Bỏ đi một chương trình mà chỉ số người xem luôn đủ sức khiến các chương trình khác cảm thấy ghen tị, e rằng có phần lãng phí.
Đến hẹn lại lên, đêm 30 Tết, khán giả lại quây quần bên chiếc tivi để theo dõi Táo quân. Xem xong, 9 người vài chục ý, kẻ khen nức nở, người chê ỏng chê eo. Chuyện như đã thành thói quen nên đến giờ đó năm sau, họ vẫn ngồi bên chiếc tivi để bàn tán. Mọi sự đã thành cái thú.
Nếu từng đi xem trực tiếp hoặc được chứng kiến một buổi tập của anh chị em nghệ sĩ, khán giả mới hiểu hết nỗi vất vả để có được 2 tiếng lên sóng trong đêm giáp Tết. Nhưng chắc chắn, những giọt mồ rơi xuống không phải là lý do giúp Táo quân "sống sót" được đến ngày hôm nay.
Đó là chưa kể chương trình không phải lúc nào cũng được đánh giá xuất sắc, hay nói đúng hơn là một vở kịch kéo dài suốt 2 tiếng đồng hồ, thật khó để làm xuất sắc từ đầu đến cuối. Nhưng giá trị tinh thần nó mang lại là không thể phủ nhận. Nói một cách nôm na đó chính là "Cảm giác Tết".
Dù chỉ mới kéo dài liên tục khoảng 15 năm trở lại đây nhưng sự hiện diện của Táo quân trong đêm 30 chẳng khác gì bánh chưng, dưa hành… trong mâm cỗ. Không có nó, khác gì Tết thiếu.
Bởi, làm gì có chương trình nào ngoài Táo quân đủ sức khiến khán giả vừa xem vừa miệt mài ngồi đoán rồi tranh luận về chủ đề, đối tượng đang được nhắc đến.
Bởi, làm gì có chương trình nào ngoài Táo quân đủ sức giữ chân các thành viên trong một gia đình. Cũng hiếm có chương trình được phát đi phát lại mà khán giả vẫn đủ kiên nhẫn để ngồi xem như Táo.
Nói vậy mới thấy, trong suy nghĩ của khán giả Việt, Táo quân dần trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu trong ngày Tết dù đôi khi món ăn đó chẳng tròn vị như số đông mong muốn. Tất nhiên, lỗi của sự thiếu hoàn hảo này không chỉ thuộc về những người làm chương trình mà còn xuất phát từ kỳ vọng của khán giả.
Xem Táo quân nhiều, thích cái thâm thuý của nội dung nên chẳng biết từ bao giờ, khán giả bắt đầu khoác cho chương trình một chiếc áo quá rộng. Họ quên mất, dù có xéo xắt đến cỡ nào thì Táo quân vẫn chỉ là một chương trình giải trí.
Với trọng trách bao nhiêu đó thì việc đề cập một cách chưa đầy đủ hoặc không chỉ ra được giải pháp để giải quyết những vấn đề quá to tát cũng là bình thường. Thế thì vin vào đó để nói về sự hời hợt e rằng hơi thái quá.
Đó là chưa kể đến cảm giác của những người làm Táo. Vất vả, háo hức chờ ngày lên sóng để rồi sau đó bị dội không biết bao nhiêu gáo nước lạnh vào mặt. Cảm giác đó ai từng trải qua mới hiểu hết được.
Không phải tự nhiên mà những ngày bận rộn cuối năm, anh chị em nghệ sĩ lại quyết định gác lại phần lớn công việc để chạy theo Táo. Không phải tự nhiên mà khi đã biết chắc chắn sẽ bị chê, họ vẫn hết lòng cho vai diễn.
Bởi với họ, Táo quân bây giờ không còn là một vở kịch mà chính là một buổi chầu thật sự mà ở đó, thay mặt được số đông, họ phản ánh được những trăn trở của xã hội một cách hài hước và sâu cay.
Chỉ bấy nhiêu đó thôi là đủ để giữ chân Táo quân lâu hơn con số 15 năm mà ai cũng nghĩ là đã dài. Chỉ bấy nhiêu đó thôi là đủ để thấy vị trí của Táo quân trong lòng của khán giả.
Chê nghĩa là còn quan tâm rất nhiều bởi nếu không tường tận thì thật khó để nhận ra những gì chưa trọn vẹn. Thế nên, thay vì nghĩ đến việc bỏ đi hay thay thế, có lẽ nên thấy tự hào về thứ cảm giác riêng biệt mà chương trình đã mang lại cho khán giả.