Hà Nội bắt đầu có mưa lớn từ chiều nay, có nguy cơ ngập úng một số tuyến phố đúng vào giờ tan tầm.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho hay, áp thấp nhiệt đới đang tiến vào Quảng Ninh - Hải Phòng với sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 8, vùng ven biển các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình với gió giật cấp 6 - 7.
Trong vài giờ tới, áp thấp sẽ suy yếu dần thành một vùng áp thấp, đến tối nay, vùng áp thấp này nằm trên đất liền các tỉnh vùng núi phía Bắc. Trên biển, áp thấp gây gió mạnh trên Bắc Vịnh Bắc Bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô, Cát Hải, Vân Đồn) với sức gió cấp 6-7, giật cấp 9; sóng biển cao 2-3m; biển động mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Tại cuộc họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới sáng nay, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc TT Dự báo khí tượng thuỷ văn TƯ cho biết, ảnh hưởng gió không lớn nhưng hoàn lưu áp thấp nhiệt đới sẽ gây mưa diện rộng cho khắp Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Tổng lượng mưa phổ biến từ 50-150 mm. Riêng khu vực Đông Bắc Bộ có mưa lớn trên 150 mm.
Các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang đề phòng nguy cơ xuất hiện sạt lở đất và lũ quét.
Còn tại khu vực Hà Nội, mưa lớn bắt đầu từ từ chiều nay. Thời điểm mưa lớn rơi vào đúng vào giờ tan tầm, dự báo sẽ gây ngập úng ở một số tuyến phố khiến giao thông ùn tắc.
Các khu đô thị tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình cũng có nguy cơ ngập úng do mưa lớn.
Chỉ đạo tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai lưu ý tại các địa phương không được chủ quan trong công tác ứng phó. Đặc biệt là công tác phòng chống ngập úng, sạt lở các khu vực hầm lò, khai thác khoáng sản phải được chuẩn bị tốt nhất, tránh để xảy ra thiệt hại lớn như trận mưa lớn hồi năm 2015.
"Trong cơn bão số 10 vừa qua, bão rất mạnh nhưng thiệt hại về người ở mức thấp nhất, nếu trong áp thấp nhiệt đới này để xảy ra thiệt hại về con người thì đó là lỗi của công tác chỉ đạo ứng phó", ông Hoài nói.
Hồng Hạnh (tổng hợp)