Nhiệt miệng là bệnh thường gặp vào mùa hè do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng lại gây cho người bệnh cảm giác khó chịu.
Nhiệt miệng (hay còn gọi là lở miệng) là một chứng bệnh thường gặp nhất là vào mùa hè. Nhiệt miệng có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân như do virus, vi khuẩn hoặc do thiếu hụt một vài thành phần dưỡng chất trong cơ thể.
Biểu hiện của nhiệt miệng thường là những vết viêm loét ở đầu lưỡi hoặc ở niêm mạc trong khoang miệng, kèm theo viêm lợi, ngứa lợi, lợi có màu đỏ, hơi sưng nề, dễ chảy máu, sốt, mất ngủ, tâm phiền, có những cơn bốc hỏa toát mồ hôi, ăn uống kém, táo bón kéo dài, căng thẳng thần kinh.
Theo Đông y, nhiệt miệng là bệnh phát tán do hỏa độc, nhiệt độc, thấp nhiệt ở tỳ, vị, tâm, can, thận, hay gặp nhất ở tỳ, vị. Nhiệt miệng tuy là chứng bệnh lành tính nhưng nó gây khó chịu cho người bệnh, ảnh hưởng khá nhiều đến việc ăn uống, sinh hoạt...
Cách chữa nhiệt miệng nhanh chóng và hiệu quả:
Ăn các loại rau xanh, hoa quả
Theo tin tức trên báo Sức khỏe và Đời sống, ThS.BS Lê Thị Hải, Viện Dinh Dưỡng Quốc gia cho biết, ăn nhiều rau xanh, hoa quả như cam, chanh, thanh long, chuối, bưởi... trong chế độ ăn hàng ngày sẽ giúp giảm bớt tình trạng thiếu vitamin B2, C là nguyên nhân của bệnh nhiệt miệng.
Bản thân BS. Hải chia sẻ, trong chế độ ăn hàng ngày bác sĩ rất tích cực ăn hoa quả, rau xanh, đây cũng có thể là thói quen tốt giúp bác sĩ chưa bị nhiệt miệng bao giờ.
Uống nước cam, chanh
Bản thân nước cam, chanh không “đặc trị” chữa nhiệt miệng. Tuy nhiên, chúng đều chứa rất nhiều vitamin C nên có khả năng tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, giúp bạn vượt qua những căn bệnh do vi-rút, vi khuẩn gây ra (trong đó có nhiệt miệng). Bạn có thể uống 1 ly nước chanh hoặc cam vắt mỗi ngày. Tuy nhiên, đừng uống khi bụng đói.
Cách “đánh bay” nhiệt miệng nhanh chóng, hiệu quả |
Bôi mật ong
Các bạn hãy ngậm mật ong hoặc lấy bông tăm thấm mật ong vào chỗ loét. Đây là phương pháp kinh điển dùng để chữa nhiệt miệng. Nhiều nghiên cứu cho thấy dung dịch mật ong 30% có thể ức chế hoặc tiêu diệt hầu hết các loại nấm và vi khuẩn, lại có vị ngọt dễ chịu.
Súc miệng bằng nước muối loãng
Hãy dùng nước muối để súc miệng hàng ngày hoặc ngậm trong miệng một lúc rồi nhổ ra. Nước muối có tính sát khuẩn cao sẽ tiêu diệt vi khuẩn ở các vết loét và khiến chúng nhanh chóng lành lặn trở lại.
Cách phòng tránh nhiệt miệng:
- Hạn chế các chất cay nóng, đặc biệt trong ngày hè nóng nức. Không chỉ khiến cơ thể bị nhiệt, loét miệng mà nó còn khiến bạn bị nổi mụn, nóng gan, gây mẩn ngứa, tích tụ độc tố cho gan.
- Không uống rượu bia, thực phẩm chiên rán nhiều dầu mỡ, đồ ăn ngọt,…
Bảo An (tổng hợp)