Từ trưa và chiều mai, bão số 10 sẽ đổ bộ trọng tâm vào Hà Tĩnh - Quảng Bình với sức gió mạnh cấp 12, giật cấp 15.
Vietnnamnet và Người lao động cho hay trong cuộc họp tuyên truyền chống bão số 10 với 25 tỉnh sáng nay, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn TƯ cho biết, hiện bão còn cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 140km về phía Đông Nam và cách điểm gần nhất ở đất liền là Đà Nẵng khoảng 500km, cách Hà Tĩnh gần 700km.
Bão hiện đang mạnh cấp 11, giật cấp 14 và sẽ tiếp tục mạnh lên khi sát bờ.
"Qua theo dõi của các đài dự báo trên thế giới về vị trí di chuyển, đổ bộ, cơ quan dự báo của Trung Quốc cho rằng bão mạnh lên cấp 15, Hong Kong cũng cho rằng bão mạnh cấp 15, Hoa Kỳ cho rằng bão mạnh cấp 15 và giật cấp 17", ông Cường nói.
Từ sáng mai, trên đất liền và ven biển các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị sẽ có gió mạnh cấp 7-8.
Trưa mai, chậm nhất là chiều mai 15/9, bão sẽ đổ bộ vào bờ. Các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão với sức gió có thể đến cấp 10 - 12, giật cấp 15. Trong đó trọng tâm rơi vào 2 tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Bình với sức gió mạnh cấp 12, giật cấp 15.
Tuy nhiên, vùng có gió mạnh mở rộng ra cả khu vực ven bển Bắc Bộ kéo vào đến Thừa Thiên Huế. Các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng cấp 7-8, vùng biển Nam Định, Thái Bình, cấp 8-9, Thanh Hoá có gió giật cấp 11.
Ông Cường thông tin cho hay, ngay từ chiều nay, các tỉnh từ Thanh Hóa - Quảng Ngãi sẽ có mưa lớn, trong đó khu vực nam Thanh Hóa - Quảng Trị sẽ có mưa lớn lên tới 300mm.
Riêng Hà Tĩnh - Quảng Trị có nơi trên 400mm, các tỉnh Nam đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình và Sơn La (50-150mm/đợt, có nơi trên 200mm).
Từ ngày 15-17/9, các sông Hà Tĩnh - Quảng Trị khả năng có lũ cấp 2-3. Các tỉnh Hào Bình, Sơn La, Thanh Hóa có khả năng có lũ quét, các tỉnh vùng biên Nghệ An giáp Lào có khả năng hứng chịu sạt lở, lũ quét từ biên giới sang.
Cấp độ rủi ro thiên tai bão vùng biển ven bờ khu vực Nghệ An - Quảng Trị là cấp 4, cấp độ rủi ro thiên tai bão vùng biển ven bờ các khu vực khác là cấp 3.
Theo ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai cho hay, bão số 10 đổ bộ đúng thời điểm nước dâng thủy triều lên cao.
Bão kết hợp với thủy triều có thể khiến nước dâng vùng ven biển từ Hải Phòng đến Quảng Bình trên 1m, khu vực ven biển Thanh Hóa - Hà Tĩnh lên đến 2m.
Hiện có 16 đoạn đê với tổng chiều dài 83km và 39 cống xung yếu.
Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh thêm, hiện đang là tháng triều cường cao nhất trong năm và là ngày triều cường cao nhất trong tháng nên rất cần các giải pháp tại chỗ cho đê biển. Đồng thời đặc biệt lưu ý hệ thống đê dọc hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình khi gần 10 năm qua chưa được thử thách.
Ông Cường yêu cầu các địa phương phải có phương án di dời dân tại những vùng đê có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng.
Về tình hình các hồ chứa, Bộ trưởng Cường cho biết, trong suốt 10 năm qua chưa bao giờ mực nước hồ Sơn La, Hoà Bình cao như bây giờ, cũng chưa bao giờ phải xả liên tiếp 4 đợt.
Để đảm bảo an toàn, Bộ trưởng yêu cầu hồ Hoà Bình tiếp tục xả 3 cửa, hồ Sơn La xả 2 cửa, huy động phát điện tối đa các tổ hợp cả ngày đêm.
Đối với "yết hầu" Quốc lộ 1, ông Cường đề nghị ngành giao thông phải có phương án xử lý, đảm bảo thông suốt toàn tuyến, cả đường bộ và đường sắt.
Chỉ đạo kết luận, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá đây là cơn bão rất mạnh, di chuyển nhanh, phạm vi ảnh hưởng rộng.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương phải sơ tán triệt để người dân khỏi vùng nguy hiểm, vùng bão đi qua, các khu vực đê xung yếu, khu vực có nguy cơ lũ quét, lũ ống, sạt lở đất. Không cho phép chủ quan.
Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, tỉnh đang lên kịch bản di dời khoảng 28.000 dân, Quảng Bình di dời khoảng 20.000 dân; Thừa Thiên Huế khoảng 27.000 hộ dân.
Ngay sau cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã trực tiếp vào Quảng Bình chỉ đạo công tác ứng phó bão số 10.
Hồng Hạnh (tổng hợp)