Sau khi nhập cảnh vào Việt Nam, gia đình gồm 4 người Hàn Quốc đã được tiến hành cách ly, tư vấn và lấy mẫu xét nghiệm do nghi ngờ nhiễm Mers - CoV.
Trong báo cáo của Viện Pasteur TP.HCM, ngày 8/6, viện nhận được mẫu bệnh phẩm đề nghị xét nghiệm xác định Mers-CoV cho một bệnh nhi 7 tuổi, quốc tịch Hàn Quốc.
Cháu bé này đi du lịch cùng mẹ và em trai, nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu sân bay Cam Ranh, Khánh Hoà. Tại đây, TT Kiểm dịch Y tế quốc tế đã phát hiện bệnh nhi sốt 38 độ. Qua khám sàng lọc cho thấy bệnh nhân trước đó đã được bệnh viện tại Hàn Quốc chẩn đoán viêm họng, nơi bệnh nhân và gia đình sinh sống không ghi nhận trường hợp mắc Mers-CoV cũng như không tiếp xúc với ai nghi ngờ nhiễm Mers.
Tuy nhiên, để tăng cường khả năng giám sát, cháu bé 7 tuổi người Hàn Quốc đã được chuyển đến Bệnh viện tỉnh Khánh Hoà để cách ly, lấy mẫu xét nghiệm gửi viện Pasteur TP.HCM xác định.Cùng với đó, người trong gia đình cũng được cách ly, khám, tư vấn và lấy mẫu xét nghiệm.
14h30 chiều qua, kết quả xét nghiệm tại Viện Pasteur TP.HCM với bệnh nhi người Hàn Quốc cho kết quả âm tính với vi rút gây Mers-CoV.
Lãnh đạo Bộ Y tế thị sát khả năng đáp ứng dịch Mers-CoV tại các bệnh viện (ảnh Vietnamnet) |
Liênquan đến dịch Mers-CoV tại Hàn Quốc, tính đến sáng 9/6, Bộ Y tế nước này đã thông báo có thêm 1 trường hợp tử vong và 8 trường hợp nhiễm mới, nâng tổng số bệnh nhân nhiễm Mers-CoV lên 95 ca, trong đó 7 trường hợp tử vong.
Về công tác phòng chống dịch này, sáng 9/6, trong buổi họp về phòng, chống dịch Mers – Cov tại Sở Y tế TP.HCM, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng cho biết đã tiếp cận được 4 đối tượng đi hội chợ ở Dubai về (nơi đang là tâm điểm của dịch Mers).
“Chúng tôi biết về 4 hành khách đi dự hội chợ tại Dubai thông qua nguồn tin bạn đọc. 4 đối tượng ở 4 quận/huyện khác nhau. Ngay trong đêm 6/6 ngành y tế đã tiếp cận được 2 đối tượng qua điện thoại, đến sáng 7/6 thì tiếp cận nốt 2 đối tượng còn lại. Họ không sốt, sức khỏe bình thường”, bác sĩ Dũng nói.
Sau khi nghe thông tin và nắm bắt được mức độ nguy hiểm của bệnh Mers – Cov, giám đốc công ty của các hành khách nói trên đã tổ chức sát khuẩn văn phòng làm việc.
Tuy nhiên, bên cạnh sự nâng cao cảnh giác đáng hoan nghênh của cộng đồng với dịch bệnh, bác sĩ Dũng cho rằng ngành y gặp phải không ít khó khăn khi giám sát, tuyên truyền các đối tượng có nguy cơ cao.
Cụ thể, mức độ hợp tác của các đơn vị có người đi nước ngoài còn hạn chế, gia đình có người về từ vùng dịch không chịu tiếp xúc. Mãi tới gần nửa đêm cán bộ y tế mới tiếp cận được đối tượng.
Trong buổi họp, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế lưu ý, dịch Mers rất nguy hiểm, cần tập trung phòng tránh nhưng ngành y và người dân không được lơ là với dịch bệnh khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng.
“Chúng tôi khuyến cáo người dân có bệnh về hô hấp hãy đến cơ sở y tế gần nhất, tránh đổ dồn về bệnh viện tuyến trên để xảy ra quá tải. Khi có triệu chứng nặng, ca bệnh sẽ được chuyển tới điều trị tại các đơn vị chuyên khoa cao như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Nhi Đồng 1 và 2”, ông Hưng nói.
Bác sĩ Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế cảnh báo, cơ chế lây lan của bệnh Mers – Cov trực tiếp qua đường hô hấp, ở những ca tiếp xúc gần với người bệnh. Phòng chống lây lan, nhiễm khuẩn tại các bệnh viện là mục tiêu vô cùng quan trọng. Bệnh viện tuyến dưới phải liên hệ chặt chẽ với bệnh viện đầu ngành để tương trợ nhau kịp thời khi có dịch xảy ra.
Dù Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM có thể xét nghiệm được Mers – Cov nhưng hiện tại TP.HCM vẫn quy định mẫu xét nghiệm gửi về Viện Pasteur làm đầu mối. Trong trường hợp có ca nghi ngờ, nếu cần thiết sẽ gửi cả sang hai đơn vị để nhanh có kết quả và đối chiếu cho nhau.
Cũng theo nguồn tin chính thức, sáng mai Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cũng tổ chức tập huấn về Mers – Cov cho cán bộ y tế.
Minh Di (Tổng hợp)