Lễ hội té nước đang tới gần và những khuyến nghị về việc các cô gái nên cẩn thận để tránh bị xâm hại tình dục lại được đưa ra. Tuy nhiên, lần này những lời khuyên đó đã vấp phải sự phản đối dữ dội từ nhiều người.
Phụ nữ bị sờ soạng, sờ hông, bá vai quá đà khi đi làm? Tại phụ nữ chơi quá thân với nam đồng nghiệp ấy mà.
Phụ nữ bị vỗ mông, bị huýt sáo khi đi qua một đám đàn ông? Vì chiếc quần của cô ấy quá ngắn.
Phụ nữ bị xâm hại tình dục, và đáng sợ hơn nữa là hiếp dâm, tấn công? Vì cô ta ăn mặc khêu gợi, không biết giữ gìn?
Đã bao nhiêu lần, người ta được nghe những câu chuyện như vậy. Luôn là "vì phụ nữ, vì cô ta...". Từ năm nay qua năm khác, vụ này đến vụ kia, phụ nữ vẫn bị đổ lỗi, trở thành nạn nhân của những vụ xâm hại tình dục. Và với lễ hội Songkran sắp diễn ra, họ lại là những nạn nhân cho một tập thể thích đổ vấy cho phụ nữ vì lỗi lầm không phải của họ.
Mới đây, dòng hashtag #DontTellMeHowToDress và #TellMenToRespect đã nhận được nhiều sự chú ý trên trang mạng xã hội Twitter tại Thái Lan. Đây được coi như một đòn đáp lại từ những người phụ nữ Thái Lan sau khi một vài cơ quan nước này đưa ra lời khuyên cho phụ nữ nên ăn mặc kín đáo, không để lộ phần cơ thể nếu muốn tránh khỏi bị xâm hại tình dục trong lễ hội té nước Songkran sẽ diễn ra vào cuối tuần này.
Dòng hashtag trên được nhiều người dùng hơn sau khi được siêu mẫu mang 2 dòng máu Thái Lan - Mỹ Cindy Sirinya Bishop đăng kèm một đoạn video nói về việc, những người phụ nữ Thái Lan lại bị "buộc tội" một cách gián tiếp về việc họ ăn mặc hở hang nên mới bị xâm hại tình dục.
Khi lỗi của việc xâm hại tình dục vẫn là vì các cô gái ăn mặc hở hang?
"Cái cách suy nghĩ này khiến vấn đề đấu tranh cho quyền của phụ nữ vẫn còn gặp nhiều vấn đề và có vẻ như tụt lại so với các nước khác", Cindy cho biết.
"Phụ nữ có quyền mặc bất cứ thứ gì họ muốn, miễn là nó không bất hợp pháp. Xâm hại và tấn công tình dục không bao giờ là lỗi của phụ nữ. Hãy bảo những người đàn ông để ý đến cái tay của họ".
Mỗi năm, ngay trước lễ hội té nước Songkran, những dòng khuyến nghị kiểu như "đừng ăn mặc khêu gợi" lại được các tổ chức đưa ra. Nó xuất hiện tràn lan trên báo chí, truyền thông và nhận được nhiều chỉ trích của cộng đồng. Năm nay qua năm khác, họ vẫn chỉ yêu cầu phụ nữ ăn mặc kín đáo nhưng bản thân những người đàn ông lại chẳng ai động gì tới.
Phải kín như nào mới đủ để an toàn?
Ngay lập tức, phong trào #DontTellMeHowToDress đã nhận được sự hưởng ứng của rất đông người nổi tiếng và phụ nữ tại Thái Lan, bao gồm cả Hoa hậu Hoàn Vũ Thái Lan 2015 Aniporn Chalermburanawong, Opal Panisara.
Sự im lặng với phong trào #MeToo
Hashtag #DontTellMeHowToDress là phong trào chống lại nạn xâm hại tình dục và đổ lỗi cho nạn nhân đầu tiên diễn ra trên mạng xã hội tại Thái Lan. Trước đó, phong trào #Metoo gần như đã bị lãng quên tại quốc gia này mặc dù nó thực sự diễn ra vô cùng mạnh mẽ trên toàn thế giới. Tại Thái Lan, từ trước tới nay, việc diễu hành dành quyền cho phụ nữ gần như chưa bao giờ xảy ra hoặc chủ yếu không phải do người Thái đứng ra tổ chức.
Tuy nhiên, Wipaphan Wongsawang, người sáng lập Thaiconsent, một trang Facebook địa phương với những buổi thảo luận mở về vấn đề quan hệ tình dục, hy vọng rằng những thông điệp này sẽ là đem lại khởi đầu thuận lợi cho các phong trào giành quyền cho phụ nữ.
Nhiều người cho rằng, vì các cô nàng ăn mặc hở hang nên mới bị xâm hại tình dục.
"Tôi hoàn toàn đồng ý với cuộc vận động lần này và tôi rất vui khi nhiều người bắt đầu lên tiếng cho bản thân mình. Hy vọng một ngày có thể thấy nó trên quy mô rộng hơn với sự tham gia của đông người", Wipahan chia sẻ.
"Khi những người có chung suy nghĩ gặp nhau, họ biết rằng mình không đơn độc. Nếu chúng ta có thể đoàn kết, vấn nạn xâm hại tình dục có thể bị đẩy lùi", Wipaphan lên tiếng. Tại những quốc gia như Thái Lan, người ta vẫn thường cho rằng lỗi ở các vụ xâm hại tình dục là do phụ nữ. Chính vì lẽ đó, các phong trào như #Metoo dù diễn ra mạnh mẽ trên thế giới nhưng lại không được chú ý tại Thái Lan.
2 tháng trước khi phong trào #Metoo xuất hiện, Thararat Panya - một sinh viên luật tại đại học Thammasat, đã chia sẻ câu chuyện mình bị xâm hại tình dục bởi một nam sinh viên khóa trên. Cô cũng khuyến khích những nạn nhân khác lên tiếng. Tuy nhiên, bên cạnh những lời tán dương vì sự dũng cảm của cô, nhiều người khác cũng chỉ trích và nói xấu Thararat. Trong một cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình quốc gai, Thararat chia sẻ:
"Những điều mà các nạn nhân phải chịu không chỉ dừng lại ở lạm dụng tình dục. Họ phải chịu sự đánh giá từ xã hội và hoài nghi từ mọi người xung quanh về việc tại sao họ lại trở thành nạn nhân".
Hãy bảo những người đàn ông phải để ý đến cái tay của họ, chứ không phải những người phụ nữ phải mặc kín đáo hơn.
Trên thực tế, những điều chính phủ làm để giáo dục mọi người về vấn đề xâm hại tình dục vẫn bị xem là còn hạn chế. Những năm trước, biện pháp để ngăn chặn các cuộc tấn công tình dục trong lễ hội té nước đơn giản chỉ là "cấm các điệu nhảy khêu gợi" - thay vì yêu cầu mọi người không được xâm hại tình dục người khác. Có lẽ, nếu không có những biện pháp thiết thực hơn là việc chỉ ra khuyến nghị, và đổ lên đầu những người phụ nữ; thì những câu chuyện thương tâm trong lễ hội té nước sẽ còn không chỉ trong năm nay mà tới cả nhiều năm sau nữa.
Theo Helino/Trí thức trẻ