Từ ngón chân cái to bất thường cho đến những vết loét, đôi chân tiết lộ rất nhiều điều về tình trạng sức khỏe chủ nhân. Dưới đây là 6 dấu hiệu và triệu chứng của 6 tình trạng bệnh khác nhau có thể ảnh hưởng đến bàn chân.
1. Bệnh tim
Bạn có thể nghĩ rằng chỉ có nam giới mới có lông ở ngón chân, trên thực tế phụ nữ cũng có. Theo các bác sĩ phẫu thuật bàn chân và mắt cá chân tại ĐH Phẫu thuật Bàn chân và Mắt cá chân Hoa Kỳ, nếu bạn nhận thấy lông trên ngón chân biến mất, đây có thể là dấu hiệu của bệnh động mạch ngoại biên (PAD).
PAD là tình trạng hạn chế lưu lượng máu đến các động mạch ở chân và có thể báo hiệu bệnh động mạch lan rộng hơn, có thể gây ra bệnh tim.
Các triệu chứng khác của tình trạng này bao gồm cảm giác lạnh ở cẳng chân hoặc bàn chân, tê chân, chuột rút đau ở hông hoặc chân, da chân sáng bóng.
2. Bệnh tiểu đường
Nếu bạn nhận thấy một vết thương ở lòng bàn chân không thể lành thì đây có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường. Bệnh này khiến lượng đường trong máu của một người trở nên quá cao.
Một biến chứng là bệnh thần kinh, khiến các dây thần kinh bị tổn thương và bệnh nhân bắt đầu mất cảm giác - điển hình là ở bàn chân. Một nghiên cứu ở Mỹ cho thấy có tới 5% số người mắc bệnh này sẽ bị loét chân.
Và bởi vì họ có thể dễ dàng bị nhiễm trùng, nên 1% số người có những vết thương này cuối cùng phải thực hiện một số biện pháp cắt cụt chi. Các triệu chứng khác của bệnh tiểu đường bao gồm đi tiểu nhiều hơn bình thường, luôn cảm thấy khát nước, mệt mỏi, mờ mắt và bị sụt cân.
3. Suy giáp
Chân lạnh có thể là dấu hiệu của tình trạng tuyến giáp gọi là suy giáp. NHS cho biết điều này xảy ra khi tuyến giáp không sản xuất đủ hormone. Nó có thể khiến nhiều chức năng của cơ thể bị chậm lại và thay đổi cách xử lý chất béo.
Do những thay đổi này, các vấn đề về tuyến giáp có thể dẫn đến cholesterol cao và tắc nghẽn động mạch. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng liên quan đến tim, chẳng hạn như đau thắt ngực hoặc đau tim.
Các triệu chứng thường gặp của bệnh suy giáp bao gồm mệt mỏi, tăng cân, táo bón , trầm cảm và chuột rút cơ bắp.
4. Nhiễm nấm
Nếu móng chân của bạn bắt đầu trông hơi vàng và dày, bạn có thể mắc phải chứng bệnh gọi là nấm bàn chân. Đây là một bệnh nhiễm trùng phổ biến ở da bàn chân, đặc biệt là giữa các ngón chân.
Mang giày chật (chẳng hạn như ủng đi làm) khiến chân bạn không thở được, có thể khiến chân đổ mồ hôi quá nhiều, làm tăng nguy cơ nhiễm nấm.
5. Bệnh gout
Bình thường, ngón chân cái sẽ lớn hơn những ngón còn lại. Nhưng nếu ngón chân cái của bạn trông to bất thường và tồn tại trong một thời gian dài thì có thể bạn đã mắc một loại viêm khớp gọi là bệnh gout. Nó có thể dẫn đến các cơn đau và sưng tấy đột ngột.
Nếu không được điều trị, bệnh gout có thể dẫn đến sỏi thận và tổn thương khớp vĩnh viễn.
6. Thiếu máu
Theo một báo cáo trên The Permanente Journal, móng chân trông hơi trũng hoặc giống hình cái thìa (các đầu móng sẽ hất lên trên) là dấu hiệu của bệnh thiếu máu.
Thiếu máu thiếu sắt được gây ra do thiếu sắt, thường là do mất máu hoặc mang thai. Sắt được cơ thể sử dụng để tạo ra các tế bào hồng cầu, giúp lưu trữ và vận chuyển oxy trong máu. Các triệu chứng thiếu máu khác có thể xảy ra bao gồm mệt mỏi, suy nhược, khó thở và da nhợt nhạt hoặc hơi vàng, có thể xuất hiện rõ ràng hơn trên da trắng so với da đen hoặc nâu.
Khi nào cần đi khám
Nếu bạn cho rằng mình có thể mắc bệnh nấm bàn chân, dược sĩ có thể cung cấp cho bạn một số loại thuốc để loại bỏ nhiễm trùng. Nhưng nếu bạn tin rằng mình có thể mắc bất kỳ tình trạng nào khác được đề cập ở trên thì cần đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị sớm.