(Tinmoi.vn) Các chiến hạm Trung Quốc bao gồm tàu khu trục tên lửa dẫn đường, tàu hộ tống tên lửa dẫn đường, tàu cung ứng đa nhiệm và tàu bệnh viện hôm 24/6 đã cập cảng Hawaii, chuẩn bị tham gia cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới do Mỹ tổ chức.
Tàu Haikou (171) của hải quân Trung Quốc hôm qua đến Căn cứ hỗn hợp Pearl Harbor-Hickam, Hawaii để chuẩn bị cho cuộc tập trận hải quân đa quốc gia RIMPAC 2014
Trong lần đầu tiên tham gia tập trận do Mỹ dẫn đầu, Trung Quốc triển khai một tàu khu trục tên lửa dẫn đường, một tàu hộ tống tên lửa dẫn đường, một tàu cung ứng đa nhiệm và một tàu bệnh viện. Nước này cử tổng cộng 1.100 binh sĩ tham gia. Theo CCTV, đội tàu Trung Quốc lớn thứ nhì trong tất cả các nước tham gia, chỉ sau Mỹ
Tàu cung ứng Qiandaohu đang di chuyển qua tàu bệnh viện Peace Ark khi cập cảng Hawaii
Các binh sĩ thuộc hải quân Trung Quốc đứng chờ bên cạnh Peace Ark, tàu bệnh viện lớn của nước này
Thủy thủ Trung Quốc đứng trên tàu Haikou. Theo kế hoạch, nước này sẽ tham gia 7 chương trình trong cuộc tập trận, trong đó có thực hành pháo binh, hoạt động an ninh biển và trao đổi y tế quân sự
Thuyền trưởng Jeffrey W. James (phải), chỉ huy căn cứ ở Hawaii trong chuyến tham quan ngắn trên tàu Haikou
Cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới RIMPAC do Mỹ dẫn đầu sẽ thu hút sự tham gia của 49 tàu bề mặt và 6 tàu ngầm đến từ 23 quốc gia. Cuộc tập trận được tổ chức hai năm một lần, và năm nay sẽ kéo dài từ ngày 26/6 đến 1/8
Bắc Kinh - Washington thường cam kết thúc đẩy quan hệ, và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng Tổng thống Mỹ Barack đã có cuộc gặp thượng đỉnh không chính thức ở California không lâu sau khi ông Tập lên nắm quyền năm ngoái. Quân đội hai nước cũng gửi cho nhau những lời mời, trong đó có chuyến thăm tàu sân bay Mỹ của các quan chức quân sự Trung Quốc và các cuộc gặp cấp cao.
Tuy nhiên, dù có những tuyên bố tích cực, căng thẳng hai nước vẫn gia tăng, đặc biệt là về vai trò các nước này ở châu Á.
Gần đây nhất, Trung Quốc đã lên tiếng cáo buộc bị "bôi nhọ, sỉ nhục" khi Mỹ đổi tên con đường trước mặt tòa đại sứ Trung Quốc tại thủ đô Washington thành "Quảng trường Lưu Hiểu Ba" nhằm vinh danh nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng đang bị chính quyền Bắc Kinh cầm tù.
Trong cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho rằng một số người Mỹ đang tìm cách bôi nhọ Trung Quốc bằng cách “thổi phồng vô nghĩa cái gọi là vấn đề nhân quyền và trường hợp của ông Lưu Hiểu Ba”. Một quan chức Bộ ngoại giao Trung Quốc gọi dự thảo đổi tên đường là một "nỗ lực để bôi nhọ Trung Quốc" và "không có gì hơn một trò hề".
Yên Yên (Theo Reuters)