Kí ức bị hãm hiếp vẫn đeo bám dai dẳng người phụ nữ cho dù cô đã có gia đình riêng và cố gắng quên đi.
Trong vòng bốn tháng, Jessie, 39 tuổi không thể bước chân ra khỏi nhà và thậm chí không thể chăm sóc cho đứa con của mình vì bị trầm cảm nặng nề. Và dưới đây là câu chuyện có thật về người phụ nữ đã từng bị hãm hiếp và cơn ác mộng vẫn đeo bám cô cho đến tận bây giờ.
Cơn ác mộng mỗi ngày
Tôi đã bị hãm hiếp khi tròn 20 tuổi. Khi đó, tôi đã hẹn hò với người mà tôi nghĩ là tốt. Nhưng vào cuối buổi tối hôm đó, sau khi cả hai đã uống rất nhiều, anh ta đã cưỡng hiếp tôi.
Tôi đã cố gắng chống cự lại nhưng anh ta quá mạnh và kết cục là tôi bị cưỡng hiếp nhiều lần. Ngày hôm sau anh ta bỏ tôi và tôi không bao giờ gặp lại anh ta nữa.
Tôi chưa bao giờ báo cho cảnh sát vì tôi sợ anh ta sẽ phá hỏng cuộc sống của tôi hoặc đe dọa gia đình tôi. Ngoài ra, không có nhân chứng nào cả, vì vậy ai sẽ tin tôi chứ?
Dù rằng tôi là nạn nhân nhưng tôi vẫn không ngừng đổ lỗi cho bản thân về những gì đã xảy ra. Tôi tự mắng bản thân vì sao lại đi chơi với anh ta, tại sao lại uống nhiều rượu như vậy, tại sao tôi không dám báo cảnh sát...
Cô gái trẻ bị hãm hiếp khi mới 20 tuổi.
Vụ cưỡng hiếp đã xảy ra hơn 16 năm trước nhưng nó vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí tôi. Mặc dù tôi đã cố gắng xóa nó trong đầu nhưng nó lại càng in hằn trong tâm trí tôi. Hàng đêm, tôi hốt hoảng tỉnh giấc bởi những cơn ác mộng đeo bám.
Nỗi đau khó xóa nhòa
Khi tôi 30 tuổi, tôi lấy một người đàn ông tuyệt vời và chúng tôi đã có 2 đứa con đáng yêu. Tôi quyết định làm một bà nội trợ vì tôi muốn ở bên con mọi lúc. Chồng tôi biết về vụ hãm hiếp và khuyến khích tôi đến gặp bác sĩ tâm lý. Vì vậy, trong vài năm gần đây, tôi đã được điều trị, mặc dù không thường xuyên. Tôi cũng dùng thuốc cho việc bị mất ngủ và trầm cảm.
Trong một khoảng thời gian, cuộc sống của tôi khá tốt đẹp. Mặc dù kí ức kinh hoàng đó vẫn không rời khỏi tâm trí tôi, tôi vẫn có thể hoạt động như một người bình thường.
Nhưng vào năm ngoái, cảm xúc của tôi bị bùng nổ. Tôi bắt đầu cảm thấy chán nản. Tôi đã khóc suốt cả ngày, tôi cảm thấy hận kẻ đã hãm hiếp tôi và hận cả chính tôi. Tôi muốn chạy trốn đi nơi khác mặc dù tôi biết chồng tôi luôn yêu thương và bên cạnh tôi. Tuy nhiên, nỗi đau, sự giận dữ, xấu hổ và mặc cảm không biến mất trong tâm trí tôi.
Trở thành tù nhân trong nhà
Trầm cảm khiến tôi bị tê liệt. Trong suốt 4 tháng, tôi hầu như không rời khỏi phòng ngủ. Tôi phải để chồng tắm cho mình bởi tôi không còn có sức lực để rời khỏi giường hoặc ra khỏi ghế. Tôi không thể chơi với các con, đọc sách cho chúng nghe hay nấu ăn và mua sắm.
Chồng tôi đã từng nhiều lần muốn tôi đi dạo hay ra ngoài ăn tôi nhưng tôi không thể tự mình đi giày hay chải tóc. Tôi nằm trên giường và chỉ nhìn chằm chằm vào trần nhà. Đôi khi tôi xem TV, tôi không hiểu sao mình lại xem nó.
Kí ức về vụ hãm hiếp khiến người phụ nữ bị trầm cảm nặng.
Tôi cảm thấy mình như một zombie, ngoài thì sống nhưng bên trong đã chết. Tôi muốn biến mất, muốn xóa đi tất cả kí ức xấu trong tâm trí tôi. Mặc dù vậy, tôi không tự sát, tôi không bao giờ muốn con mình mất mẹ.
Cải thiện và phục hồi
Một buổi sáng tôi nhận ra rằng tôi cảm thấy tốt hơn. Tôi vẫn đang bị tổn thương bên trong nhưng tôi có thể thực hiện những việc đơn giản. Tôi đã làm bữa ăn sáng cho gia đình và giặt quần áo.
Cuối tuần đó, tôi bước ra khỏi nhà để tưới cây, tôi cảm thấy tốt hơn khi được hít thở không khí trong lành. Tối hôm đó, tôi nói với chồng tôi rằng tôi muốn đi dạo, vì vậy chúng tôi đi dạo quanh một công viên gần đó cùng các con của chúng tôi.
Bây giờ tôi cảm thấy tốt hơn một chút và điều tôi cố gắng hướng tới là cảm thấy mình hạnh phúc thực sự. Mục tiêu tiếp theo của tôi là tham gia vào một nhóm hỗ trợ cho nạn nhân bị hãm hiếp và hy vọng gặp gỡ những phụ nữ khác như tôi, tôi sẽ không cảm thấy mình cô độc trong vấn đề này.
Tôi cũng biết ơn chồng tôi và những thành viên trong gia đình mà tôi có thể trông cậy vào khi tôi cần giúp đỡ. Không có họ, tôi không nghĩ rằng tôi có thể trụ vững cho đến ngày hôm nay.
Nguồn: Stomp
Theo Helino/Trí thức trẻ