Tin mới

Cái chết uẩn khúc của phi hành gia Gagarin: Nửa thế kỷ sau, người đời day dứt không nguôi

Thứ năm, 07/06/2018, 08:03 (GMT+7)

Phi hành gia Yuri Gagarin khi còn sống đã tạo nên lịch sử, rồi cũng chính lịch sử đã phần nào che giấu sự thật về cái chết của người anh hùng Liên Xô ấy.

Phi hành gia Yuri Gagarin khi còn sống đã tạo nên lịch sử, rồi cũng chính lịch sử đã phần nào che giấu sự thật về cái chết của người anh hùng Liên Xô ấy.

Ngày 12/4/1961,

Liên Xô ghi danh mình là quốc gia mở ra kỷ nguyên khai phá vũ trụ của thế giới khi phi hành gia Yuri Gagarin lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại thực hiện chuyến bay vĩ đại dài 108 phút ra ngoài không gian trên con tàu Phương Đông 1 (Vostok 1).

Anh là người đã viết lên trang sử huy hoàng khi là người đầu tiên hiện thực hóa ước mơ ngàn đời của nhân loại: Thoát khỏi sức hút của Trái Đất để thỏa sức bay ngoài khoảng không vũ trụ bao la.

Khi trở về Trái Đất, chàng trai phi hành gia trẻ 27 tuổi Yuri Gagarin ấy không những được vinh danh là anh hùng Liên Xô, anh còn là hiện thân cho sức mạnh quốc gia, là niềm tự hào dân tộc. Thế giới ca ngợi anh. Hàng trăm nghìn đồng bào tụ hội tại Quảng trường Đỏ hô vang tên anh. Đường phố được đổi sang tên anh. Thủ đô Moskva trang trọng xây tượng đài cao 42,5m để vinh danh anh. Tổng bí thư đương thời Khrushchyov gọi anh là "Christopher 

Columbus*" của Liên Xô.

Và rồi... Yuri Gagarin chết!

Cái chết uẩn khúc của phi hành gia Gagarin: Nửa thế kỷ sau, người đời day dứt không nguôi - Ảnh 1.

Anh hùng Liên Xô Yuri Gagarin (1934 - 1968). Ảnh: Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA).

Ngày 27/3/1968,

Chưa đầy 7 năm sau sứ mệnh lịch sử của mình, Yuri Gagarin qua đời trong một vụ tai nạn máy bay khi đang ở độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời.

Vào ngày định mệnh đó, Yuri Gagarin và phi công lái thử máy bay Vladimir Seryogin khi ấy đang bay huấn luyện trên chiếc tiêm kích phản lực thế hệ thứ nhất MiG-15 của Liên Xô thì gặp sự cố.

Với những bản báo cáo mập mờ từ chính phủ; những cuộc điều tra không công khai cho dư luận biết của cơ quan tình báo KGB; cùng với những người theo thuyết âm mưu, thì người ta không thể tin và không thể giải thích được tại sao hai phi công lão luyện trên chiếc MiG-15 tối tân như vậy lại có thể biến mất không dấu vết khỏi bầu trời!

Điều thực sự gì đã xảy ra với người phi hành gia trẻ từng được cả thế giới vinh danh, chào đón?

Cái chết uẩn khúc của phi hành gia Gagarin: Nửa thế kỷ sau, người đời day dứt không nguôi - Ảnh 2.

Sau sứ mệnh không gian đi vào lịch sử, Yuri Gagarin được bầu là đại biểu của Xô viết Tối cao - cơ quan lập pháp tối cao của Liên Xô; đồng thời anh cũng được bổ nhiệm là Tư lệnh Quân Đoàn.

Các chức vụ Yuri Gagarin giữ sau khi trở về Trái Đất đều gián tiếp nói lên rằng anh không thể tiếp tục phát triển sự nghiệp bay (phi hành gia hoặc phi công) của mình nữa.

Bởi, sau cái chết do sự cố kỹ thuật của phi hành gia Vladimir Komarov (bạn thân của Yuri Gagarin) trên tàu vũ trụ có người lái mới mang tên Soyuz 1 năm 1967 (đọc tại đây), giới lãnh đạo Liên Xô sợ mất tiếp đi một tài năng hàng không nữa nên cố tránh anh xa các nhiệm vụ bay. Họ không thể liều lĩnh đánh đổi anh cho một sứ mệnh vũ trụ khác.

Vài năm sau, vì nhớ những nhiệm vụ bay của mình, Yuri Gagarin đã xin lãnh đạo rút lại lệnh cấm bay. Thế rồi, năm 1968 định mệnh ấy cũng xảy ra.

Cái chết của phi hành gia Yuri Gagarin - người hùng vũ trụ của Liên Xô nói riêng và thế giới nói chung mãi mãi là bí ẩn bởi tất cả các báo cáo từ chính phủ đến cơ quan tình báo Liên Xô đều không thể đưa ra lý do phù hợp cho cái chết của anh. Tất cả những gì người ta biết xoay quanh những giây phút cuối cùng của anh, chỉ là:

Sáng sớm ngày 27/3/1968,

Yuri Gagarin tỉnh dậy sớm. Căn cứ không quân Chkalovsky (gần thành phố Shchyolkovo, miền Tây Liên Xô, cách thủ đô Moskva 31km về phía đông bắc) nơi anh đóng quân còn mờ trong sương sớm.

Hôm ấy, anh phải thực hiện 3 nhiệm vụ bay huấn luyện trên chiếc tiêm kích MiG-15: Đầu tiên là một nhiệm vụ bay với phi công Vladimir Seryogin - Nửa ngày còn lại sẽ là hai nhiệm vụ bay đơn lẻ.

Các nhiệm vụ bay này thực chất chỉ là thủ tục bởi, trước khi trở thành phi hành gia, Yuri Gagarin đã là thượng úy của Không quân Liên Xô.

10 giờ sáng ngày 27/3/1968,

Trời đổ mưa và có gió. Khi ngồi trên chiếc bus đưa anh và người đồng hành Vladimir Seryogin ra khu vực bay, Yuri Gagarin chợt nhớ ra mình quên mang theo thẻ căn cước. "Sắp có điềm xấu chăng?", Gagarin tếu táo với mọi người trên xe.

Bước khỏi xe bus chuyên dụng, Gagarin và Vladimir Seryogin lên máy bay, nhanh chóng yên vị trên chiếc MiG-15 và bắt đầu tiến vào khu vực bay mặc cho thời tiết chuyển biến theo hướng ngày một xấu đi.

Vài phút sau, Gagarin liên lạc bộ đàm cho chỉ huy mặt đất, thông báo rằng mình và đồng đội đã hoàn thành nhiệm vụ bay huấn luyện đồng thời cho chiếc MiG-15 quay trở về căn cứ.

Cái chết uẩn khúc của phi hành gia Gagarin: Nửa thế kỷ sau, người đời day dứt không nguôi - Ảnh 3.

Gia đình nhỏ của Yuri Gagarin.

Rồi, tiếng bộ đàm tắt....

10 phút sau không thấy tín hiệu liên lạc trở lại của Gagarin, sở chỉ huy mặt đất tức tốc cử đội cứu hộ không quân đi tìm.

15 giờ chiều ngày 27/3/1968,

Đội cứu hộ tìm thấy chiếc MiG-15. Nhưng nó hoàn toàn chỉ còn là đống sắt vô dụng còn cháy dở dang giữa một vùng nông thông đầy tuyết ở Liên Xô.

Người ta nhanh chóng xác định thi thể bên trong là phi công lái máy bay thử nghiệm Vladimir Seryogin. Khoang lái còn lại không có người. 

Họ hy vọng, Gagarin đã kịp thoát khỏi máy bay trước đi nó đâm sầm xuống rừng cây và phát nổ.

Hy vọng tiêu tan khi vài ngày sau những nỗ lực tìm kiếm điên cuồng của đồng đội, người ta thấy anh - nằm ở vị trí cách xác máy bay không xa - không còn chút sinh khí!

Gagarin ra đi, để lại vợ là Valentina Ivanovna Goryacheva và hai cô con gái bé bỏng.

Cái chết uẩn khúc của phi hành gia Gagarin: Nửa thế kỷ sau, người đời day dứt không nguôi - Ảnh 4.

7 năm sau sứ mệnh lịch sử, nếu như thế giới và người Liên Xô từng hô vang tên anh để ca ngợi những cống hiến to lớn cho công cuộc khai phá vũ trụ thì khi hay tin dữ, họ... khóc! Khóc vì tai nạn quá bất ngờ và hy hữu của anh. Khóc vì thế giới vĩnh viễn mất đi người anh hùng vũ trụ từng là hiện thân của nhân loại để biến giấc mơ bay vào vũ trụ thành hiện thực.

Những giọt nước mắt đau đớn của hàng trăm nghìn người liên tục rơi. Họ không chỉ tiếc thương anh mà còn mong muốn sáng tỏ cái chết của người anh hùng ấy.

Dưới sức ép của dư luận thế giới và chính người dân nước mình, chính phủ Liên Xô tức tốc thành lập một ủy ban riêng để điều tra nguyên nhân cái chết của hai phi công trên chiếc tiêm kích MiG-15 ngày đó.

Tháng 11/1968, 8 tháng sau vụ tai nạn khó hiểu, Ủy ban Nhà nước Liên Xô đệ trình một bản báo cáo dày 29 chương về nguyên nhân cái chết của Gagarin và Vladimir Seryogin... nhưng không thuyết phục. Bản báo cáo chỉ đưa ra những giả thuyết không có bằng chứng cụ thể về vụ tai nạn xảy ra ngày 27/3/1968.

Một trong số nguyên nhân mà người ta đưa ra là, chiếc MiG-15 có thể đã va chạm với chim hoặc quả bóng thám không. Nói cách khác, mọi giả thuyết đều nghiêng về việc "đổ lỗi" cho các nguyên nhân khách quan, không phải nguyên nhân chủ quan như lỗi hệ thống hoặc cơ học.

Có vẻ như, Liên Xô không muốn thổi bùng ngọn lửa giận giữ của dư luận sau thảm kịch tàu vũ trụ Soyuz 1 năm 1967 khiến bạn thân của Yuri Gagarin là Vladimir Komarov (1927 - 1967) thiệt mạng do sự cố kỹ thuật (khi cả 2 chiếc dù không bật được trong quá trình phi hành gia này thoát hiểm khi tàu vũ trụ lao tự do xuống mặt đất).

Không lâu sau đó, Tổng bí thư Leonid Brezhnev khép lại cuộc điều tra và coi đó là bí mật quốc gia hàng đầu. Những người điều tra và viết báo cáo được lệnh giữ im lặng tuyệt đối vì mọi thông tin rò rỉ có thể "làm xáo trộn" quốc gia!Thảm họa hạt nhân tồi tệ thứ 2 Liên Xô: CIA rõ như ban ngày nhưng không hé môi - vì sao?

Khi cái chết của một người hùng chứa đầy uẩn khúc và bí mật; và khi chính phủ chỉ đưa ra được những nguyên nhân lấy lệ và coi đó là bí mật quốc gia thì đó là lúccông thức hoàn hảo của thuyết âm mưu được lên ngôi. Những giả thuyết xoay quanh cái chết của nhà du hành vũ trụ vĩ đại Yuri Gagarin còn khiến nhiều người day dứt không nguôi sau nửa thế kỷ xảy ra vụ tai nạn bí ẩn (1967 - 2018).

Một trong những tin đồn về đến cái chết của Gagarin liên quan đến những âm mưu chính trị. Hay chính CIA đã "ra tay" với người hùng dân tộc của Liên Xô. Cũng có người cho rằng, Gagarin vẫn còn sống và bị che giấu trong một bệnh viện cho đến khi qua đời vào năm 1990! Có những người tin rằng anh vẫn còn sống đến tận bây giờ, danh tính của anh được che giấu qua nhiều thập kỷ nhờ phẫu thuật chỉnh gương mặt.

Năm 2003, một cuộc điều tra bí mật của cơ quan tình báo KGB rò rỉ thông tin cho rằng, Yuri Gagarin và đồng đội gặp tai nạn là do sự chỉ dẫn sai lệch của sở chỉ huy mặt đất. Theo báo cáo mật của KGB, đội của Gagarin bị cung cấp những thông tin sai lệch về thời tiết.

Năm 2010, các nhà nghiên cứu Nga tin rằng việc lỗ thông hơi trên MiG-15 bị lỗi là nguyên nhân khiến cho chiếc tiêm kích gặp nạn.

Năm 2013, phi hành gia nổi tiếng người Nga là Alexey Leonov công bố thông tin gây chấn động về vụ tai nạn năm 1968: Một chiếc Su-15 của Liên Xô - một loại máy bay đánh chặn lớn hơn nhiều so với tiêm kích MiG-15 mà Gagarin lái - đã vi phạm không phận của tiêm kích MiG-15 khiến cho Gagarin mất kiểm soát chiếc máy bay và tử nạn.

"Đó là một vụ tai nạn thông thường. Tuy nhiên, chính việc các quan chức phản ứng lại với những thất bại trong việc kiểm soát không lưu ở cự ly gần đã khiến cho dư luận day dứt mãi không nguôi về cái chết của người hùng vũ trụ Yuri Gagarin.", Alexey Leonov kết luận.

Cái chết uẩn khúc của phi hành gia Gagarin: Nửa thế kỷ sau, người đời day dứt không nguôi - Ảnh 6.

Ra đi ở độ tuổi 34, nhưng Yuri Gagarin mãi được khắc ghi trên trang sử hào hùng của nhân loại nói chung và người Liên Xô nói riêng (nay là Nga). Họ trang trọng hỏa táng Yuri Gagarin và Vladimir Seryogin rồi chôn ở bức tường điện Kremlin (nơi chôn cất các anh hùng, chính trị gia, nhà quân sự và khoa học lỗi lạc) ở Quảng trường Đỏ của thủ đô Moskva.

Khi con tàu Apollo 11 đặt chân lên Mặt Trăng vào tháng 7/1969, phi hành đoàn đã để lại một huy chương kỷ niệm mang tên anh - Yuri Gagarin - để tưởng nhớ những đóng góp và sự hy sinh của người hùng vũ trụ.

Thời gian qua đi, trên bầu trời ngày nay có đến hơn 500.000 thiết bị nhân tạo từ vệ tinh nhân tạo đến Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) lớn nhất thế giới, nhưng ngày 12/4/1961 chỉ có một! Và Yuri Gagarin trên con tàu Phương Đông 1 cũng chỉ có một! Dù cho sự thật xoay quanh cái chết của anh 7 năm sau sứ mệnh lịch sử có nhiều đồn đoán đi chăng nữa thì với hàng triệu người, anh mãi là ánh sao sáng trên bầu trời!

Anh ra đi nhưng để lại cho nhân loại một cống hiến vô cùng to lớn. Nhờ anh, hậu duệ tiếp tục viết nên những ước mơ chinh phục vũ trụ to lớn về sau.

Cái chết uẩn khúc của phi hành gia Gagarin: Nửa thế kỷ sau, người đời day dứt không nguôi - Ảnh 7.

Yuri Gagarin mãi là ánh sao sáng trên bầu trời! Ảnh: ESA

*Christopher Columbus (1451 - 1506) là nhà hàng hải, nhà thám hiểm người Italia. Ông được xem là người có công tìm ra châu Mỹ năm 1492.

Trang Ly

Theo Helino/ Trí thức trẻ

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news