"Dịp Tết, nhạc sĩ Hoàng Phương tự bỏ tiền làm nguyên một chương trình đại nhạc hội cho người dân Gò Công xem suốt 3 đêm liên tiếp mà không lấy một đồng tiền vé", Long Nhật kể.
Long Nhật bảo, 30 năm qua, anh lớn lên với dòng nhạc Gò Công. Những ca khúc trữ tình của dòng nhạc này đã góp phần đưa tên tuổi anh đến gần hơn với công chúng. Đó là lý do anh chi tiền tỷ để thực hiện liveshow "Long Nhật 30 năm dòng nhạc Gò Công trở lại".
Trong dự án này, Long Nhật hát những ca khúc thuộc dòng nhạc Gò Công của các nhạc sĩ Nguyễn Bá Nghiêm, Quốc Dũng, Vũ Hoàng, Đỗ Chí Thiện... nhưng phần lớn là sáng tác của nhạc sĩ Hoàng Phương như "Chuyện tình hoa muống biển", "Chiều hạ vàng", "Chung vầng trăng đợi", "Thương một người ở xa"..
Nhạc sĩ Hoàng Phương chính là tác giả "Hoa sứ nhà nàng", chính ca khúc này đã đưa tên tuổi của ông đến gần với công chúng hơn.
Nhân dịp này, phóng viên đã có trò chuyện riêng với Long Nhật về Hoàng Phương – người nhạc sĩ tài hoa, hào sảng, từng là ông chủ hai tiệm vàng và một tiệm đồng hồ trứ danh đất Gò Công, Tiền Giang nhưng vì âm nhạc, sẵn sàng bỏ cả kinh doanh.
Long Nhật và Vương Bảo Tuấn, giám đốc sản xuất liveshow 30 năm dòng nhạc Gò Công trở lại.
Lời cầu nguyện linh thiêng
Long Nhật chia sẻ: "Sau khi chúng tôi thu hình xong liveshow ở TPHCM, cả ê-kíp gồm tôi, anh Vương Bảo Tuấn – giám đốc sản xuất, Trịnh Kim Chi, La Thoại Phi và Trúc Chi - con gái nuôi của tôi về Gò Công cũng là quê hương của nhạc sĩ Hoàng Phương để thực hiện một phóng sự.
Chúng tôi đều có chung một mong ước là tìm cho được mộ phần và nhà của nhạc sĩ Hoàng Phương nhưng đi dò hỏi khắp nơi, không ai biết.
Tất cả những thông tin chúng tôi có là ấp Cầu Muống, xã Tân Thành, huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Chúng tôi gọi điện hỏi 1080 của Tiền Giang, họ cho số điện thoại của ủy ban xã Tân Thành. Chúng tôi điện cho ủy ban nhưng họ cũng không biết.
Chiều hôm đó trời mưa tầm tã, cả đoàn vừa chạy bối cảnh, vừa chạy thời gian, vừa dò hỏi tìm kiếm, đến chiều vẫn không biết. Chúng tôi gần như tuyệt vọng.
Khi thắp hương ở tượng đài Trương Định, anh Vương Bảo Tuấn đốt ba cây nhang và khấn chú Hoàng Phương: "30 năm qua chúng con lớn lên với dòng nhạc Gò Công. Chúng con đang làm chương trình về nhạc Gò Công của chú. Chú thương anh em con, chỉ đường cho chúng con về thăm nhà, thăm mộ phần của chú".
Ê-kíp sản xuất về Gò Công thắp hương tại tượng đài Trương Định.
Kỳ lạ thay, như có sự chỉ đường của chú Hoàng Phương, anh em tôi tìm được về nhà chú. Lúc đó mới hơn 5 giờ chiều, trong đoàn chưa ai đói bụng. Không biết ai xui mà anh Vương Bảo Tuấn đi qua bên đường, ghé vào xe bánh mì trên hè phố vừa mua bánh, vừa hỏi thăm.
Không ngờ, chủ xe bánh mì biết con trai nhạc sĩ Hoàng Phương là nhạc sĩ Hoàng Tùng. Chúng tôi đã liên lạc được với nhạc sĩ Hoàng Tùng và chỉ khoảng 1 tiếng đồng hồ sau, anh Hoàng Tùng xuất hiện".
Ông chủ tiệm vàng hào phóng mê âm nhạc
Cũng theo chia sẻ của Ca sĩ Long Nhật, nhạc sĩ Hoàng Tùng đưa cả ê-kíp về nhà tổ của ông bà nội – thân sinh nhạc sĩ Hoàng Phương và mộ phần của ông được chôn cất ngay trong vườn của ông bà nội, đúng như lời nguyện ước lúc sinh thời.
Long Nhật kể: "Lúc nhạc sĩ Hoàng Phương sắp mất, nhạc sĩ Hoàng Tùng hỏi "sao ba muốn nằm trong vườn của ông bà nội"? Chú nói "đây là quê nội, ba muốn nằm ở đây để đêm đêm nghe sóng vỗ về như lời bài hát ba viết trong Tình hoa muống biển".
Khi về thăm nhà của nhạc sĩ Hoàng Tùng, anh cho chúng tôi xem 100 tác phẩm nổi tiếng của nhạc sĩ Hoàng Phương được viết bằng bút mực bởi chính nét chữ của chú. Giấy thì ngả màu mà nốt nhạc còn nguyên vẹn.
Long Nhật và con gái nuôi Trúc Chi quay liveshow.
Chúng tôi cũng được xem những tấm hình ngày xưa của chú Hoàng Phương. Trong quá khứ, chú đẹp trai, phong độ đúng kiểu công tử miền Tây. Chú có hai tiệm vàng và một tiệm đồng hồ, giàu có nổi tiếng xứ Gò Công.
Có một lần, nhạc sĩ Hoàng Phương cầm rất nhiều tiền cho vào túi cùng mấy bài nhạc lên gặp nhạc sĩ Quốc Dũng. Chiều hôm đó, chú chở cả cậu con trai Hoàng Tùng theo. Sau khi xem bản nhạc, nhạc sĩ Quốc Dũng lấy đàn organ ra đánh.
Đánh xong, Quốc Dũng rủ nhạc sĩ Hoàng Phương đi nhậu rồi qua phòng thu cho Bảo Yến, Nhã Phương hát thử.
Tới tận 3, 4 giờ sáng hai cha con mới về. Nhạc sĩ Hoàng Phương đem mấy bản thu đó đưa cho một số người nghe, ai cũng thích. Tính chú vốn hào sảng nên đi giao tiếp luôn là người đãi hết.
Khi tìm được Quốc Dũng, Bảo Yến, Nhã Phương, nhạc sĩ Hoàng Phương về bán hết hai tiệm vàng và tiệm đồng hồ để chuyên tâm vào con đường sáng tác âm nhạc.
Khi bài "Hoa sứ nhà nàng" của Hoàng Phương được nhà nước cấp phép biểu diễn, chú vui như cá gặp nước, dẹp hết chuyện kinh doanh buôn bán để sáng tác nhạc.
Nhạc sĩ Hoàng Phương cũng rất nhạy bén, chú phát hiện ra mình chỉ là một người viết nhạc hay, sáng tác nhạc hay thôi, còn hòa âm phối khí phải đưa cho Quốc Dũng.
Làm như trời sinh Hoàng Phương thì trời phải sinh Quốc Dũng. Nhạc Hoàng Phương thì nhất định phải là Quốc Dũng hòa âm, Bảo Yến, Nhã Phương hát. Họ từng là bộ tứ quyền lực một thời.
Nhạc sĩ Hoàng Tùng (áo tím) con trai nhạc sĩ Hoàng Phương đang trò chuyện về cha mình - ảnh thời trẻ đen trắng treo trên cửa - với Long Nhật mà MC La Thoại Phi.
Nhạc sĩ Hoàng Phương xài tiền hào sảng có tiếng. Dịp Tết, chú bỏ tiền làm nguyên một chương trình đại nhạc hội cho người dân Gò Công xem suốt 3 đêm liên tiếp mà không lấy một đồng tiền vé nào. Chơi như vậy, biết bao nhiêu tiền của!
Nhà làm ra bao nhiêu tiền, chú đầu tư hết vào âm nhạc. Sinh thời, chú Hoàng Phương không bao giờ nghĩ rằng, viết nhạc để lấy tiền. Chú cũng không quan tâm đến chuyện tiền tác quyền, tác giả được bao nhiêu.
Có thời băng cát xét nhạc Hoàng Phương được bán khắp cả nước nhưng nhạc sĩ Hoàng Phương không hề thu được một đồng tiền tác quyền nào ở giai đoạn đó.
Khi Hoàng Phương mất, chú rất nghèo, ra đi với hai bàn tay trắng nhưng con cái, ai cũng tự hào về cha của mình. Cả cuộc đời Hoàng Phương "cho đời tất cả, khúc nhạc tình quê hương" đúng như lời bài hát chú từng viết".