Theo tin tức từ báo Người lao động, Pháp luật TP.Hồ Chí Minh, CQĐT Công an TP HCM hiện đang thụ lý vụ án hình sự Nguyễn Thái Luyện cùng đồng phạm can tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Công ty cổ phần địa ốc Alibaba.
Ngày 26/9, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM có văn bản ngăn chặn giao dịch thửa đất do Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba đứng tên ở quận Thủ Đức, TP.HCM. Để phục vụ công tác điều tra, tránh trường hợp đối tượng tẩu tán tài sản, cơ quan điều tra đề nghị các cơ quan ngăn chặn, tạm dừng đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản đối với thửa đất thửa đất số 1164, tờ bản đồ số 2, địa chỉ 52 Đặng Văn Bi, phường trường Thọ, quận Thủ Đức, TP.HCM. Thửa đất này (đất ở đô thị) được cấp GCN cho Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba ngày 21/5/2019.
Nhiều thùng tài liệu được thu giữ sau buổi khám xét trụ sở Công ty Alibaba. Ảnh: Pháp luật TP.Hồ Chí Minh
Đến nay, Công an TP HCM đã tạm giam 4 tháng đối với bị can Nguyễn Thái Luyện (SN 1985, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Alibaba) và Nguyễn Thái Lĩnh (em ruột Luyện, Tổng Giám đốc Alibaba). Ngoài ra, Nguyễn Thái Lực (em ruột bị can Luyện) cũng bị Công an TP HCM bắt giữ trong trường hợp bắt người khẩn cấp nhưng chưa khởi tố bị can.
Công an TP HCM thông tin kết quả điều tra cho thấy các đối tượng hoạt động theo phương thức rất tinh vi núp bóng hoạt động kinh doanh bất động sản nhưng thực chất là lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức huy động vốn đa cấp. Các đối tượng đã sử dụng đất nền trong dự án "ma" làm mồi nhử.
Quá trình điều tra được thực hiện theo đúng quy định pháp luật và có đầy đủ tài liệu, chứng cứ xác định Nguyễn Thái Luyện với vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Alibaba giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu đã chỉ đạo, cùng Nguyễn Thái Lĩnh thành lập ra Công ty Alibaba và các công ty thành viên (có quy mô hơn 2.600 nhân viên).
Cả 2 cùng cấp dưới đã thu gom mua số lượng lớn đất nông nghiệp với tổng diện tích khoảng hơn 600ha, giao cho các cá nhân (Nguyễn Thái Lĩnh, Nguyễn Thái Lực và người thân) đứng tên và tự vẽ ra 40 “dự án” không có thật tại một số tỉnh phía Nam gồm: Đồng Nai: 29 “dự án”; Bà Rịa – Vũng Tàu: 09 “dự án” và Bình Thuận: 02 “dự án”.
Các "dự án" chưa làm thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép cho làm dự án… rồi tổ chức quảng cáo là đất nền dự án (đất ở) để lừa bán cho các khách hàng.