Tin mới

Chuyên gia Nga: "Lục quân Việt Nam mạnh nhất Đông Nam Á"

Chủ nhật, 09/08/2015, 09:34 (GMT+7)

Mới đây, trên trang factmil.com đăng tải bài viết của Thiếu tướng Quân đội Nga E. Belov với tiêu đề “Thực trạng và triển vọng phát triển Lục quân Quân đội Nhân dân Việt Nam” với nội dung phản ánh khá rõ nét về sức mạnh của Lục quân Việt Nam.\n 

Mới đây, trên trang factmil.com đăng tải bài viết của Thiếu tướng Quân đội Nga E. Belov với tiêu đề “Thực trạng và triển vọng phát triển Lục quân Quân đội Nhân dân Việt Nam” với nội dung phản ánh khá rõ nét về sức mạnh của Lục quân Việt Nam.

Dưới đây nội dung tóm tắt của bài viết:

Thiếu tướng Quân đội Nga E. Belov cho hay: Lục quân là Quân chủng chủ lực của các lực lượng vũ trang Nước CHXHCN Việt Nam, “Quả đấm thép” của Quân đội Nhân dân Việt Nam (QĐNDVN).

Lục quân Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng thành lập năm 1946 trong cuộc chiến tranh của Nhân dân Việt Nam giành độc lập dưới ách thống trị của Thực dân Pháp. Lục quân Việt Nam đóng vai trò then chốt trong việc duy trì ổn định chính trị trong nước cũng như thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc.

Theo Sách trắng Quốc phòng năm 2009 của Việt Nam, các nhiệm vụ chính của quân chủng này là bảo vệ chế độ, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; ngăn ngừa xung đột vũ trang và chiến tranh; duy trì hòa bình và ổn định nhằm mục đích công nghiệp hóa và phát triển kinh tế đất nước.

Ngoài ra, Lục quân còn có chức năng thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, đấu tranh chống đói nghèo, khắc phục thiên tai và các thảm họa công nghệ.

Sức mạnh Lục quân Việt Nam đã được nâng lên một cách vững chắc

Hiện nay, quân số lục quân khoảng 400.000 người, chiếm 60% tổng quân số các lực lượng vũ trang Việt Nam. Sau khi triển khai tổng động viên con số này có thể tăng đến 600.000 người.

Theo chức năng, Lục quân được chia thành lực lượng bộ đội tác chiến và địa phương. Chịu trách nhiệm lãnh đạo tác chiến là Tổng Tham mưu trưởng QĐNDVN mà thực tế tương đương với Tư lệnh Lục quân của quân đội các nước lớn.

Bộ đội tác chiến (khoảng 350.000 người) là lực lượng có quân số lớn nhất của lực lượng thường trực lục quân, có khả năng độc lập hoặc phối hợp với các đơn vị của các quân chủng khác tiến hành tác chiến (các hoạt động tác chiến) trong bất kỳ khu vực nào của đất nước.

Bộ đội tác chiến được tổ chức thống nhất thành 7 Quân khu, Bộ tư lệnh thủ đô và 4 Quân đoàn dự bị tổng chỉ huy (trực thuộc Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang).

Trong thành phần tác chiến của lực lượng này có Sư đoàn 61, 50 Trung đoàn độc lập của Binh chủng (đặc nhiệm, pháo binh, thông tin liên lạc…) và các đơn vị, phân đội làm nhiệm vụ bảo đảm.

Bộ đội địa phương (khoảng 50.000 người) là lực lượng dự bị đợt 1. Trong giai đoạn đất nước rơi vào trạng thái lâm nguy, lực lượng này có thể bổ sung vào lực lượng tác chiến và hậu chiến có thể thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng của mình (thông thường tại các khu vực đóng quân thường trực). Về tổ chức, các đơn vị bộ đội địa phương được bố trí theo các trung đoàn, tiểu đoàn và đại đội độc lập.

Trong thời gian gần đây Lục quân Việt Nam được trang bị các loại vũ khí hiện đại nhập khẩu hoặc hợp tác sản xuất trong nước.

Lục quân Việt Nam được trang bị các loại vũ khí và khí tài quân sự chủ yếu do Liên Xô (Nga) và Trung Quốc sản xuất. Ngoài ra, còn một số lượng vũ khí không lớn thu được của Mỹ sau chiến tranh.

Trong trang bị Lục quân Việt Nam có khoảng hơn 1.300 xe tăng (T-54, T-55, T-62, PT-76, T-59), khoảng 300 xe chiến đấu bộ binh (chủ yếu là BMP-1 và BMP-2), 2.500 xe chiến đấu bọc thép (BTR-50, BTR-60, BTR-152, BTR-40, BRDM, BRDM-2, Ml 13), hơn 9.000 súng cối các loại, 380 hệ thống hỏa lực bắn loạt (RSZO, BM-21 “Grad”, BM-14, BM-13), hơn 1.000 tổ hợp tên lửa phòng không (“Strela-2M” và “Igla-1”).

Lục quân Việt Nam (ảnh WarComissar/TCĐT)

Các đơn vị pháo lục quân gồm hơn 3.000 pháo dã chiến (pháo 155mm, pháo tự hành 152mm “Akashia”, pháo 152mm D-20, pháo 130mm M-46, pháo tự hành 122mm “Gvozdika”, pháo 122mm D-30…), 3.800 hệ thống pháo chống tăng (cỡ nòng 100, 85, 76 và 57mm), hơn 3.000 pháo phòng không (ZSU-23-4 “Shilka”, ZSU-23-2, KS-19 100mm, pháo S-60 85mm và 57mm…).

Binh chủng chủ lực của Lục quân Việt Nam là Sư đoàn bộ binh. Sư đoàn bộ binh được tổ chức thành các trung đoàn và các đơn vị trực thuộc sự đoàn (quân y, vận tải, thông tin liên lạc và công binh, trinh sát và sửa chữa).

Trong biên chế của Trung đoàn bộ binh gồm 3 tiểu đoàn bộ binh và 3 tiểu đoàn (pháo binh, phòng không và súng cối). Quân số của sư đoàn đầy đủ phụ thuộc vào vị trí đóng quân từ 5.000 đến 12.500 người với trang bị gồm 100 súng cối, 40 pháo chống tăng, 60 pháo phòng không, 13 xe bọc thép chở quân và 6 hệ thống hỏa lực bắn loạt.

Hỏa lực mạnh là yếu tố then chốt quyết định đến thắng lợi của trận đánh trên bộ

Sư đoàn bộ binh cơ giới lục quân có sức mạnh hỏa lực tác chiến mạnh nhất, gồm 3 trung đoàn bộ binh cơ giới và 1 trung đoàn tăng với trang bị hơn 30 xe tăng, khoảng 100 xe chiến đấu bộ binh, 150 xe bọc thép chở quân, 6 hệ thống hỏa lực bắn loạt, 50 pháo dã chiến, 70 súng cối, 20 tổ hợp tên lửa chống tăng, 36 pháo chống tăng, 30 tổ hợp tên lửa phòng không và 30 pháo phòng không.

Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự, trang bị kỹ thuật, huấn luyện và tinh thần chiến đấu cao của quân nhân Lục quân Việt Nam nhìn chung có thể cho phép thực hiện các nhiệm vụ đặt ra, tuy nhiên vẫn còn tồn tài nhiều vấn đề như nhiều loại vũ khí và khí tài lục quân lạc hậu, đòi hỏi cần phải hiện đại hóa hoặc cải tiến (đến 50%)...

Mặc dù, còn nhiều khó khăn về tài chính và công tác tổ chức, tuy nhiên Lục quân Việt Nam được đánh giá là đội quân thiện chiến, mạnh nhất trong số các quốc gia Đông Nam Á.

Các vấn đề khắc phục yếu điểm của lực lượng này đang được giới lãnh đạo quân sự Việt Nam giải quyết một cách khá hiệu quả nhờ vào việc duy trì quân số, đào tạo chuyên sâu và đặc biệt chú trọng công tác khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc của quân nhân để bảo vệ đất nước và toàn vẹn lãnh thổ.

Nguyễn Hoàng

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news