Không chỉ tạo ra kỳ tích cho bóng đá Việt Nam, lứa cầu thủ U23 Việt Nam trở về từ Thường Châu đã trở thành những trụ cột của ĐTQG. Đáng tiếc 6 cái tên trong số này đều dính phải những chấn thương liên quan đến dây chằng.
Những người hùng Thường Châu năm nào giờ đang phải vật lộn với chấn thương. Ảnh: VTV
Hàng phòng ngự hội tủ đủ những cái tên liên quan đến "cơn ác mộng" mang tên dây chằng. Vũ Văn Thanh, hậu vệ phải có nền tảng thể lực vô cùng dồi dào đã bị đứt đây chằng chéo khi thi đấu cho HAGL. Chấn thương này khiến Văn Thanh phải sang Hàn Quốc phẫu thuật và điều trị. Cho đến nay, Văn Thanh vẫn chưa thể lấy lại được phong độ tốt nhất.
Đình Trọng là cái tên tiếp theo dính phải "lời nguyền" dây chằng. Trong một pha xoay người, ở tốc độ không quá cao và có sự chủ động, hậu vệ của U23 Việt Nam bị đứt dây chằng cấp độ 3. Chấn thương dai dẳng khiến Đình Trọng đến tận bây giờ vẫn chưa thể quay lại thi đấu.
Đình Trọng vẫn đang trong quá trình điều trị chấn thương dù cho vừa thi đấu tại VCK U23 châu Á 2020. Ảnh: Zing
Người đồng đội cũng là người anh thân thiết của Đình Trọng là Duy Mạnh cũng mới đứt dây chằng chéo. Chấn thương này đến từ một pha tranh chấp trong trận đấu tranh Siêu cúp Quốc gia và Duy Mạnh sẽ phải rời xa sân cỏ từ 6 đến 9 tháng.
Một cái tên khác cũng gặp vấn đề về dây chằng chính là hậu vệ Phạm Xuân Mạnh. Hậu vệ của CLB SLNA bị đứt dây chằng cổ chân và phải rời xa sân cỏ trong năm 2019. Đồng đội của anh tại CLB, Phan Văn Đức cũng gặp chấn thương liên quan đến dây chằng. Phan Văn Đức mới chỉ trở lại tập luyện và đang chờ ngày tái xuất trong màu áo CLB SLNA cũng như ĐTQG.
Lương Xuân Trường cũng bị đứt dây chằng chéo trong một buổi tập của ĐTQG Việt Nam chuẩn bị cho vòng loại World Cup 2022. Hiện tại, tiền vệ gốc Tuyên Quang mới trở về Việt Nam và đang trong quá trình hồi phục.
Lý giải cho việc hàng loạt người hùng Thường Châu năm nào gặp chấn thương rất nặng, nguyên nhân lớn nhất là do tần suất thi đấu quá dày đặc. Kể từ khi trở về từ VCK U23 châu Á 2018, những cầu thủ này đều thi đấu liên tục ở cấp độ CLB lẫn ĐTQG. Các cầu thủ này đều thuộc nhóm "cày ải" trên 2.000 phút trong vòng một năm trước thời điểm chấn thương cho đội tuyển quốc gia. Ở cấp CLB, họ cũng là những nhân tố chủ lực và hiếm khi vắng mặt.
Phan Văn Đức vẫn đang chờ ngày được tái xuất sân cỏ. Ảnh: Internet
Để hạn chế những chấn thương này, bài toán cần đặt ra đó là vấn đề dinh dưỡng, chế độ và giáo án luyện tập thể lực phù hợp để tránh những chấn thương đáng tiếc xảy ra.