Tin mới

Chiến dịch vận chuyển uranium siêu tối mật của Mỹ

Thứ năm, 20/11/2014, 11:45 (GMT+7)

20/11/2014 đánh dấu 20 năm ngày hoàn thành Kế hoạch Sapphire, một chiến dịch cực kỳ bí mật của Mỹ khi vận chuyển 600 kg uranium được làm giàu cao (HEU) từ Kazakhstan đến Phòng thí nghiệm quốc gia Oak Ridge, bang Tennessee.

 

20/11/2014 đánh dấu 20 năm ngày hoàn thành Kế hoạch Sapphire, một chiến dịch cực kỳ bí mật của Mỹ khi vận chuyển 600 kg uranium được làm giàu cao (HEU) từ Kazakhstan đến Phòng thí nghiệm quốc gia Oak Ridge, bang Tennessee.

Mỹ công nhận Kazakhstan là một quốc gia độc lập từ ngày 25/12/1991. Vào tháng 5/1992, Kazakhstan ký kết Nghị định thư Lisbon trong Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược  START, theo đó, cùng với Belarus và Ukraine, sẽ xóa bỏ toàn bộ vũ khí hạt nhân chiến lược trên lãnh thổ và tham gia Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) như một quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân (NNWS).

Hơn nửa tấn uranium làm giàu cấp cao nhất

Tháng 12/1993, Phó Thủ tướng Mỹ Al Gore tới thăm Almaty. Ông đã ký hiệp định cho phép thành lập chương trình hợp tác Nga-Mỹ Nunn-Lugar (CTR) nhằm xóa bỏ các hệ thống vũ khí hạt nhân và cơ sở sản xuất vũ khí hạt nhân ở Kazakhstan.

Tháng 1/1994, nhiệm vụ được giao cho Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter. Carter giao cho Jeff Starr, người sau này là giám đốc dự án giảm mối đe dọa hạt nhân ở Lầu Năm góc, lập ra nhóm đặc nhiệm lấy mật danh “Con hổ”. Ngày 14/2/1994, Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev lần đầu tiên thăm Washington. Tùy viên quân sự-chính trị Andrew Weber và Đại sứ Mỹ tại Kazakhstan William Courtney cũng có mặt ở Washington trong thời gian ông Nazarbayev thăm Mỹ.

Trong chuyến thăm này, Tổng thống Clinton đã thông báo Mỹ sẽ tăng viện trợ cho Kazakhstan gấp ba lần, lên 311 triệu USD. Tuy nhiên, ông Clinton không đề cập gì tới uranium. Trong khi đó, Weber và Courtney lặng lẽ đi gặp ông Nazarbayev và đề cập việc Mỹ gửi chuyên gia tới thẩm định thành phần uranium ở Ust-Kamenogorsk. Ông Nazarbayev đồng ý, nhưng với điều kiện phải tuyệt mật.

Ông Weber nhớ lại sau khi thẩm định uranium: “Mắt tôi sáng lên vì tôi đã cầm được nó trong tay mình. Tôi biết đó là nguyên liệu làm bom hạt nhân. Loại uranium này không cần xử lý gì thêm, chỉ cần đúc vào khuôn là thành bom. 90-91% số uranium này là tinh khiết, uranium 235”.

Chiến dịch vận chuyển uranium siêu tối mật của Mỹ

Các quan chức Kazakhstan tại nhà máy Ulba Metallurgical. Ảnh: Flickr

Sự “làm ngơ” của Nga và kế hoạch hoàn thành

Trong suốt quá trình lên Kế hoạch Sapphire, Washington rất nhạy cảm trước các mối quan ngại của Moscow. Khi một nhân viên ngoại giao đại sứ quán Mỹ hỏi một quan chức cao cấp của Nga về HEU và nhà máy hạt nhân Ulba Metallurgical của Kazakhstan, cũng giống như câu trả lời trước đó, vị này đã chối bỏ sự tồn tại của nó. Tuy nhiên, khi kế hoạch ngày càng tiến triển, các quan chức Nga ban đầu đã phản đối nhóm “Con hổ” của Mỹ lên đường thương thảo việc thu mua lại HEU. May mắn là, thông qua các cuộc đàm phán kín, các quan chức Nga và Mỹ đã đạt được sự đồng thuận.

Vào tháng 6/1994, trong cuộc gặp giữa ông Gore và đại diện phía Nga Chernomyrdin, ông Gore đã bày tỏ dự định mua trực tiếp HEU từ Kazakhstan. Khi ông Chernomyrdin không tỏ ra phản đối, đó chính là đèn xanh cho nhóm “Con hổ” tiếp tục kế hoạch của mình.

Đến tháng 10/1994, với việc Moscow “làm ngơ”, các cơ quan phía Mỹ đã sẵn sàng và các cuộc đàm phán với Kazakhstan hoàn thành, Kế hoạch Sapphire đã đến giai đoạn “đơm hoa kết trái”.

Sau nhiều tháng chuẩn bị, tại phòng thí nghiệm Oak Ridge Y-12 ở Tennessee, nhóm gồm 29 nam và 2 nữ đã sẵn sàng. Ngày 7/10/1994, Tổng thống Clinton ký mật lệnh phê chuẩn cuộc vận chuyển khẩn cấp bằng máy bay. Ngày tiếp theo, 3 chiếc máy bay C-5, nằm trong số những máy bay lớn nhất thế giới, đã cất cánh từ Căn cứ Không quân Dover ở Delaware, chở nhóm đặc nhiệm và thiết bị xử lý di động. Họ đã bay tới Thổ Nhĩ Kỳ và sau đó là Ust-Kamenogorsk.

Tại Ust-Kamenogorsk, mỗi ngày nhóm đặc nhiệm rời khách sạn từ sáng sớm và trở về sau khi trời đã tối. Họ bỏ ra 12 tiếng mỗi ngày ở nhà máy Ulba để đóng gói uranium vào những công-ten-nơ đặc biệt. Có tất cả 1.032 công-ten-nơ trong nhà kho. Họ đã đóng gói lại vào 448 công-ten-nơ chuyên dụng trên máy bay. Quá trình này đòi hỏi chính xác, kiên trì và phải cực kỳ bí mật.

Chiến dịch vận chuyển uranium siêu tối mật của Mỹ

Máy bay C-5 được chọn để thực hiện nhiệm vụ tối mật. Ảnh: Aviationspectator

Ngày 11/11/1994, việc đóng gói đã hoàn thành. Do thời tiết xấu, một tuần sau chiếc C-5 đầu tiên mới cất cánh và phải mất 3 giờ để vận chuyển uranium lên máy bay. Ngày hôm sau, 2 chiếc C-5 khác chở nốt số uranium còn lại cùng nhóm đặc nhiệm. Với 20 giờ bay thẳng tới Dover, đây trở thành những chuyến bay C-5 dài nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Khi các máy bay ra khỏi không phận Kazakhstan, chính phủ Mỹ lập tức viện trợ Kazakhstan khoảng 27 triệu USD bằng lương thực. Vào ngày 23/11/1994, chính quyền Mỹ tổ chức họp báo công bố đã “giải giáp thành công uranium”. Bộ trưởng Quốc phòng William J. Perry nhận định kế hoạch này đã “loại bỏ vĩnh viễn khả năng bom hạt nhân ra thị trường chợ đen, tới tay những kẻ khủng bố hay quay vòng trong một chu trình hạt nhân mới”.

Bài học chiến lược của Kế hoạch Sapphire

Theo Dena Sholk, thạc sỹ quan hệ Đông Âu, châu Á và Nga thuộc Đại học Georgetown, Kế hoạch Sapphire còn mang những ý nghĩa chính trị to lớn cho tới ngày nay.

Đầu tiên là chương trình hợp tác giải trừ vũ khí nguy hiểm toàn cầu đã có hiệu quả. Việc hỗ trợ về mặt chính trị, tài chính và kỹ thuật của Washington đối với Kazakhstan, Ukraine và Belarus là rất quan trọng trong việc ngăn chặn phổ biến các vật liệu hạt nhân. Hiện nay, trên thế giới còn có 9 quốc gia được coi là “thành viên của câu lạc bộ hạt nhân”. Hãy tưởng tượng rằng, nếu không có kế hoạch bí mật nói trên, có thể sẽ tồn tại tới 12 nước sở hữu loại vũ khí chết người này.

Thứ hai và là điều quan trọng nhất, Kế hoạch Sapphire cho thấy mối quan hệ hợp tác giữa Washington, Moscow và các quốc gia từng thuộc Liên bang Xô Viết đã đạt kết quả. Sự hợp tác thành công là việc không dễ dàng và cần đến sự kiên trì, kiên định và ý chí chính trị cũng như sự tôn trọng lẫn nhau giữa các bên. Tuy khó khăn nhưng kết quả đạt được là rất đáng giá.

Tuệ Minh (The Diplomat, Washington Post)

Người đưa tin

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news