Sau hàng loạt vụ thử thất bại trước đó, Bình Nhưỡng đã đạt được một phần thành công với vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan mới nhất.
Tên lửa đạn đạo Musudong. Ảnh: National Interest |
Ngày 21/6, 2 tên lửa Musudan đã bay được 150 và 400 km - tầm bay rất ngắn so với một vụ thử thành công hoàn toàn (tầm bay ước tính khoảng 3.500 km) nhưng nó đã cho thấy tiến bộ đáng kể. Bốn vụ thử tên lửa Musudan trước đó của Triều Tiên vào tháng 4 và tháng 5/2016 đều đã phát nổ ngay sau khi phóng đi.
Tương tự, Bình Nhưỡng đã đạt được tiến bộ một phần trong năm nay khi tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) đã bay được 30 km sau một vài vụ phóng thử thất bại trước đó.
Tên lửa Musudan được đánh giá là phương tiện đe dọa được các căn cứ của Mỹ tại Guam của Triều Tiên. Các căn cứ này là nút quan trọng trong kế hoạch bảo vệ Hàn Quốc của Washington. Đầu tháng này, Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên đã cảnh báo rằng: "Quân đội Nhân dân Triều Tiên từ lâu đã đặt các căn cứ của Mỹ vào tầm ngắm của một cuộc tấn công chính xác, trong đó có căn cứ Không quân Anderson tại Guam, nơi triển khai các máy bay B-52H và các căn cứ hải quân có tàu ngầm hạt nhân".
Việc Bình Nhưỡng liên tục thử tên lửa phóng từ tàu ngầm và tên lửa Musudan ngay sau khi thất bại là điều bất thường. Nó phản ánh cam kết của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là sẽ nhanh chóng gia tăng kho vũ khí hạt nhân và tên lửa của mình.
Ngoài việc phóng tên lửa Musudan và tên lửa từ tàu ngầm trong năm nay, ông Kim còn thử một loại vũ khí hạt nhân, một tên lửa đạn đạo liên lục địa, công nghệ quay trở lại trái đất sau khi bắn đi, một động cơ tên lửa nhiên liệu rắn và một động cơ ICBM nhiên liệu lỏng được cải tiến.
Trong khi Triều Tiên tiếp tục phát triển hệ thống tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và Musudan, chính quyền nước này cũng đang đạt được những bước tiến lớn hơn trong các công nghệ tên lửa khác.
Đô đốc Bill Gortney, chỉ huy Bộ Tư lệnh Phòng không Bắc Mỹ, đánh giá rằng Triều Tiên có thể đưa một đầu đạn hạt nhân lên tên lửa đạn đạo tầm trung No Dong, loại tên lửa có thể bắn tới bất cứ địa điểm nào ở Hàn Quốc và Nhật Bản. Vào tháng 4/2015, Tướng Curtis Scaparrotti, chỉ huy Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc khi ấy đã xác nhận rằng Triều Tiên "đã tuyên bố họ sở hữu những tên lửa liên lục địa và họ có khả năng hạt nhân và họ đã phô diễn nó. Là một chỉ huy, tôi nghĩ chúng ta phải thừa nhận họ có khả năng đó".
Các chuyên gia khác đều đánh giá Bình Nhưỡng sẽ có được một ICBM trong vòng 1-2 năm.
Tốc độ thử hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên gia tăng cho thấy ý định triển khai một hệ thống tên lửa có tầm bắn bổ sung để đe dọa Mỹ và các đồng minh bằng vũ khí hạt nhân của ông Kim Jong-un. Ông Kim đã khẳng định tại Đại hội Đảng Lao động Triều Tiên vào tháng 5 - được tổ chức lại sau 36 năm gián đoạn - là Triều Tiên sẽ không bao giờ đàm phán để từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng trong năm nay đã dẫn tới sự nhất trí quan điểm về việc cần phải mở rộng các lệnh trừng phạt. Nhưng các câu hỏi vẫn còn ở đây là Trung Quốc và chính quyền Obama sẽ chắc chắn thực thi các lệnh trừng phạt được mở rộng gần đây như thế nào.
Hàn Quốc, mặc dù chắc chắn thực hiện lệnh trừng phạt, nhưng lại do dự trong việc triển khai phòng thủ tên lửa để bảo vệ công dân của mình và cho phép quân đội Mỹ triển khai ở đó. Hàn Quốc không có bất cứ hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo nào chống lại tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm. Tên lửa SM-2 được triển khai gần đây trên các tàu khu trục Hàn Quốc chỉ bảo vệ chống lại được tên lửa chống tàu mà thôi.
Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo THAAD mà Mỹ muốn triển khai tới Hàn Quốc sẽ giúp tăng cường bảo vệ chống lại các tên lửa bắn đi từ Triều tiên như Scud hay No Dong.
Seoul hiện đang do dự về việc cho phép triển khai hệ thống này do áp lực từ phía Trung Quốc.
Bảo Linh (National Interest)