Tin mới

Có tới 3 nước liên quan đến vụ trực thăng Nga bị bắn hạ ở Syria

Thứ tư, 03/08/2016, 10:25 (GMT+7)

Theo một chuyên gia Nga, có 3 quốc gia phải chịu trách nhiệm cho vụ trực thăng Mi-8 bị bắn hạ khiến 5 quân nhân Nga thiệt mạng là Ả Rập Saudi, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo một chuyên gia Nga, có 3 quốc gia phải chịu trách nhiệm cho vụ trực thăng Mi-8 bị bắn hạ khiến 5 quân nhân Nga thiệt mạng là Ả Rập Saudi, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ.

Một chiếc trực thăng Mi-8 của Nga đã bị bắn hạ hôm 1/8 ở phía tây bắc Syria, khiến 5 quân nhân, trong đó có 2 sĩ quan thiệt mạng. Đây chính là sự cố đẫm máu nhất của quân đội Nga kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch ném bom nhằm vào các tổ chức khủng bố ở Syria từ tháng 9/2015.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Đài Sputnik, Tiến sĩ Marcus Papadopoulos, tổng biên tập của tạp chí Politics First cho rằng, một liên minh các nhóm khủng bố có tên gọi là Đội quân Chinh phục và những quốc gia tài trợ cho họ phải chịu trách nhiệm cho vụ bắn hạ Mi-8.

[mecloud]ebiTgkVuQt[/mecloud]

"Tôi không có nghi ngờ gì về điều này. Họ sở hữu những loại vũ khí tiên tiến. Chúng ta đang nói về xe tăng, các loại xe bọc thép, vũ khí chống tăng và cả tên lửa phòng không".

Chuyên gia này cũng nhấn mạnh rằng có thể đây là những loại vũ khí mà chính Ả Rập Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar đã cung cấp cho nhóm phiến quân này.

Xác trực thăng Mi-8 của Nga tại hiện trường. Ảnh: Reuters

"Bởi vậy, họ phải chịu trách nhiệm cho việc bắn hạ trực thăng Mi-8 của Nga khi mà nó đang làm nhiệm vụ nhân đạo ở Syria, và họ cũng phải chịu trách nhiệm cho cái chết của 5 quân nhân Nga có mặt trên chuyến bay đó".

Tiến sĩ Papadopoulos cho rằng, Đội quân Chinh phục được thành lập lần đầu tiên vào năm 2015 và sau đó giành được một chiến thắng quan trọng ở chiến trường khi chiếm được thành phố Idlib ở miền bắc Syria và phần còn lại của tỉnh này.

"Những người ủng hộ chính trị và tài chính cho nhóm phiến quân này là Ả Rập Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí đến bây giờ, Ankara có thể vẫn đang xem xét lại Chính sách ủng hộ các nhóm khủng bố Hồi giáo của họ. Thổ Nhĩ Kỳ là nhà ủng hộ chính cho Đội quân Chinh phục - tổ chức chịu trách nhiệm cho nhiều tội ác ở Aleppo bằng việc thường xuyên nã pháo vào dân thường", ông lưu ý.

Khi được hỏi liệu việc bắn hạ trực thăng của Nga và cái chết của các quân nhân Nga có dẫn đến việc Đội quân Chinh phục bị mất đi nguồn tài trợ nước ngoài hoặc chính thức bị xem là một nhóm khủng bố hay không, tiến sĩ Papadopoulos nói rằng "có rất ít cơ hội cho điều đó xảy ra bởi Mỹ đang hỗ trợ rất nhiều nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan khác ở Syria".

Aleppo đổ nát trong cuộc chiến ở Syria. Ảnh: BBC

Ông Papadopoulos nói rằng, vào năm 2013, khi nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) bắt đầu có những động thái ở Syria, chính phủ Mỹ không hề có bất cứ sự lên án nào. Nhưng đến cuối năm 2013, khi IS bành trướng ở Iraq và bắt đầu đặt ra mối đe dọa trực tiếp đối với chính phủ thân phương Tây của Iraq thì người Mỹ cuối cùng đã hành động. Trước đó, họ chỉ "bình chân như vại" để xem IS lớn mạnh, chiếm lãnh thổ của Syria và hành động tàn bạo.

"Bởi vậy, chẳng có cơ hội nào để Mỹ đưa nhóm phiến quân bắn hạ trực thăng Mi-8 vào danh sách khủng bố".

Trực thăng Mi-8 bị bắn hạ ngay sau khi xuất hiện một video của IS đe dọa sát hại Tổng thống Nga Putin và tổng tấn công nhằm vào nước Nga.

Khi được hỏi liệu hai điều này có mối liên quan nào với nhau không, tiến sĩ Papadopoulos nói rằng sau khi Nga tiến hành chiến dịch chống khủng bố ở Syria thì bối cảnh cuộc xung đột tại quốc gia Trung Đông này đã có nhiều thay đổi. Hiện giờ, các nhóm khủng bố như IS, Mặt trận al-Nusra, Đội quân Chinh phục và một số nhóm khác đều là những kẻ thù chính của quân đội chính phủ Syria và đồng minh Nga của họ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin bị phiến quân IS đe dọa sát hại ngay tại nhà.

Trả lời một câu hỏi về việc những kẻ khủng bố thường sử dụng các video để đe dọa và gieo rắc nỗi sợ hãi về tội ác mà chúng có thể gây ra, tiến sĩ Papadopoulos trả lời rằng những hình ảnh và video như vậy phải bị cấm và nên được kiểm duyệt.

"Tôi thực sự không quan tâm những gì phương Tây nói rằng sự kiểm duyệt không phù hợp với các giá trị dân chủ và tự do ngôn luận ở quốc gia họ. Cần phải có một nguyên tắc về việc những hình ảnh về sự tàn bạo, chặt đầu, những thi thể bị kéo lê sau xe tải nên bị cấm trên các phương tiện truyền thông xã hội".

"Điều này có thể tước đi một kênh tuyển dụng quan trọng của những kẻ khủng bố. Chúng ta phải đấu tranh với khủng bố trên chiến trường và cũng cần phải đánh bại họ trên các phương tiện truyền thông xã hội bằng cách cấm các tà khoản Facebook của khủng bố và ngăn chặn chúng đăng tải những hình ảnh, video khủng khiếp lên mạng xã hội", tiến sĩ Marcus Papadopoulos nhấn mạnh.

Lê Huyền (Sputnik)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: trực thăng Mi-8