Ở Hà Nội, dễ thấy cảnh những nhóm bạn trẻ ăn mặc đẹp, ngồi trầm tư trong quán cà phê hoặc ở vỉa hè. Họ có thể ngồi xì xụp ăn phở trên ghế đẩu nhựa xanh đỏ, có thể gác chân trên ghế mây, tay lướt Facebook trên điện thoại thông minh. Nhưng mặt họ thường buồn...
Người ta ít thấy họ vận động, nhảy múa, có lẽ chỉ ở trong quán bar khi đêm xuống. Mà vũ trường mấy năm nay không được phép hoạt động ở Hà Nội sau vài vụ đâm chém nhau hoặc khách nhảy bị bắt quả tang dùng thuốc lắc. Ngay cả không gian cộng đồng cho giới trẻ mới nổi như Zone 9, một khu xí nghiệp dược phẩm bỏ không, giờ tập trung nhiều studio nghệ thuật, chụp ảnh hay quán cà phê “chất chơi” thuê lại, khách của những nơi này phần nhiều là ngồi. Ngồi mệt mỏi, ngồi ngẫm ngợi. Hành động đáng kể nhất là tạo dáng chụp ảnh. Vậy phải chăng đó là chân dung thị dân trẻ ngày nay?
Ngồi cả trong tâm trí
Những thị dân trẻ này dễ dàng lên danh sách chỗ ngồi, chỗ ăn nhưng rất vất vả đưa ra danh sách chỗ chơi, chỗ hoạt động, chỗ giải phóng năng lượng. Bởi vì ngay những người lớn tuổi hơn cũng chẳng biết làm gì. Sau những bữa tiệc, buffet hay lẩu, liên hoan cơ quan hay nhóm bạn, cánh trung niên cũng chỉ còn biết ra quán karaoke. Ít thấy họ chụp ảnh. Giới trẻ còn có động cơ và thực tiễn để chụp ảnh “tự sướng”, chứ cánh già nhìn nhau đã sợ, tự biết ngắm chính mình đáng sợ thế nào.
Có lẽ nguồn vui còn lại của giới trẻ, một nguồn bất biến, ấy là tính đồng bọn, sự đông đảo của trang lứa. Không như những thành phố nhiều dân số cao niên như các nước phát triển, ở Hà Nội dễ dàng gặp người trẻ. Nhu cầu chia sẻ, tụ tập là tất yếu và những không gian cho họ cứ thế sinh sôi. Họ tạo không gian cho mình quanh những điểm tựa là một công trình kiến trúc nổi bật: Nhà thờ Lớn, Nhà hát Lớn, Hoàng thành Thăng Long, các con đường ven hồ Tây, các trung tâm thương mại lớn hoặc đơn giản là những phố cà phê san sát nhau Triệu Việt Vương, Nguyễn Hữu Huân, Hàng Nón. Những không gian mang lại cho họ cảm giác đồng hành. Đồng hành ở tư thế ngồi.
Họ gồm phần lớn trong số hơn 800.000 sinh viên đang học tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Hà Nội và cả số những thị dân chọn công việc buôn bán từ khi còn trẻ. Xu hướng trẻ lâu, trẻ dai trong thế hệ 7X cũng khiến cho cộng đồng thị dân trẻ đông đảo hơn và gồm cả những nhân viên văn phòng U40 đã sống hai thập niên trong hình thức trẻ. Thâm niên ngồi khiến họ có thể đi lại nhiều, tập thể dục giữ phom hằng ngày nhưng trong tâm trí là một trạng thái tĩnh.
Những thị dân trẻ ngồi. Họ ngồi để triển lãm tuổi trẻ của họ.
Xách balô lên và cần người ngắm
Cho đến năm nay, kết quả thống kê cho thấy số người sống ở đô thị nước ta đã chiếm khoảng 1/3 dân số. Từ con số này, ta có số cư dân đô thị dưới 40 tuổi khoảng 20 triệu người. Một con số không nhỏ và sẽ là đáng kể khi xét tới mức độ ảnh hưởng lên lối sống tiêu dùng, văn hóa chung.
Số thị dân trẻ này có được nhiều ưu đãi hơn cả trong xã hội Việt Nam. Họ được hưởng mọi thành tựu phát triển của xã hội sớm nhất, nhanh nhất. Họ đã đi được nhiều hơn cha anh. Họ đã khởi sinh ra phong trào “phượt” và gần như nơi nào của đất nước cũng có thị dân trẻ rong ruổi. Họ cũng đi phượt cả nước ngoài, những nơi cho phép họ khám phá thưởng ngoạn chứ không còn là chỉ mưu sinh.
Thế thì đâu phải họ chỉ ngồi? Có vẻ họ đi nhiều là đằng khác. Thoạt tiên, những câu chuyện như cô gái Huyền Chip chưa đến 20 tuổi “xách ba lô lên và đi” 25 nước khơi một nguồn cảm hứng trong giới trẻ thành thị. Cuốn sách thành best-seller, tác giả thì có được tiếng tăm. Tuy nhiên, nguồn cảm hứng này lại không được tạo ra một cách rõ ràng khiến dư luận hồ nghi động cơ của nó và liệu có sự giúp sức của một dự án đằng sau đó không, vì lẽ cuốn sách đưa ra thông tin quá nhiều sơ hở về các thủ tục xuất nhập cảnh cũng như việc kiếm tiền trang trải trên lộ trình của nhân vật chính. Đám đông từ lúc hưởng ứng cuồng nhiệt cuốn sách đã phản ứng dữ dội, tranh cãi kịch liệt và sau vài tháng thì mau chóng bỏ quên hiện tượng này và đến giờ cơ bản đã hạ nhiệt.
Nhìn lại cả quá trình, có phải đám đông gồm những người trẻ này phản đối sự phiêu lưu này không? Ở đây, người ta thấy một sự lựa chọn giá trị của giới trẻ. Trong cách phản đối có vẻ cực đoan kia, những thị dân trẻ đòi hỏi một sự xê dịch có vẻ giống những sô truyền hình thực tế được sản xuất hoàn hảo. Câu chuyện của Huyền Chip cũng giống một sô quảng bá rất nhiều nhưng đã không đáp ứng được sự đòi hỏi của lớp khán giả thị dân không nương tay kia. Trong mỗi con người trẻ ấy, sự hoài nghi ngự trị.
Sống là phản ứng ngay và luôn
Thị dân trẻ lúc nào cũng như một cỗ máy tốn nhiều năng lượng. Họ nhiễm căn bệnh tiêu hao quá mức, đôi lúc khiến họ như hung hãn, như cuồng bạo khi nhu cầu không được thỏa mãn, khi nhà cung cấp không như ý. Họ sẵn sàng bày tỏ ý kiến trên các trang mạng xã hội, trên các diễn đàn, thậm chí song song với sự kiện đang diễn ra. Họ có vẻ không đủ kiên nhẫn, không đợi độ lùi thời gian để suy ngẫm. Với họ, sống là phản ứng. Sống là trạng thái tức thời, là “bạn đang nghĩ gì?” trên Facebook, là cho tất cả mọi người thấy những điều đó, “ngay và luôn”.
Để thực hiện được điều đó, 15 triệu người dùng Facebook - mạng xã hội lớn nhất ở Việt Nam, 71,4% người dùng internet truy cập mạng này dẫn tới nó nghiễm nhiên đại diện cho internet - phải phụ thuộc vào hệ thống kết nối như đường cáp, WiFi hay 3G, những thứ đi liền với khu vực đô thị hơn là nông thôn hay vùng sâu, vùng xa. Hệ thống các đường truyền và sóng viễn thông đã cung cấp khả năng đáp ứng tận mỗi ngõ ngách đô thị. Tất nhiên, đã có nhiều người khai thác được lợi điểm này. Còn nơi nào truy cập được ngoài tại nhà, các điểm dịch vụ internet công cộng và quán cà phê?
Nói đến đây ta lại gặp hình ảnh quen thuộc đã nói ở đầu bài: những thị dân trẻ ngồi.
Ở Sài Gòn một dạo thịnh hành “cà phê bệt” - khách hàng là những người trẻ ngồi ở các vỉa hè hay bờ gạch kè vườn hoa, uống cà phê trong những ly pha từ các xe đẩy di động. Họ ngồi bệt đúng nghĩa xuống nền xi-măng hoặc lót chỗ bằng một tấm bìa các-tông từ vỏ thùng mì ăn liền. Còn ở Hà Nội, 2 năm nay rộ lên mốt cà phê “take away” - cà phê thanh toán trước rồi mang đi - nhưng thực tế chẳng ai cầm ly giấy mang đi mà vẫn ngồi ở quán, nhất là trên các ghế nhựa xanh đỏ ở vỉa hè, nhìn ra phố, nhìn cuộc sống chạy qua, biết rằng những người đi qua sẽ ngắm. Họ ngồi để triển lãm tuổi trẻ của họ.
* Tiêu đề đã được đặt lại
Theo Nguyễn Trương Quý/Người Lao Động