợp thì lại yêu lại từ đầu. Con người tôi là như thế và tôi có quyền được yêu.
Tình yêu là điều tuyệt vời nhất trong cuộc sống này. Nếu không có tình yêu thì tôi sẽ không hát được như thế đâu. Tôi luôn khát khao được yêu, dù có đau khổ tới đâu tôi vẫn yêu.
Tôi không yêu nhiều nhưng yêu mất thời gian và yêu sâu đậm. Tôi yêu ai mọi người cũng đều biết. Sau mỗi lần chia tay, tôi đều rất đau khổ, nhưng không đến mức căm ghét nhau mà vẫn làm bạn sau này. Đây là điều rất khó mà tôi đã làm được.
Chị có thể chia sẻ thêm về một số dự án sắp tới được không?
Tôi đang cố gắng cuối năm nay ra một sản phẩm để dành tặng người hâm mộ, chứ không mong muốn tiến sâu vào showbiz nữa. Tôi không có nhu cầu tranh đua với thị trường. Tôi chỉ muốn thể hiện tâm tư của mình qua ca khúc tôi hát, ai đồng cảm, yêu thương thì ở lại với tôi, còn không thích thì cứ ra đi.
Âm nhạc và nghệ thuật đến cuối cùng vẫn phải là giá trị vượt thời gian, chứ không phải sự ăn xổi, chớp nhoáng như kiểu nhạc thị trường bây giờ. Bản thân tôi đến giờ vẫn đi hát thường xuyên và được khán giả, khách hàng của các event yêu quý.