“Cắt giảm khí thải hay đối mặt với thảm họa” là cảnh báo mới nhất của Liên Hợp Quốc (LHQ), khẳng định thế giới chỉ còn 12 năm để ngăn chặn tình trạng ấm lên toàn cầu trước khi những thảm họa như hạn hán, lũ lụt và đói nghèo liên tiếp xảy ra.
Theo báo cáo do Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu của LHQ công bố ngày 8/10, toàn thế giới cần nỗ lực ngăn chặn khả năng nhiệt độ toàn cầu tăng lên 1,5 độ C so với giai đoạn tiền công nghiệp vào năm 2030.
Quá trình này sẽ tiêu tốn kinh phí 2,4 nghìn tỷ USD trên toàn thế giới mỗi năm và “đòi hỏi sự thay đổi mạnh mẽ chưa từng thấy trong tất cả các lĩnh vực xã hội”.
Các đợt cháy rừng tại California những năm qua xuất hiện với mật độ ngày càng dày đặc và quy mô tăng dần. Ảnh: AP. |
Nếu nhiệt độ toàn cầu tăng hơn 1,5 độ C, các nhà khoa học cảnh báo nhân loại sẽ đối mặt nguy cơ thường xuyên xảy ra những hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, lũ lụt, nước biển dâng, bão nhiệt…
Ngoài ra, những nguy cơ ảnh hưởng tới xã hội như sự lan tràn của dịch bệnh, đói nghèo, ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế, phá hoại mùa màng cũng là những hệ lụy của tình trạng ấm lên toàn cầu.
Tính đến nay, nhiệt độ Trái Đất đã cao hơn giai đoạn tiền công nghiệp 1 độ C. Dựa trên tốc độ ấm lên toàn cầu hiện nay, các nhà khoa học của LHQ dự đoán nhiệt độ Trái Đất sẽ tăng thêm 1,5 độ C vào năm 2030, tức là sau 12 năm nữa.
Ảnh chụp vệ tinh năm 2016 cho thấy một phần lớn diện tích Bắc Băng Dương không còn đóng băng. Ảnh: NASA. |
Để tránh viễn cảnh này, lượng khí thải CO2 thải ra trên toàn cầu hàng năm cần được cắt giảm 45% vào năm 2030 và giảm xuống mức bằng 0 vào năm 2050.
Nhằm thực hiện mục tiêu này, LHQ cho rằng toàn thế giới cần thực hiện những thay đổi như dừng hoạt động hàng trăm nhà máy sản xuất điện sử dụng nhiên liệu là than đá và chuyển sang sử dụng năng lượng bền vững.
Báo cáo cho rằng cần giảm lượng than đá đốt cháy xuống gần 0% vào năm 2050, tăng năng lượng bền vững lên 85% tổng sản lượng điện toàn cầu vào năm 2050, mở rộng diện tích rừng để hấp thụ lượng CO2 từ khí quyển cũng như phát triển công nghệ để loại bỏ đáng kể loại khí thải này.
Các nghiên cứu cho rằng các nguồn năng lượng hóa thạch cần được nhanh chóng thay thế bằng năng lượng sạch để chặn biến đổi khí hậu đạt mức thảm họa. Ảnh: Getty. |
Ngoài ra, thế giới cần thực hiện những thay đổi “chưa từng có” trong các ngành công nghiệp năng lượng, giao thông vận tải, xây dựng và thay đổi lối sống của người dân.
Trang Vũ (tổng hợp)