Ở nhà 6 tháng chăm con chồng không đưa được 1 đồng, đến khi đi làm thì chưa được lương, mọi chi tiêu trong nhà nhờ vào tiền bán hàng online hạn hẹp của vợ. Thế nhưng khi vợ đòi tiền chồng sau khi mua đồ cho con hết 200 nghìn, biếu mẹ chồng 100 nghìn để bà đi du lịch thì bất ngờ bị chồng mắng là tính toán, keo kiệt, chỉ biết "đội tiền lên đầu".
Trong cùng một đất nước mà thời tiết hai miền còn thế nọ thế kia khác nhau, chẳng hạn như hiện tại giữa tháng 4, trong khi miền Bắc lại mát lạnh với nàng Bân tràn về thì miền Nam lại nóng không có từ nào để tả. Thế nên trách sao được việc trong một gia đình lại xảy ra nhiều việc khác nhau; khi thế này, khi lại thế khác nên các bà, các mẹ có hóng chuyện đến muôn đời vẫn không sao tỏ được hết những bất ngờ có thể xảy ra trong từng ngôi nhà của từng chị em.
Sống chung với một người chồng "kẹo kéo" có thể coi là một điều thiếu may mắn với phụ nữ. Nhất là khi anh ta chẳng những tính toán chi li mà còn không mang nổi một đồng đưa vợ chi tiêu, trong khi đó, chỉ biết nhìn một phía nhiếc móc vợ nếu nhỡ may có chuyện không vừa ý.
Đó chính là chân dung của anh chồng được cô vợ trẻ kể trong một hội nhóm dành cho các mẹ đang nuôi con nhỏ. Người vợ trẻ trải lòng: "Các mẹ đọc những lời này có suy ra được tính cách của chồng em không? Em ở nhà 6 tháng nuôi con không được chồng đưa một đồng. Em bán hàng online được bao nhiêu lo cho con hết, giờ mới đi làm cũng chưa được lương. Mẹ chồng em đi tham quan, còn ít tiền nên em bảo đưa mẹ 100 nghìn mà bị ông chồng nói thế này đây. Nhiều lúc thấy ức chế quá các mẹ ạ. Lấy phải ông chồng keo kiệt, bủn xỉn với vợ con quá".
(Ảnh: Facebook)
Đi kèm với vài dòng tâm sự trên, mẹ trẻ còn chia sẻ thêm 3 bức ảnh chụp màn hình tin nhắn mô tả lại cảnh đối thoại giữa mình và chồng hòng để chị em xem xong rồi cùng làm người phán xử. Ảnh đầu tiên và ảnh thứ 2 là đoạn tin nhắn dài ngoằng của chồng, chỉ trích việc vợ đưa mẹ chồng có 100 nghìn để bà đi tham quan, sau khi vợ có trình bày sơ qua vài dòng chữ. Còn ảnh thứ 3 là nội dung đáp trả đanh thép mà cũng có phần hợp lý của người vợ.
(Ảnh: Facebook)
Anh chồng soạn tin nhắn dài như tờ sớ với nội dung trách cứ, nhiếc móc người vợ chỉ biết tham tiền, ích kỉ và keo kiệt. Bên cạnh đó kể lể công sức mẹ đã giúp vợ ra sao, trông cháu, đưa đồ cho người giao hàng giúp vợ thế nào, rồi người khác đánh giá, nhìn vào đàm tiếu ra sao khi biết vợ chồng chỉ biếu bà 100 nghìn để bà đi chơi... rồi sau đó chốt lại một câu "em sống bạc quá đấy" và khẳng định: "Em không phải đưa đâu, anh sẽ đưa tiền cho mẹ".
Trong khi đó, cô vợ trẻ kể lể, nào là tiền quần áo của con, mấy tháng lương chồng chưa hề đưa tiền cho vợ, rồi tiền chi tiêu trong gia đình, vì không có tiền mới phải đưa 100 nghìn cho mẹ chứ bản thân không hề tính toán, ở nhà bán hàng ngoài chi tiêu cũng mua quần áo cho mẹ chồng...
Qua nội dung tin nhắn và cả những dòng mẹ trẻ này chia sẻ, nhiều người cảm thấy hoang mang khi đứng giữa hai thái cực. Một bên thì cảm thấy mẹ trẻ trên cũng có phần đúng, vì ai đời đã không có tiền, chồng không phụ giúp nên việc đưa mẹ chồng 100k để đi tham quan cũng là trọn vẹn nghĩa tình lắm rồi, vật chất không nhiều thì gói ghém sớt chia cho mẹ một ít thôi, chẳng ai xét nét làm gì.
Thái cực còn lại thì cho rằng anh chồng cũng có ý đúng, thời buổi này 100k có nhiều nhặn gì đâu, thà không có không cho, chứ cho có 100k thì làm gì được. Đằng này mẹ chồng lại hỗ trợ mẹ trẻ trên trong việc chăm sóc con mọn, nên việc hỗ trợ chuyến tham quan cho mẹ bằng số tiền bé tẹo tèo teo càng không thể nào chấp nhận được.
(Ảnh minh họa)
Và thế rồi, từ hai thái cực trên liền khiến cộng đồng "500 chị em" quan tâm bài viết trong hội nhóm xảy ra một cuộc tranh cãi nho nhỏ. Thuộc phe đồng tình với ý kiến của mẹ trẻ, chị gái Hường Phạm Thu nói: "Khổ thân mẹ nó, vừa bán online vừa đi làm rồi lại chăm con trong khi chồng làm gì, đi làm nuôi mỗi thân, còn giở giọng bố thiên hạ. Con ai, cháu ai mà chả phải trông. Tiền thì không đưa mà đòi cho mẹ nhiều, 100k không phải tiền chắc. Nói thẳng vào mặt lão chồng đi mẹ nó à, nhịn càng làm tới, với con còn tính toán huống gì mình".
"Thật ra có bao nhiêu thì cho bấy nhiêu, tấm lòng thôi, mẹ nó có tiền mà cho ít đã đành còn đây cũng có đâu, lại nuôi con nhỏ nữa trong khi chồng không đưa tiền nuôi con. 100k ít nhưng nhiều người có khi còn không có nổi 100k ý. Chồng mẹ nó đã sĩ lại ích kỷ. Chẳng ai muốn kẹt với bố mẹ nếu có điều kiện cả, không có thì phải chịu. Nhìn nhắn tin thế kia là tính toán cả rồi chứ gì nữa. 100k là phần nhỏ nhưng quan trọng là chồng mẹ nó vớ vẩn quá. Lại còn cả mẹ anh bế con cho em, thế nói để làm gì, mẹ anh là người dưng chắc" – nickname Trần Thu Hồng thuộc phe này cũng lắc đầu nói.
Riêng phe còn lại thì cho rằng quả thật, 100k là quá ít và quá kỳ nếu dùng để biếu mẹ chồng đi tham quan. "Thà không biếu, chứ biếu làm gì 100k hả mom. Mình không biết ý chị em sao, chứ riêng mình, 100k chả đủ tiền xe thì thôi bảo với mẹ là con không có tiền, mẹ chịu khó nhé, khi nào con có con bù sau. Đã ít tiền còn nhắn tin lấy tiếng, còn khoe vừa mua quần áo cho con hết 200k thì chồng bực bội mắng cho cũng phải. Làm đàn bà thì phải khéo trăm ngàn tình huống mẹ nó ơi" – chị gái Tuyết Dung thuộc phe này nhanh tay gõ phím nói.
(Ảnh: Facebook)
Cô nàng Ngọc Nga cũng chêm vào nói với thái độ không hài lòng với cái chuyện mẹ trẻ trên chỉ cho mẹ chồng có 100k đi chơi dịp cuối xuân như sau: "Em chẳng bênh ông chồng nhé, nhưng nếu là em thì không có chuyện chồng không đưa đồng nào mà em chấp nhận sống đến bây giờ xong rồi kêu ca đâu. Và nếu em không có tiền em sẽ không đưa đồng nào cho mẹ chồng luôn. Chứ đưa 100k thì đưa làm gì? Quần trẻ con cấp 1 đã 300k rồi, 100k của mom bé như mắt muỗi ý ạ".
Cuối cùng, câu chuyện này và cuộc tranh cãi nho nhỏ của giới chị em cũng chưa đi đến hồi kết, thậm chí nó còn xu hướng bùng nổ dữ dội trong hội nhóm đăng tải vào dịp cuối tuần. Thôi thì mỗi nhà mỗi cảnh, thực hư chính xác suy cho cùng cũng chẳng ai biết rõ, chỉ mong là những cao kiến của chị em phần nào giúp được ca khó này, vì có thể sau những đoạn tin nhắn qua lại kia, hai vợ chồng sẽ lâm vào cảnh "cơm không lành, canh không ngọt" một khoảng thời gian đấy!
Theo Helino/Trí thức trẻ