Theo TS Huỳnh Thế Du, Bộ Tài chính đã trích dẫn các ý kiến của ông chưa đầy đủ, bởi đây là nghiên cứu trên xăng Mỹ - một quốc gia có giá nhiên liệu thấp hơn rất nhiều so với Việt Nam.
Mới đây, viện dẫn những tác động của mặt hàng xăng dầu với sức khỏe và môi trường cũng như tính toán của một số nhà khoa học của đại diện Bộ Tài chính cho biết mức thuế bảo vệ môi trường đối với các hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường như xăng dầu phải cao hơn so với hiện nay nhiều lần đã gây "bão" dư luận.
Cụ thể, một trong những căn cứ mà Bộ Tài chính đưa ra để lấy làm cơ sở cho kiến nghị tăng thuế là nhận định của Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, Giám đốc đào tạo Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright. Vào năm 2017, vị tiến sĩ này đã đưa ra nhận đinh, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng của Việt Nam cần phải điều chỉnh ở mức từ 10.000 - 20.000 đồng/lít.
Trao đổi với phóng viên, TS Huỳnh Thế Du cho hay, đây là một ý kiến của ông tại cuộc hội thảo "Lấy ý kiến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường" năm 2017. Các con số này trích dẫn trong nghiên cứu tại Mỹ dựa trên cách tính toán mô hình ngoại tác tiêu cực và tính phi hiệu quả đối với mặt hàng xăng dầu.
Tuy nhiên, vị tiến sĩ khẳng định, mức tính này nếu áp dụng tại Việt Nam thì chưa có cơ sở và nghiên cứu chính xác.
Ông cho biết, tại Mỹ, các nghiên cứu về mức với mặt hàng xăng dầu dựa trên mô hình ngoại tác tiêu cực và tính phi hiệu quả khá phổ biến, nhất là với nghiên cứu trong lĩnh vực giao thông hay môi trường.
Theo đó, nghiên cứu của trường đại học Duke (tại Mỹ) vào năm 2015 cho biết, mức chi phí thực cho mặt hàng xăng ở 6,25 USD/gallon và 7,72 USD cho dầu diesel so với mức giá bình quân 2,429 USD ở Mỹ. Ước tính cho phí ngoại tác là 3,8 USD/gallon (tương đương 1 USD/lít).
Hay như nghiên cứu Ian Parry (2010) tại Resources for the Future ước tính, chi phí ngoại tác xăng là 1,65 đôla/gallon (tương đương 0,4USD/lít).
Nếu dùng ước tính phí ngoại tác mà hai nghiên cứu này chỉ ra cho mặt hàng xăng, thì quy đổi ở Việt Nam, mức có thể lên tới mức 0,4- 1 USD/ lít (khoảng 10.000 – trên 20.000 đồng/lít).
Đề xuất của Bộ Tài chính về việc tăng thuế bảo vệ môi trường xăng dầu lên kịch trần vấp phải nhiều ý kiến trái chiều của dư luận, các bộ ban ngành và chuyên gia kinh tế.
"Cách tính này chỉ mang tính so sánh. Bởi ngay tại Mỹ, dù nghiên cứu chỉ ra phí ngoại tác tiêu cực của xăng dầu khá cao nhưng Mỹ vẫn trợ cấp xăng dầu và đưa ra mức giá bán mặt hàng này thấp hơn Việt Nam", ông Du nói.
Cụ thể, giá xăng ở Mỹ chỉ 0,83 USD/lít, trong khi ở Việt Nam giá xăng khoảng 0,93 USD/lít. Trong khi đó, một số quốc gia ở Đông Âu như Na Uy, tuy là nơi có mỏ dầu lớn nhưng giá xăng tại đây rất cao, khoảng 2- 2,02 USD/lít, bởi các quốc gia này rất coi trọng việc bảo vệ môi trường.
Chuyên gia Huỳnh Thế Du.
Chuyên gia Huỳnh Thế Du cho rằng, trích dẫn của Bộ Tài chính về ý kiến của ông là chưa đủ. Tại hội thảo, ông đưa ra các con số này nhằm so sánh nhưng đi kèm khuyến nghị việc áp dụng mức phải phù hợp với điều kiện kinh tế, tình hình trong nước.
Ông Du nhấn mạnh, các lập luận về việc thay đổi biểu phí các mặt hàng, trong đó có xăng dầu của Bộ Tài chính chưa được dựa trên các cơ sở nền tảng của thuế khóa do vậy khó có thể bảo vệ. Giải trình về việc sử dụng nguồn thu từ thuế bảo vệ môi trường của Bộ tài chính chưa thực sự thuyết phục.
Hơn nữa, vị tiến sĩ chỉ ra rằng, hiện chưa có các nghiên cứu bài bản về tác động của các loại thuế nói chung, thuế bảo vệ môi trường nói riêng, do vậy, điều này tạo ra cảm giác cho công chúng thấy rằng việc tăng thuế nằm ở nguyên nhân khác. Một sắc thuế tốt, theo vị này, cần đảm bảo tính khả thi hành chính, hiệu quả, cũng như đáp ứng các tiêu chí như hiệu quả về kinh tế, linh hoạt và minh bạch.
"Nếu vì mục tiêu tạo nguồn thu chung cho ngân sách thì không nên dùng tên gọi là thuế bảo vệ môi trường mà có thể dùng các loại tên khác như tiêu thụ đặc biệt hoặc thuế giảm thiểu ngoại tác", TS Huỳnh Thế Du khuyến nghị.
Mức thuế đối bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng được Bộ Tài chính đề nghị mức kịch trần là 4.000 đồng mỗi lít, tăng 1.000 đồng so với hiện hành.
Mặt hàng dầu là 2.000 đồng mỗi lít, tăng 1.100-1.700 đồng/lít so với mức hiện hành.
Theo Bộ Tài chính, có 47/77 ý kiến nhất trí hoàn toàn với các nội dung trên trong Tờ trình dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường mới nhất.