Hàng năm, kể từ thập niên 60 của thế kỷ trước, công ty vệ sinh Waternet đã dùng cần cẩu và sà lan trục vớt được khoảng 15.000 chiếc xe đạp/năm từ dưới các kênh rạch ở Amsterdam, Hà Lan.
Tới Amsterdam (Hà Lan), du khách dễ ấn tượng với hình ảnh người người phóng vi vu trên chiếc xe đạp ở mọi nẻo đường. Thành phố cảng này có tới 60% hành trình di chuyển được thực hiện bằng xe đạp và số lượng xe đạp lên tới 881.000 chiếc.
Cũng vì nhiều xe đạp, thành phố lại nhiều kênh rạch nên nơi đây hình thành nghề khá hot - câu xe đạp.
Ngoài lý do không có bãi rác phế liệu ra, người ta cho rằng chủ yếu những chiếc xe ở dưới dòng kênh là do những người dân say rượu mất tay lái làm rơi xuống kênh rạch.
Không những thế, nhiều người nói, chi phí sửa xe đạp ở đây khá đắt đỏ nên thay vì mang chiếc xe hỏng đi sửa, người ta nhẹ nhàng "vĩnh biệt" nó bằng cách tống xuống kênh và đi sắm xe mới.
Hầu hết những xe đạp được giải cứu từ dưới nước lên chỉ còn là một đống phế liệu. Thi thoảng, các công nhân cũng trục vớt được những vật dụng khác như tủ lạnh, két an toàn, thậm chí là xe hơi.
Dù thành phố có một đội thợ lặn lưu động cứu hộ 24/24 nhưng vẫn có tới khoảng 50 chiếc xe hơi bị chủ nhân vùi dưới các kênh rạch của Amsterdam mỗi năm do gặp tai nạn.
Nhiều thuyền bè hư hỏng cũng bị người dân bỏ trôi nổi hoặc mặc cho chúng chìm dưới các dòng kênh do không muốn trả phí neo đậu.
Bất chấp những khuyến cáo của chính quyền với người dân - đừng coi kênh rạch là cái thùng rác, người dân nơi đây vẫn thi thoảng tiện tay ném đồ. Thế nên, nghề câu vật thể lạ dưới nước ở Amsterdam vẫn phát triển đều đều.
Câu xe đạp giờ đây đã trở thành một nền văn hoá, điểm thu hút khách du lịch đến với thành phố cảng này. Và nhiều người dân cũng hồi hộp, tò mò mỗi khi chiếc cần cẩu kia sục xuống nước rồi vớt lên được những vật thể lạ.
Đức Hòa (Amsterdam)