Vào cuối tháng trước, quân đội Iraq đã giải phóng thành phố Ramadi, thủ phủ tỉnh phía tây Anbar và là một trong những thành trì chiến lược của khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS). Tuy nhiên, theo chuyên gia Christopher Preble của tạp chí The National Interest, không phải ai cũng hài lòng trước thành công này của Iraq.
Tuần cuối cùng của năm 2015 đã chứng kiến một bước ngoặt quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố IS của quân đội Iraq ở phía tây đất nước. Ngày 28/12/2015, giới chức quân đội tuyên bố rằng họ đã giải phóng hoàn toàn thành phố Ramadi, nơi bị IS chiếm đóng từ hồi tháng 5.
Tuy nhiên, trớ trêu thay, chiến thắng vang dội trước nhóm khủng bố Hồi giáo cùng đế chế của chúng - những kẻ đã gieo rắc đau khổ cho hàng triệu người và bị lên án trên khắp thế giới, lại không thể làm hài lòng những nhà bình luận và các chuyên gia Chính sách ở Washington. Họ xem chiến thắng của Iraq chẳng khác nào một cái u bướu vào đúng dịp Giáng sinh.
Lực lượng an ninh Iraq tiến vào thành phố Ramadi ở phía tây thủ đô Baghdad hôm 28/12. Ảnh: AP |
Điều này chắc chắn là những gì mà Thủ tướng Iraq Haidar Abadi đã dự tính được sẽ xảy ra. Trước đó, ông Haidar Abadi đã thề rằng "2016 sẽ là năm của chiến thắng lớn và cuối cùng, khi mà sự hiện diện của IS ở Iraq hoàn toàn chấm dứt"Trong một bài đăng gần đây trên tạp chí ngoại giao The National Interest có trụ sở tại Washington, chuyên gia Christopher Preble đến từ Viện Cato đã viết rằng, "việc tái chiếm Ramadi tất nhiên là một tin tốt lành, và có thể báo hiệu một sự thay đổi trên chiến địa, điều cho phép chính phủ Iraq tăng cường hơn nữa các cuộc chiến nhằm vào những thành lũy khác của IS, bao gồm cả tỉnh Fallujah và Mosul".
Tuy nhiên, thật không may, chuyên gia Preble nhấn mạnh rằng, "nếu lắng nghe kỹ lưỡng, bạn có thể nhận ra tia thất vọng của Washington trước chiến thắng này".
"Rất ít người thẳng thắn như James Poulos của tạp chí The Week, tác giả của bài viết 'Tin xấu về việc đánh bại IS ở Ramadi', nhưng rõ ràng thành công của chính phủ Iraq đã thách thức niềm tin của những kẻ hiếu chiến đối với chính sách ngoại giao của Mỹ".
Phóng viên James Poulos lập luận rằng, điểm mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ những người Mỹ theo chủ nghĩa can thiệp thường xoay quanh lập luận rằng người Iraq và những quốc gia khác trong khu vực không đáng tin cậy để trao quyền được nắm trong tay vấn đề an ninh của đất nước. Vì vậy, việc triển khai thêm binh sĩ Mỹ ở cả Iraq và Syria là điều cần thiết. Theo một vài ý kiến, Mỹ đã nhận được đề xuất cần triển khai nhiều hơn nữa binh lính tới hai quốc gia này.
"Bây giờ, tiến bộ rõ ràng của chính phủ Iraq trong vài tháng qua là thách thức nghiêm trọng đối với tuyên bố trước đó của Washington rằng chỉ duy nhất quân đội Mỹ mới có khả năng kiềm chế và đánh bại nhóm khủng bố IS".
Một thành viên của lực lượng an ninh Iraq giương cao lá cờ chính phủ sau khi giành chiến thắng vang dội tại thành phố chiến lược Ramadi hôm 28/12. Ảnh: Reuters |
Sự hiện diện của Mỹ tại Iraq bề ngoài là để đảm bảo an ninh, song nhà báo Poulos thừa nhận rằng, điều này chẳng khác nào một sự bó buộc. Hơn nữa, "chẳng có gì đáng ngạc nhiên rằng mối quan hệ giữa Washington và Baghdad đã quá bền chặt", từ những áp lực của Mỹ để tái cơ cấu hệ thống chính trị và nền kinh tế đất nước; tới những nỗ lực vô ích của Washington để thúc đẩy sự hòa giải giữa cộng đồng người Hồi giáo dòng Sunni và Shia; những nỗ lực để đảm bảo một thỏa thuận cho phép quân đội Mỹ tiếp tục hiện diện ở Iraq sau năm 2011.
"Đó là mô hình chống cự, đối đầu và thách thức. Có khá nhiều giả thuyết cho rằng chính việc Mỹ mở rộng hiện diện quân sự đã thay đổi nền chính trị Iraq và tạo cơ hội cho sự trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo tại quốc gia này trước tiên".
Do đó, nhà báo này nhận định, thời gian qua, Iraq đã chứng minh rằng họ hoàn toàn có khả năng tự vệ. Hơn nữa, các quan chức trong chính quyền Obama có thể muốn đẩy lùi những chỉ trích nhằm vào họ, sẽ không xem đây là chiến thắng của người Mỹ. Với sự hỗ trợ của Mỹ, người Iraq xứng đáng với uy tín về khả năng tác chiến trên mặt đất. Và những người Iraq đó sẽ gánh trách nhiệm xóa sổ hoàn toàn những kẻ khủng bố IS còn sót lại trên lãnh thổ quốc gia họ.
Lê Huyền (Sputnik)