Tối 17/7, Trang Nguyễn đã lên tiếng trên Facebook cá nhân sau khi câu chuyện “lương cứng 5 triệu/tháng có thể du học tự túc, mua chung cư và đi du lịch” của cô bị "ném đá tơi bời".
Cô gái gây tranh cãi khắp mạng xã hội về bài toán chi tiêu của mình
Mạng xã hội được dịp xôn xao trước bài chia sẻ về khả năng quản lý tài chính của bạn Trang Nguyễn (28 tuổi, Hà Nội). Với mức lương cứng chỉ 5 triệu đồng/tháng, Trang vẫn có thể tiết kiệm để đi du học tự túc, mua nhà chung cư và thậm chí là đi du lịch nhiều nơi. Để làm được những điều tưởng như "phi thường" này, Trang đã trải qua quá trình mà theo cô là khá khắc nghiệt từ những năm mới đi làm cho đến khoảng thời gian 2 năm gian khó du học nước ngoài.
Trước tình hình chi tiêu đắt đỏ ở Hà Nội, với nhiều người 5 triệu tiền lương còn không đủ để nuôi bản thân chứ đừng nói gì tới tiết kiệm. Nhưng với Trang, với một mức lương hạn chế như vậy, cô xác định khoản tiền này sẽ dùng vào chi tiêu, còn mức tiền thưởng của công ty dành để tiết kiệm. Ngoài ra, Trang cũng có thêm khoản thu nhập khác từ việc bán hàng online, mỗi tháng kiếm thêm được từ 3-5 triệu đồng, thâm niên làm việc nhiều hơn thì tiền thưởng cũng nhiều hơn.
Tổng kết lại, Trang đã tiết kiệm được 150 triệu đồng sau 1 năm rưỡi và khoản tiền này cô dành để đi du học Thạc sĩ tự túc. Tất nhiên 150 triệu đồng cho 2 năm ở Tây Ban Nha chẳng "thấm thoát" gì, một năm chi tiêu từ việc học đến sinh hoạt ít nhất cũng phải 400 triệu đồng. Vậy nguồn thu đâu ra để Trang trang trải cho mức tiền này? Cô cho hay, nhờ việc bán hàng online order đạt đỉnh nên cô luôn dành ra được một khoản, thậm chí khi về nước còn biếu bố mẹ và "dắt túi" một số vốn.
Đầu năm 2017, Trang trở về Việt Nam, kết thúc những ngày tháng tự do ở nước ngoài. Cô lại bắt đầu lao vào công việc và công cuộc "thắt lưng buộc bụng". Lần này, cô "đầu tư" một căn chung cư giá 1,5 tỷ đồng. Nhờ có chút vốn tích cóp từ khi đi du học và tiền bán hàng online, vào khoảng 300 triệu đồng, Trang thoải mái chọn một căn chung cư cho mình. Số tiền 1,2 tỷ đồng còn lại cô vay ngân hàng. Khoản tiền này được mẹ cô đứng tên vay hộ để hưởng lãi suất vay kinh doanh ưu đãi.
Mức lương cơ bản ở công ty cũ của Trang vẫn không thay đổi 5 triệu/tháng. Tuy nhiên thời gian rảnh nhiều nên cô có thể kiếm thêm từ việc bán hàng online. Vả lại khoản thu nhập từ thưởng cũng hậu hĩnh, lên tới 10-12 tháng lương (khoản thưởng này ở doanh nghiệp thuộc ngành dầu khí những năm kinh doanh thịnh vượng trước đây cũng là bình thường). Lãi từ bán hàng online được 20 triệu/tháng.
Tóm lại, Trang có 3 khoản thu nhập chính từ lương cơ bản (5 triệu/tháng), thưởng hậu hĩnh và khoản tiền bán hàng online "béo bở". Cộng thêm đức tính tiết kiệm đến mức hạn chế mọi khoản chi tiêu không cần thiết, Trang tự tin về khả năng quản lý tài chính của mình.
Trước bài chia sẻ của Trang, cư dân mạng dường như thấy có khá nhiều khúc mắc trong câu chuyện này. "2 năm du học ở Tây Ban Nha, Trang vẫn bán hàng online ở Việt Nam và làm thêm, mức thu nhập cụ thể là bao nhiêu? Phải chăng con số đó lớn đến nỗi cô có thể tự nuôi sống bản thân để khi về nước còn khá "dư dả" và thậm chí cho bố mẹ ít tiền làm vốn!?" - bạn T.H. bình luận.
"Số tiền thưởng ở công ty nhiều đến bao nhiêu có thể giúp cô tiết kiệm nhiều như thế. Chia 150 triệu đồng cho 1 năm rưỡi, tính ra mỗi tháng phải dư ra 8 triệu 300, trong khi lương cứng 5 triệu dành hết cho chi tiêu cả rồi. Đúng là Trang rất bản lĩnh khi chia sẻ bài toán chi tiêu của mình và gây "điên đảo" mạng xã hội, nhưng quả thực nhiều lỗ hổng trong câu chuyện này vẫn chưa thể thoả mãn mọi người" - bạn G.K. bày tỏ quan điểm.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng mọi người hãy đọc kĩ bài chia sẻ của Trang trước khi "ném đá" cô một cách thậm tệ. Có thể quan điểm mà Trang đưa ra sẽ là bài học cho những ai quan tâm và mong muốn học tập đức tính tiết kiệm.
"Bạn ấy chỉ mới nói lương chứ chưa tính các khoản làm tay trái nữa mà. Ví dụ chị làm bên bất động sản và bán mỹ phẩm hay gì đó nữa đi, thì dư giả là đúng. Chưa đọc bài viết nhưng với những người làm như vậy vẫn đủ khả năng đi du học và mua chung cư nha" - bạn L.M. phân tích.
"Chị ấy chia sẻ vậy ai thấy có ích thì quan tâm thôi, còn lại tập trung vào việc của mình, đừng để ý nhiều. Chị cứ sống cuộc sống của mình đi thôi, kệ người ta nói, nói mà họ có giúp mình tốt lên đâu" - bạn V.D. bình luận.
Trang Nguyễn phản pháo khi bị cư dân mạng tố chém gió và bịa đặt
Sau khi đọc bài chia sẻ của Trang, nhiều người dùng mạng đã chỉ ra những điểm bất hợp lý trong bảng tài chính của cô. Họ cho rằng cô đang đưa ra một bài toán chi tiêu quá phi lý và chưa đủ sức thuyết phục. Đáp trả những bình luận của cư dân mạng, Trang đã quyết định giải thích tất cả trên trang facebook cá nhân của mình.
Trước tiên là khoản tiền 150 triệu đồng tiết kiệm trong vòng một năm rưỡi. Trang khẳng định một lần nữa cô có 3 khoản thu nhập bao gồm lương, thưởng và từ bán hàng online. Lương công ty cũ là 5 triệu cơ bản, cộng với mức thưởng nhẹ. Thưởng theo tình hình kinh doanh nên khoản này để dành tiết kiệm, cô chỉ chi tiêu nguyên lương cơ bản thôi. Cô vẫn duy trì bán hàng online thu nhập 20 triệu/tháng.
"Bố mẹ mình rất bình thường, xuất phát ở nông thôn giờ vẫn sống ở quê. Tuy nhiên bố mẹ luôn tạo điều kiện tốt nhất cho mình được học trường tốt, cung cấp tài chính cho các khóa ngoại ngữ của mình. Kể cả giờ vẫn hỗ trợ gửi thực phẩm cho mình hàng tháng. Bố mẹ cũng không đòi hỏi mình phải chu cấp gì cả, chỉ cần mình tự lo cuộc sống được. Bạn trai mình là người làm công ăn lương bình thường, không giàu có để giúp mình. Bọn mình hoàn toàn độc lập về kinh tế".
Trước những thắc mắc về quyết định vẫn làm ở công ty cũ với mức lương có vẻ không xứng đáng với tấm bằng Thạc sĩ nước ngoài đầy danh giá, Trang giải thích trước khi đi du học cô có xin tạm dừng hợp đồng lao động. Cô tự đóng bảo hiểm trong quá trình đi học. Công ty đã tạo điều kiện thì Trang cũng không thể nghỉ ngay được, như vậy sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sếp.
"Anh ấy đã xin cho mình được tạm dừng hợp đồng thay vì chấm dứt hợp đồng lao động. Lí do nữa môi trường làm việc thân thiện, mọi người rất quý nhau nên nghỉ thì mình cũng tiếc".
Khúc mắc lớn nhất của cư dân mạng có lẽ xoay quanh khoản tiền vay lên đến 1, 2 tỷ đồng mà sẽ chẳng ngân hàng nào dám mạo hiểm cho người có mức thu nhập 5 triệu/tháng như Trang vay. Đáp trả điều này, cô chia sẻ khoản vay bên dầu khí theo kiểu vay ưu đãi cho nhân viên do mẹ cô vay ở quê nên có lãi suất ưu đãi hơn rất nhiều. Thậm chí nếu mẹ không vay được thì anh chị họ hàng, người thân, bạn bè, mối quan hệ suốt 6 năm đi làm chẳng nhẽ không giúp thể giúp cô gói vay ưu đãi này.
"Mình hoàn toàn không trà sữa, không quán xá, phim ảnh nên tiết kiệm nhiều. Không mua sắm shopping vì công việc của mình là shopping cho người khác nên hết nghiện tiêu tiền. Trước kia đi học đã tiết kiệm, khi đi du học càng tiết kiệm và về Việt Nam vẫn giữ thói quen tốt đó. Mình phân biệt khoản nào cần chi và khoản chi không cần thiết.
Đi du lịch, đi chơi là cần vì công việc căng thẳng cần thời gian nghỉ ngơi tái tạo sức lao động để kiếm tiền tiếp. Ăn hàng quán là không cần thiết, thực phẩm tự nấu ăn được theo chế độ, nhưng thỉnh thoảng vẫn cần ra ngoài để giao lưu xã hội".
Cuối bài chia sẻ lần này, Trang bày tỏ việc mình làm không to tát gì so với thế giới ngoài kia. Việc duy nhất cô làm là tập trung để có cuộc sống tốt hơn. "Thay vì hay phán xét sao không tìm cách để hiểu người khác, và nhìn nhận câu chuyên theo góc nhìn nhân văn giữa người với người. Từ đó mình cố gắng, cố gắng bớt soi người khác, bớt phán xét về ai đó vì mình đâu có quyền gì mà nói người ta thế này thế nọ. Cảm nhận của mình như thế nào nếu ai đó phán xét mình?".
Trang kết luận, "Nếu khi mới ra trường mình có được những hiểu biết về tài chính cá nhân như bây giờ thì có thể mình sẽ làm được mọi việc tốt hơn. Đấy chính là lí do mình muốn chia sẻ nó".
Minh Nhân
Theo Helino/Trí thức trẻ