Tin mới

Chuyện cay đắng về tình bạn và niềm tin của Long Nhật

Thứ tư, 04/06/2014, 10:29 (GMT+7)

Bên cạnh những scandal ồn ào của làng giải trí, Long Nhật vẫn có những góc khuất bình yên, những ký ức chỉ mỗi anh biết được.

Bên cạnh những scandal ồn ào của làng giải trí, Long Nhật vẫn có những góc khuất bình yên, những ký ức chỉ mỗi anh biết được.

Nhắc đến Long Nhật, nhiều người nghĩ ngay đến scandal và những phát ngôn “biết tuốt”. Họ gọi anh là “bà Tám” vì bất cứ chuyện gì anh cũng sẵn sàng đưa ra nhận xét, thậm chí có người còn nói rằng anh là cái kết của mọi scandal. Mỗi khi Long Nhật lên tiếng là mọi vấn đề dường như được khép lại.

Thế nhưng bên cạnh những khi sốc nổi ấy, nam ca sĩ đến từ mảnh đất Cố đô vẫn có những góc khuất rất ít người biết đến.

Long Nhật sinh ra và lớn lên trong một gia đình danh giá ở Huế. Gia đình anh có 4 người làm quan trong triều, không một ai theo nghệ thuật nhưng ngay từ bé, Long Nhật đã rất đam mê.

Anh tâm sự: "Ngày xưa, khi đi xem cải lương Thạch Sanh – Lý Thông, tới màn Thạch Sanh bị Lý Thông ám hại thì giải lao tầm 10, 15 phút, tôi mon men ra cánh gà để quan sát. Đang háo hức là thế nhưng khi ra đến đó, tôi lại gặp cảnh Thạch Sanh mặc quần đùi, áo ba lỗ, ngồi đánh bài và chửi bậy. Tự nhiên trong tôi có một sự sụp đổ.

Tôi không xem được nữa và cảm giác như mình bị lừa. Vừa đi bộ về nhà, tôi vừa khóc. Đến nhà thì lao vào phòng nằm vùi, không chịu ăn uống gì cả. Mãi sau, ba hỏi tôi mới nói. Biết chuyện, ba khuyên tôi nên biết phân biệt giữa đời thực và sân khấu nhưng tôi vẫn không thể nguôi ngoai được".

Lớn lên một chút, anh theo học trường nhạc và hát cho Sở Giao thông Vận Tải, Huế. Ngày hát ngày nghỉ, tháng nắng được đi hát nhưng tháng mưa lại bị đưa vào phòng kế toán làm việc trong khi anh rất ghét làm công việc văn phòng. Cũng vì lẽ đó nên Long Nhật đã quyết tâm tìm cho mình một đoàn ca nhạc chuyên nghiệp để theo đuổi đam mê.



Giấu gia đình, anh thi tuyển vào đoàn ca múa nhạc Hương Giang cùng với nam ca sĩ Hải Dương. Đối với Long Nhật, ngày được tuyển vào đoàn là bước ngoặt lớn trong đời của anh.

"Vào đó, tôi bắt đầu một hành trình, một cuộc đời mới. Dù không được ở nhà với cha mẹ nữa nhưng tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc và sung sướng lắm. Ngày ấy cải lương lên ngôi, còn ca nhạc người ta không xem mấy. Khán giả thích xem có tuồng, có tích, có câu chuyện. Thế nên, dù là đoàn ca nhạc nhưng chúng tôi phải diễn kịch, phải kiếm tiền nuôi anh em trong đoàn trước đã.

Tôi nhớ tôi được giao vai thái giám trong vở kịch Chuyện tình xứ Horasan. Lúc đó, tôi xấu hổ lắm. Tôi giấu gia đình, giấu bạn bè và tất cả mọi người về vai diễn của mình. Đi hát ba tôi còn cấm lên cấm xuống, huống gì giờ phải hóa trang, vẽ râu rồi còn vào vai thái giám, chắc chắn là ba tôi sẽ phản đối. Mỗi lần đang tập chương trình trong nhà hát lớn mà có tin ba đến tìm, tôi phải lập tức trốn đi.

Tôi chỉ muốn được hát, không muốn diễn kịch nhưng lúc ấy vẫn theo đoàn vì tin vào lời hứa: ‘Cứ tập vở kịch này đi, khi vở kịch thành công và kiếm được tiền nuôi sống anh em, đoàn sẽ tổ chức chương trình ca múa nhạc’.

Chúng tôi hết diễn ở thành phố lại đi các tỉnh. Đi lại vất vả, tôi lại nhỏ con nên các anh chị trong đoàn rất thương. Ngày xưa đi diễn không có khách sạn để nghỉ như bây giờ. Năm đó là năm 1987, đường đi lại còn rất khó khăn. Khách sạn là một sự xa xỉ của những người nhà giàu, anh chị em nghệ sĩ nghèo đâu có dám mơ tưởng đến. Chỗ nào có nhà dân thì xin nhà dân, có bữa ở trong hội trường ủy ban, khi ở trong trường học.

Hành trang đi diễn là mỗi người một cái rương bằng nhôm, một chiếc chiếu, một tấm nilon để mỗi khi đi đến nơi nào đó, chúng tôi lại quét dọn qua, trải nilon xuống đất, sau đó đến chiếu rồi giăng màn. Mỗi người một khoanh vậy đó. Cực lắm nhưng ai cũng cảm thấy đó là điều rất bình thường.

Cơm thì ăn tập thể, buổi chiều sau khi ăn cơm xong thì tất cả đi trang điểm để lên sân khấu. Mọi thứ cũng khó khăn, nhất là khi gặp đoàn cải lương lớn là mình thua.Dù lúc đó rất vất vả nhưng lòng vẫn dặn lòng cứ chờ đợi để được ra sân khấu, cầm mic trong vai trò ca sĩ”, anh kể.

Phải diễn kịch nhiều cũng chán, lại còn nhỏ nên nhiều khi Long Nhật không thể giữ được bình tĩnh.

Anh hay tỏ ra tức giận: “Sao không hát mà suốt ngày diễn kịch vậy? Diễn đã chẳng ai xem, có lèo tèo vài người trong khi đoàn người ta đến mấy ngàn người xem. Đi xem họ diễn mà mê”.



Mỗi lần như thế, khi bị những người trong đoàn trêu: “Mày mà hát hò cái gì, mày chỉ làm thái giám thôi” thì anh lại chui sau cánh gà khóc thút thít. Lúc ấy, Long Nhật bắt đầu manh nha trong đầu suy nghĩ bỏ đoàn, Anh cứ ôm khư khư suy nghĩ: “Mình xin vào đoàn nào cũng được, miễn là được hát”.

Khi đoàn vào đến Bình Định, anh và Hải Dương bàn nhau trốn qua đoàn ca múa nhạc Chim Yến. “Ở đoàn đó, người ta mặc đồ đẹp lắm, hát cũng hay nữa. Nhưng sau đó, hai đứa lại xích mích với nhau nên dự định bỏ đoàn bị gác lại. Lúc ấy, tôi không hề biết rằng Dương đã liên hệ được với đoàn Chim Yến.

Một hôm Hải Dương bỗng đến làm lành với tôi. Tôi vui lắm, chúng tôi ăn uống cùng nhau rồi còn cùng hóa trang đi diễn. Tối đó Hải Dương còn treo màn, giặt đồ giúp tôi. Nhưng ngờ đâu, ngày vui ngắn chẳng tày gang.

Sáng hôm sau, cả đoàn dậy sớm để di chuyển sang chỗ khác thì mọi người nói với tôi, Hải Dương bỏ đoàn đi rồi. Nghe tin, tôi chạy liền qua chỗ bạn ngủ thì thấy đồ đạc đã được dọn đi hết, còn mỗi chiếc chiếu thôi.

Quá bất ngờ, tôi đã cầm chiếc chiếu chạy khắp xã để hy vọng tìm được bạn. Vừa chạy, tôi vừa khóc vừa la lớn: “Dương ơi, Dương ơi”. Rồi tôi chạy ra bến xe để tìm bạn, vừa khóc vừa oán: “Ở thì hai đứa cùng ở, đi thì mày cho tao đi với. Sao lại thả tao giữa đường thế này?”.

Trở lại đoàn, tôi ốm mất một tuần và cảm giác như mình bị phản bội. Trước đó, hai đứa còn bàn với nhau vào Sài Gòn đi gặp Bảo Yến, đi xem cải lương. Tôi vừa nhớ nó, vừa tức. Sau này tôi mới biết, bên đoàn Chim Yến người ta chỉ nhận một người thôi”.

Hải Dương nghỉ, buồn thì có buồn nhưng Long Nhật lại được hát thế vị trí của bạn, được hát hai bài. Nhờ đó, nỗi buồn cũng dần tiêu tan bởi đối với anh, hát là vầng sáng và anh chẳng khác gì con thiêu thân.

Nếu như bây giờ, mỗi lần đi hát đám cưới anh được gia chủ trịnh trọng mời đi hát thì ngày xưa, anh chỉ là một người không tên tuổi. “Mình bước ra, hát chẳng ai nghe. Người ta cặm cụi ăn chứ đâu có nhìn mình, mình không bằng một miếng thịt bò”, anh nhớ lại.

Hát nghiệp dư đã khó, ra sân khấu chuyên nghiệp còn khó hơn vạn lần. Để được như ngày hôm nay, Long Nhật đã gặp không ít trắc trở. “Mình không có tên tuổi nên toàn phải nhường sao lớn. Có những khi mình chuẩn bị bước ra sân khấu thì Ngọc Sơn, Bảo Yến, Thanh Lan tới, thế là lại phải chờ. Mà không được hát, đồng nghĩa là không có lương, không có lương thì biết ăn cái gì.

Tôi nhớ thời điểm ấy mỗi lần Ánh Tuyết hát, caste cũng chỉ được 70 chục ngàn. Phòng tập thể của chị Ánh Tuyết nhỏ lắm, chỉ để vừa một cái giường đơn, chị nằm trên giường, tôi nằm dưới đất.

Mỗi ngày, chị thường mua một cái bánh mỳ, bỏ đường vào đó rồi chia đôi ra, ăn một nửa trước khi diễn, sau khi diễn lại ăn nốt phần còn lại. Tôi thường hay thắc mắc với chị: ‘Sao caste cao thế, chị không bỏ vài ngàn ra ăn bát phở cho sướng”. Mỗi lần như thế, chị lại nhìn tôi: “Chị còn phải lo cho gia đình nữa, phải tiết kiệm. Đâu phải ngày nào cũng kiếm được như ngày nào đâu”.

Vất vả là thế nhưng chị thương tôi lắm. Có lần, chị cho tôi 40 ngàn và khuyên tôi nên về nhà đi, bao giờ chị có danh tiếng rồi hãy vào nhưng tôi không chịu”.

“Thậm chí, đến bây giờ tôi vẫn không thể hiểu được tại sao mình lại mê hát đến thế. Bao nhiêu áp lực, bao nhiêu nỗi buồn mà chỉ cần đứng trong nhà tắm, hát xong một bài hát, tôi lại cảm thấy nhẹ nhõm.

Người nghệ sĩ bị nghiệp, kiếp này sinh ra phải là con tằm thì phải nhả tơ. Làm việc khác tôi không làm. Nếu bây giờ cho tôi chọn lại, tôi vẫn xin được làm ca sĩ”, Long Nhật tâm sự.

Theo Trí thức trẻ

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news