Sau hàng loạt sự việc hiểu lầm về "hội chứng thôi miên, bắt cóc trẻ em", dẫn đến những vụ hành hung, huỷ hoại tài sản một cách vô nhân tính, khiến nhiều người cảm thấy hoang mang. Vì vậy, một số người đi ô tô đã phải nghĩ ra "độc chiêu" để bảo vệ mình.
Tránh tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng", nhiều chủ xe cẩn thận công khai trước việc làm của mình mỗi khi có việc đến địa phương khác. Ảnh: FB |
Với dòng thông báo công khai được in trên giấy và dán nên kính xe ô tô rằng mình không phải kẻ bắt cóc hay thôi miên lừa đảo, các chủ xe hy vọng đây là cách bảo vệ giúp họ thoát khỏi những rắc rối không đáng có.
Với hình thức công khai minh bạch như vậy người dân sẽ cảm thấy đỡ bất an hơn khi có người lạ xuất hiện. Ảnh: FB |
Sau khi những hình ảnh này xuất hiện, nhiều quan điểm cho rằng với tinh thần công khai như vậy nếu được phát huy cả nước thì hay biết mấy. Tuy nhiên, nhiều ý kiến bày tỏ rằng việc làm này cũng đã thể hiện về sự mất niềm tin vào con người, vào xã hội hiện nay.
Dòng tự bạch khá đầy đủ thông tin. |
Chỉ trong tháng 7 đã có nhiều nạn nhân bị đánh hội đồng, bị đốt xe vì nghi ngờ bắt cóc trẻ em. Việc họ ngờ vực, cảnh giác trước hành động, cử chỉ của người lạ là điều có thể thông cảm. Nhưng chắc chắn, đó không phải là lý do để biện minh cho cách hành xử của những đám đông hung hãn và coi thường luật pháp.
"Người tốt đến mấy, nổi tiếng đến mấy, cống hiến đến mấy, hiền lành đến mấy, chỉ một phút sơ sảy gì đó, cũng có thể thành vật hiến tế trên giàn thiêu bàn phím của những kẻ thiếu suy nghĩ, ưa chửi rủa", một TS về thần kinh nhận định .
Theo nhiều chuyên gia phân tích hiện tượng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân như xã hội bất an, thông tin thiếu kiểm chứng lan truyền qua mạng xã hội, sự chậm trễ của cơ quan an ninh hay vai trò gốc rễ của giáo dục và kinh tế.
Tuy nhiên, gốc rễ của vấn đề chính là thực trạng giáo dục ứng xử, ý thức chấp hành pháp luật cho người dân còn nhiều hạn chế. Một khía cạnh nào đó, bạo lực trong xã hội xuất phát từ các khiếm khuyết trong nền giáo dục.
Một đất nước văn minh không thể để những hành vi vô thức, coi thường pháp luật dẫn dắt đám đông trong cơn cuồng nộ. Nó chính là nỗi đau của những người phải hứng chịu hành vi đáng sợ đó, sự kỳ thị và làm xã hội bị tổn thương.
Đức Hòa (tổng hợp)