Theo Phó giám đốc CDC Hà Nội Lã Thị Lan cho biết, mục đích của đề xuất này nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm chéo và giảm chi phí cho người được cách ly.
Đối tượng áp dụng gồm: Người tiếp xúc gần (F1) và không phải là người trong cùng gia đình, trong phòng làm việc, trong cùng bàn ăn uống với ca bệnh xác định.
Các F1 bắt buộc phải có người chăm sóc, hỗ trợ là trẻ em dưới 12 tuổi, người tàn tật, phụ nữ sau sinh và cho con bú trong vòng 12 tháng;
Người trực tiếp chăm sóc, hỗ trợ F1 được cách ly cùng F1 tại nhà.
Tất cả người sống trong một nhà/nơi cú trú đều là F1;
Những người đang cách ly tập trung (F1 hoặc về từ vùng dịch) đủ 7 ngày, có kết quả xét nghiệm Realtime RT-PCR ngày thứ 7 âm tính với virus SARSCoV-2 được chuyển về cách ly tại nhà;
Riêng các F1 nguy cơ cao: F1 trong gia đình hoặc cùng phòng làm việc, cùng bàn ăn với trường hợp xác định thì Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch cơ sở cân nhắc các điều kiện cách ly tại nhà và các yếu tố nguy cơ dịch bệnh để quyết định.
“Hiện tờ trình đang chờ phê duyệt của Sở, UBND TP. Khi nào được sự chấp thuận, chúng tôi sẽ triển khai ngay”, trên VietNamNet dẫn lời bà Lan nói và cho biết, điểm lưu ý trong đề xuất của CDC là cụ thể hoá đối tượng F1 thuộc diện cách ly tại nhà.
Cũng theo bà Lan, sau khi phân loại kỹ, đối tượng F1 nào có nguy cơ thấp thì cho cách ly tại nhà để giảm lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung, tạo tâm lý thoải mái cũng như giảm chi phí cho F1. Đồng thời sự phân loại rõ ràng này giúp cho các địa bàn không bị lúng túng khi thực hiện.
Về thời gian thực hiện cách ly y tế tại nhà đối với nhóm đối tượng F1có nguy cơ thấp này, bà Lan cho biết theo đề xuất là 14 ngày kể từ ngày bắt đầu cách ly. Riêng người đã được cách ly tập trung 7 ngày thì tiếp tục cách ly tại nhà 7 ngày. Sau cách ly y tế tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà 14 ngày tiếp theo.