Báo chí xôn xao đưa tin Trường Cao đẳng Nghề Việt Mỹ cấm thầy cô trong trường có quan hệ yêu đương với sinh viên. Theo đó, giáo viên vi phạm đều buộc phải nghỉ việc.
Trong cuộc sống, việc cấm đoán tình yêu đôi lứa giống như vở kịch Romeo và Juliet có thể coi là một tội ác. Nhưng trong giáo dục, cấm đoán tình yêu đôi khi lại xuất phát từ những người giàu tình yêu nhất.
Một câu chuyện có tên “Mẹ, rửa chén đi nhé!”, kể về các sinh viên đến nhà vị giáo sư để liên hoan sau buổi đi thực tập. Lúc ăn xong ông bảo các em cứ để đấy sẽ có người rửa. Ông đem chén đũa vào bồn rửa rồi bảo với người mẹ già 70 tuổi của mình: “Mẹ, rửa chén đi nhé…”.
Học sinh Trường CĐ Nghề Việt Mỹ. Ảnh: Website trường
Những sinh viên rất đỗi ngạc nhiên. Nhưng với khuôn mặt rạng rỡ, bà mẹ đi đến bên cạnh bồn, chậm rãi rửa chén, mất khoảng nửa giờ mới rửa xong. Khi đã rửa xong, ông cầm khăn mặt lau tay cho mẹ. Sau đó ông đưa mẹ về phòng và quay lại bếp, đem chén ra rửa một lần nữa. Ông nhìn lũ học trò, khi ấy còn đang ngạc nhiên không hiểu gì và nói: “Để bà rửa chén, bà sẽ cảm thấy con vẫn cần mẹ. Hiếu kính cha mẹ, ngoại trừ việc giúp đỡ cha mẹ ra, còn phải cho cha mẹ một cơ hội để yêu thương chúng ta”.
Câu chuyện cảm động này khiến người ta chợt nhận ra rằng, tình yêu dù theo cách nào cũng rất cần thiết cho cuộc sống. Tình yêu đôi khi lại được biểu hiện bằng những cách tưởng chừng như rất “phi tình yêu”. Tình yêu của cha mẹ đối với con cái đôi khi được thể hiện bằng roi vọt. Chắc nhiều bậc phụ huynh cũng hiểu, những lời nói nhẹ nhàng, đôi khi không mấy hiệu quả với những đứa trẻ cứng đầu.
Mấy ngày qua, báo chí đưa tin Trường Cao đẳng Nghề Việt Mỹ cấm thầy cô trong trường có quan hệ yêu đương với sinh viên. Theo đó, nếu để xảy ra chuyện này, thì dù dưới bất kỳ hình thức nào, giáo viên vi phạm đều buộc phải nghỉ việc.
Hãy suy nghĩ thật đơn giản về sự việc với tâm thế của một người đi làm. Trường Cao đẳng Nghề Việt Mỹ là một tổ chức giáo dục, là phân hiệu của American Polytechnic College tại Việt Nam, phải làm theo quy định của cơ sở chính. Họ cho rằng chuyện giảng viên yêu đương sẽ ảnh hưởng tới việc công việc giảng dạy thì họ cấm. Ranh giới của chuyện trong trắng yêu đương & chuyện ép buộc để “đổi tình lấy điểm” thì mỏng manh như bề ngang 1 sợi tóc.
Trên thế giới, đầu năm 2015, Đại học Harvard đã ra quy định giảng viên và sinh viên không được yêu đương. Trước đó, Đại học Yale, Đại học Connecticut đưa ra những quy định tương tự lần lượt vào năm 2010 và 2013.
Khoảng năm 1999-2000, ông Trưởng Đại diện Văn phòng đại diện Motorola tại Việt Nam tổ chức đám cưới bằng 1 buổi tiệc đứng sang trọng tại khách sạn Horison Hà Nội. Cô dâu người Việt, kém ông chừng gần 3 chục tuổi. Nàng nguyên là thư ký của ông ở Văn phòng đại diện. Do tính chất công việc hay gần gũi, chàng và nàng hôn nhau. Nhưng theo luật nội bộ của hãng Motorola, họ không được hôn nhân, vì mối quan hệ yêu đương giữa 2 vị trí này trong cùng 1 văn phòng là bị cấm. Nàng bèn xin nghỉ việc để sang ngân hàng khác làm.
Và đám cưới hợp pháp với quy định nội bộ của Motorola diễn ra. Mẹ cô dâu răng đen chit khăn mỏ quạ, đại diện nhà gái, hạnh phúc phát biểu lê thê “Thưa các cụ các ông các bà các bác các cô các chú các anh các chị các em, thưa quan viên 2 họ đến mừng hạnh phúc 2 cháu…” và anh phiên dịch ngần ngừ 1 chút bèn dịch cụt lủn: “Ladies and Gentlemen”/ Thưa Quý ông, Qúy bà…
Cho nên cấm là việc hết sức bình thường. Vì mỗi tổ chức đều có những quy định, tiêu chí riêng để tự thanh lọc và phát triển.
Thày trò lỡ yêu nhau. Rồi một hôm thày cho trò điểm thấp vì trò không làm được bài, trò có chịu không?
Và bao chuyện rối rắm diễn ra.
Nên việc cấm thày yêu trò là phải…
Vân Anh