Chuyên gia "hiến kế" giải cứu 12 người mắc kẹt vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng
Thứ sáu, 19/12/2014, 14:04 (GMT+7)
Các chuyên gia địa chất cho rằng phương án tối ưu nhất để cứu 12 công nhân mắc kẹt trong vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng là khoang từ trên đỉnh xuống, mũi có đường kính đủ một người chui lọt.
Theo dõi Tinmoi.vn trên
Các chuyên gia địa chất cho rằng phương án tối ưu nhất để cứu 12 công nhân mắc kẹt trong vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng là khoang từ trên đỉnh xuống, mũi có đường kính đủ một người chui lọt.
Ngày thứ 4 triển khai ứng cứu 12 công nhân mắc kẹt, lực lượng cứu hộ đang làm việc hết sức khẩn trương. Sáng nay (19/12), mũi khoan ở cửa hầm phía sau đã đến được vị trí 12 công nhân mắc kẹt và nước trong hầm các nạn nhân đã được hút ra.
|
Bùn được hút ra từ hầm 12 công nhân mắc kẹt. (Ảnh: Tuổi trẻ). |
Liên quan đến vụ việc này, các chuyên gia địa chất đã lần lượt "hiến kế" giải cứu các nạn nhân vụ sập hầm:
Kỹ sư Hoàng Khắc Bá, chuyên gia về địa chất công trình nền móng cho biết trên báo Dân Việt rằng, phương án ban đầu dùng các mũi khoan từ cả ba hướng để đưa oxi vào và rút nước đang dâng cao ở nơi 12 công nhân bị kẹt ra là hợp lý.
“Tôi đã tìm hiểu, hiện nay có một công ty ở Hà Nội có loại mũi khoan 60-80m có thể khoan độ sâu khoảng 40m. Nếu sử dụng loại mũi khoan lớn vào việc cứu hộ 12 công nhân mắc kẹt thì sẽ nhanh và hiệu quả hơn”, ông Bá chia sẻ.
Theo ông Bá, ông được biết từ đỉnh đồi xuống tới vị trí 12 công nhân mắc kẹt dài hơn 60m. Như vậy, mũi khoan lớn sẽ khó có thể tiếp cận được (vì chỉ khoan được độ sâu 40m) nơi công nhân đang kẹt. Nhưng ông Bá cho rằng có hai phương án có thể khắc phục được việc này bằng cách đào phá từ trên đỉnh đồi xuống hơn 20m sau đó mới đặt loại khoan cỡ lớn để cứu công nhân.
Cũng có thể khoan từ đỉnh đồi xuống đến một độ sâu nhất định, sau đó đưa loại mũi khoan nhỏ vào để khoan tiếp. Như vậy, lực lượng cứu hộ cứu nạn sẽ dễ dàng hơn trong việc tiếp tế lương thực, quần áo cũng như oxi cho nhân mắc kẹt.
Các hướng tiếp cận với 12 công nhân đang bị mắc kẹt. (Ảnh: Dân trí). |
|
Cùng quan điểm với kỹ sư Bá, Kỹ sư cao cấp Hoàng Xuân Hồng, Trưởng ban Khoa học công nghệ Hội đập lớn và phát triển nguồn nước cho rằng, lực lượng chức năng cần phải đưa thêm nhiều máy khoan cỡ lớn vào để đẩy nhanh tiến độ tiếp cận công nhân mắc kẹt. Các đơn vị có thể dùng mũi khoan có đường kính 18-20cm khoan từ trên đỉnh quả đồi xuống khu vực công nhân đang kẹt. Càng dùng nhiều mũi khoan thì khả năng thành công càng cao.
Còn theo PGS. TS Lê Trọng Thắng, Trưởng bộ môn Địa chất công trình (ĐH Mỏ Địa chất), ngoài việc lực lượng cứu hộ đào hầm từ ngoài vào cứu 12 công nhân đang mắc kẹt ở trong hầm thì nên chọn phương án dùng mũi khoan lớn (loại mũi 60- 80cm) khoan từ trên đỉnh quả đồi xuống.
Đồng quan điểm với phương án của kỹ sư Hồng, PGS Lê Trọng Thắng cho rằng phương pháp đào hầm zich zắc tốn nhiều thời gian. Trong trường hợp gặp đá mồ côi chắn đường, không thể nổ mìn, đào sang ngách khác tốn rất nhiều thời gian.
“Phương pháp khoan mũi lớn đường kính đủ rộng một người chui lọt an toàn và nhanh chóng hơn cả. Khoan đến đâu dùng chất gia cố đất, luồn ống thép đến đó rồi thả rọ xuống đưa từng người lên phía trên”, ông Thắng nói.
Tuy nhiên, chuyên gia địa chất này cũng lưu ý rằng, khi khoan gần đến nơi người bị nạn phải khoan chậm, giảm lực tránh gây sụt đất thêm. PGS Thắng dẫn chứng, vụ tại nạn sập mỏ vàng ở Chile vào tháng 8/2010 khiến 33 thợ mỏ Chile mắc kẹt dưới độ sâu 700m. Lực lượng cứu hộ Chile đã dùng phương pháp khoan mũi lớn đường kính đủ rộng để đưa người gặp nạn lên mặt đất thành công.
Chia sẻ với PV báo Tiền phong, bác sĩ Đỗ Hoàng Dương từ Bệnh viện ĐH Y Hà Nội cho hay, điều lo lắng 12 nạn nhân sẽ bị lạnh, bị xuống tinh thần nếu không có các biện pháp hỗ trợ y tế và tâm lý kịp thời.
Vị bác sỹ này cho biết, thống kê cho thấy trong các vụ tai nạn thường có một tỷ lệ lớn nạn nhân bị chết do hoảng loạn tinh thần. Vậy nên rất cần luồn các thiết bị nghe, nhìn chuyên dụng vào giúp các nạn nhân trò chuyện với người thân, quan sát được diễn biến bên ngoài hiện trường cứu nạn. Chỉ chừng đó thôi chắc chắn sẽ giúp họ vững tâm và sức mạnh.
Theo BS Dương, việc bơm liên tục khí ôxy ấm vào trong hầm cũng sẽ giúp nạn nhân đỡ bị lạnh, tránh được các biến chứng xấu về sức khỏe.
Theo My Vân/ Đời Sống & Pháp Luật