Tin mới

Chiêm ngưỡng kho tiền “khủng” của đại gia Bắc Ninh

Thứ ba, 20/01/2015, 09:48 (GMT+7)

Trong kho tiền “khủng”\nlên đến 6 tấn, có những chum tiền ông Nguyễn Văn Thạo (Bắc Ninh) phải đổi bằng\ncả nhiều cây vàng, thậm chí cả cuốn sổ đỏ của gia đình để được sở hữu.

Trong kho tiền “khủng” lên đến 6 tấn, có những chum tiền ông Nguyễn Văn Thạo (Bắc Ninh) phải đổi bằng cả nhiều cây vàng, thậm chí cả cuốn sổ đỏ của gia đình để được sở hữu.

 

Là người đầu tiên khởi xướng thú chơi tiền cổ ở Việt Nam và cũng là người đầu tiên theo đuổi thú chơi này một cách bài bản, ông Thạo được biết đến như một ông “Vua tiền cổ” xứ Kinh Bắc khi nắm giữ trong tay lượng tiền cổ khổng lồ lên đến 5 - 6 tấn tiền.

Ông Nguyễn Văn Thạo (49 tuổi, cư trú tại Bắc Ninh) được mệnh danh là "ông vua tiền cổ". Ảnh: Tri thức trực tuyến

Trong đó, có tất cả hơn 200 loại tiền giấy, gần 400 loại tiền xu của Việt Nam bắt đầu xuất hiện từ thời Đinh Bộ Lĩnh tập hợp mười hai sứ quân và xưng vương khẳng định chủ quyền đất nước năm 968 cho đến thời đại Hồ Chí Minh ngày nay. Ngoài ra, ông còn lưu giữ một lượng tiền lớn của nước ngoài xuất hiện ở nước ta từ thời nhà Tần, khoảng gần 2000 năm trước.

Bộ sưu tập của ông Thạo có đầy đủ các mệnh giá, từ Thái Bình Hưng Bảo - đồng tiền đầu tiên của triều nhà Đinh đến Bảo Đại Thông Bảo của triều Nguyễn. Ảnh: Tri thức trực tuyến

Với bộ sưu tập đầy đủ các loại tiền theo một tiến trình lịch sử nhất định, bộ sưu tập tiền cổ của ông đã được mang đi triển lãm ở nhiều nơi. Thông qua bộ sưu tập mà ông đã phải mất gần ba mươi năm để có, người xem có thể thấy được lịch sử, kinh tế, văn hóa, chính trị của các thời đại đã qua. Mỗi đồng tiền mang trên mình hình ảnh của đất nước trong cả một triều đại.

Ông Nguyễn Văn Thạo bên những tài sản vô giá của mình.

Được biết, từ năm 1993, khi còn làm việc tại công ty xây dựng Thủy lợi 1 Bắc Ninh, ông Thạo đã có niềm đam mê với tiền cổ. Ông quyết định xin nghỉ việc không lương để dành thời gian cho việc sưu tầm, học hỏi nghiên cứu và dần kiến tạo cho mình một “gia tài” đồ sộ lên tới hàng tấn và có đầy đủ mệnh giá từ thời triều đại đầu tiên tới cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam.

 

Video tham khảo :Hai tên cướp "phục kích" thiếu nữ ở điểm chờ xe buýt:

 

Trong bộ sưu tập của ông có đầy đủ các mệnh giá tiền theo dòng chảy lịch sử Việt Nam từ đồng tiền đầu tiên Thái Bình Hưng Bảo của triều đại nhà Đinh đến đồng Bảo Đại Thông Bảo của Vua Bảo Đại triều nhà Nguyễn - ông vua cuối cùng của thời kỳ phong kiến Việt Nam. Ngoài ra, bộ sưu tập của ông còn có bộ tiền giấy qua các thời kỳ kháng chiến chống Pháp, thời kỳ chống Mỹ và bộ tiền thẻ, tiền thỏi bằng vàng, bạc quý giá khác.

Thậm chí, tiền xu từ các triều đại khác Đinh, Lê, Lý, Trần cũng được ông Thạo sưu tầm đầy đủ, kể cả đồng xu “Bảo Đại Thông Bảo” - đơn vị tiền tệ cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam. Bộ sưu tập của ông Thạo tiếp tục được mở ra với các đồng tiền giấy của nước Việt Nam mới trong thời đại Hồ Chí Minh.

Những hóa đơn tem phiếu thời bao cấp cũng được ông Thạo in ép cẩn thận. Trong đó, đặc biệt quý và khó tìm là tem phiếu mua hàng cưới. Những tem thư ở vĩ tuyến 17 cũng được ông Thạo sưu tầm.

Chum "tiền tài, phát lộc" có những cuộn tiền xếp gọn hình khuôn thỏi vàng rất đẹp. Ảnh: Tri thức trực tuyến

Với ông, mỗi đồng tiền đều ẩn chứa tính thẩm mỹ nhất định. Thời điểm nào đất nước bình yên, no ấm, đồng tiền được khắc chữ và họa tiết rất cẩn thận, tỉ mỉ, thẩm mỹ cao. Có những đồng tiền in chữ đẹp đến mức nhiều nhà nghiên cứu chữ viết phải thốt lên vì sự sắc nét tinh tế. Ngược lại, những giai đoạn đất nước khó khăn hoặc kinh tế kém phát triển, chữ viết không được chú trọng sẽ thấy những nét nguệch ngoạc, sự thiếu đồng nhất in trên mỗi đồng tiền.

Những khối tiền được ông Thạo cất giữ cẩn thận từ 20 năm nay. Ảnh: Tri thức trực tuyến

Trước đây, khi quan niệm trời tròn đất vuông, người ta đúc tiền đồng hình tròn và ở giữa có lỗ vuông. Chất liệu đồng tiền cũng thay đổi theo thời gian, từ những vật dụng thô sơ đến kim loại đồng, rồi chuyển sang bạc, từ những thứ giấy bản dễ mục nát cho đến polyme… Tất cả đều nói lên sự phát triển, hiện đại của thời đại sau so với thời đại trước.

Trong bộ sưu tập khổng lồ của mình, ông Thạo đặc biệt thú vị với những đồng tiền thời kỳ kháng chiến chống Pháp của Việt Nam. Khi đó, do sự đô hộ của thực dân song song tồn tại chế độ phong kiến và cuộc đấu tranh âm thầm bền bỉ của quân dân kháng chiến nên các loại tiền trên Thị trường vô cùng phong phú và đa dạng.

Ngoài giá trị lịch sử những chum, đồng tiền cổ này còn có giá trị về văn hóa. Ảnh: Tri thức trực tuyến

Theo thống kê của riêng ông, đã có hơn bốn mươi loại tiền cùng tồn tại và có giá trị sử dụng, gọi chung là tiền kháng chiến. Việt Minh đánh chiếm đến đâu, sẽ mang theo tiền riêng để lưu hành ở vùng mình đã giải phóng. Tiền loại này thường được đóng dấu riêng của Ủy ban kháng chiến. Tiền có dấu mới có giá trị sử dụng, còn những loại tiền khác đều mang tiêu hủy để khẳng định chủ quyền của vùng được tự do.

Cách đây vài chục năm, ông quen với việc người ta gọi mình là kẻ hâm vì mải miết chơi tiền cổ. Nhiều khi vợ ông cũng giận dỗi vì chồng đi xa "ăn ngủ với tiền cổ". Thế nhưng một thời gian sau đó, hiểu niềm đam mê của chồng, bà động viên và giúp ông vượt qua mọi dư luận không hay. Cho đến bây giờ, có rất nhiều học sinh cấp ba cũng ham mê thu thập tiền cổ, tìm đến nhà ông nhờ tư vấn. Ông tự cảm thấy đời thật công bằng khi đã trả lại cho đồng tiền những giá trị đích thực của nó.

Bảo An (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news