Tin mới

Cần làm gì để để trừ rủi ro, nhận may mắn trong ngày Tết Đoan Ngọ?

Thứ năm, 06/06/2019, 10:40 (GMT+7)

Tết Đoan Ngọ là thời điểm trời đất giao hòa dễ gây tổn thương nguyên khí nên cần chú ý một số điều dưới đây để trừ rủi ro và nhận may mắn.

Ở Việt Nam, Tết Đoan Ngọ hay còn được gọi là  "Tết giết sâu bọ" được tổ chức vào ngày 5/5 âm lịch. Đây cũng là Tết chung của một số nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc.

Tết Đoan Ngọ là thời điểm sum họp đầm ấm nhất và có nhiều tục lệ gắn kết với đời sống của người dân... vì vậy con cháu dù làm ăn xa xôi mấy cũng cố thu xếp để về. Vào ngày này, cả làng nhộn nhịp hẳn lên, nhà nào cũng dậy từ sớm chuẩn bị phẩm vật cúng tổ tiên và hoa quả là thứ đồ cúng không thể thiếu.

Sau lễ cúng tổ tiên, cả nhà sẽ cùng nhau quây quần ăn những thứ quả chua, rượu nếp, bánh tro... để diệt trừ" sâu bọ", xua đuổi hết bệnh tật...

 

Chia sẻ với VietNamNet, nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Sinh cho biết: "Trong quan niệm cổ truyền, dịp Tết Đoan Ngọ (5/5 Âm lịch) là lúc tiết trời oi ả. Đây là lúc chuyển mùa, sâu bọ, côn trùng cũng được dịp phát triển gây bệnh cho người, vật nuôi và cây cối.

Ngày này, người dân thường chuẩn bị lễ vật cúng Tết Đoan Ngọ vào sáng sớm. Tuy nhiên, Đoan nghĩa là mở đầu, Ngọ là khoảng thời gian từ 11 giờ sáng tới 13 giờ chiều. Do vậy, thời gian cúng Tết Đoan Ngọ chuẩn nhất là từ 11 giờ đến 13 giờ."

Một số phong tục trong ngày Tết Đoan Ngọ:

- Ở một số làng quê, đúng 12h trưa, người dân ở các vùng sẽ rủ nhau đi hái lá. Đây là thời khắc có dương khí tốt nhất nên lá cây lúc này sẽ có tác dụng để chữa bệnh rất tốt như bệnh ngứa ngoài da và các bệnh về đường ruột,....

Phong tục hái lá trong ngày Tết Đoan Ngọ. Ảnh báo Nghệ An

- Ở một số thành phố không nhiều vườn tược, cỏ cây nên sẽ không có tục lệ đi hái lá thuốc mà thay vào đó họ sẽ đi mua những loại lá có mùi vị mình ưa thích về để đúng ngọ ngày mùng 5 lại đem ra phơi khô rồi bọc lại để trong tủ thuốc khi cần sẽ lấy ra dùng.

Ngoài ra, sáng sớm tết Đoan Ngọ mọi người sẽ mua ruợu nếp cái và các loại hoa quả đúng mùa để thắp hương sau đó sẽ ăn các loại này để nhằm diệt sâu bọ trong bụng.

Những món ăn trong ngày Tết Đoan Ngọ:

Những món ăn trong ngày Tết Đoan Ngọ. Ảnh minh họa

Bánh tro: Bánh tro theo quan niệm xưa là có sự hấp thụ các đặc tính của cây cỏ có tác dụng tiêu tan hết bệnh tật trong người, đồng thời giải nhiệt trong tiết trời oi bức tháng 5.

Cơm rượu nếp (cái rượu): Cơm rượu nếp là một món ăn không thể thiếu trong các gia đình ngày Tết Đoan Ngọ. Chúng có mục đích là giết sâu bọ và thể hiện được nét đẹp văn hóa trong tâm linh của người Việt.

Các loại quả đầu mùa: Theo quan niệm của ông bà xưa, sau khi các loài sâu bọ trong cơ thể bị cơm rượu nếp “chuốc say”, chúng ta tiếp tục ăn các loại trái cây có vị chua sẽ khiến chúng chết nhanh hơn. Một số loại trái cây như mận vải, xoài, chôm chôm, dưa hấu…

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: giết sâu bọ