Liên quan tới vụ Tân Hiệp Phát “con ruồi có giá nửa tỷ”, Cơ quan điều tra sẽ trưng cầu giám định xem con ruồi đó có sẵn trong chai Number One hay không.
Theo thông tin mới nhất về vụ “còn ruồi có giá nửa tỷ đồng” thì ngày 5/2, công an tỉnh Tiền Giang đã có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Võ Văn Minh, ngụ huyện Cái Bè về hành vi "cưỡng đoạt tài sản".
Chia sẻ trên báo Tuổi trẻ, bà Nguyễn Thị Ánh - phó viện trưởng Viện KSND tỉnh Tiền Giang - cho biết cơ quan điều tra sẽ tiến hành trưng cầu giám định xem con ruồi đó có sẵn trong chai trước khi Minh đem về bán và phản ánh với Công ty Tân Hiệp Phát để vòi tiền hay là có tác nhân bên ngoài đưa vào.
Tân Hiệp Phát lên tiếng: “Ruồi ở đâu mà ruồi”
Trao đổi vấn đề này trên báo Đại Lộ, ông Phạm Lê Tấn Phong - Giám đốc Đối ngoại của Tân Hiệp Phát (THP) cho biết:
“Về phía Tân Hiệp Phát, chúng tôi khẳng định rằng dây chuyền máy móc công nghệ của công ty rất hiện đại, không bao giờ xảy ra những sự cố như vậy cả.
Hiện giờ cơ quan điều tra cũng đang trong quá trình thẩm vấn, lấy lời khai và vẫn chưa xác định được chai nước có ruồi trong đó là thật hay là do người ta ngụy tạo. Chúng tôi muốn chờ kết quả từ cơ quan điều tra rồi sẽ có phát ngôn chính thức của mình về sự việc."
Anh Minh bị bắt cùng tang vật vụ án. Ảnh Pháp luật TP HCM.
Bày tỏ quan điểm về những ý kiến chỉ trích THP đã xử lý sai lầm, thay vì nên chọn những cách thức tự bảo vệ mình, chứng minh mình trong sạch, công ty lại hành động theo kiểu “trừng phạt” cá nhân, ông Phong bày tỏ:
"Đây không phải là vấn đề “đe dọa” hay “dằn mặt” một cá nhân nào đó. Tôi nhấn mạnh lần nữa, là trước pháp luật, mọi công dân trưởng thành đều phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình một cách bình đẳng như nhau.
Luật bảo vệ người tiêu dùng quy định rằng, nếu người dùng mua phải sản phẩm lỗi thì doanh nghiệp có trách nhiệm thu hồi sản phẩm lỗi và đổi lại bằng sản phẩm hoàn chỉnh. Những hành vi xuất phát từ sự xúi giục, kích động để tống tiền doanh nghiệp, lạm dụng cơ quan báo chí để đe dọa, uy hiếp “tống tiền” là không thể chấp nhận được.
Hành vi đó và người có hành vi đó phải bị trả giá… Chúng tôi đường hoàng nên cứ việc đường hoàng làm thôi!".
Công ty Tân Hiệp Phát có lo lắng không?
Trao đổi với báo Đời sống và Pháp luật, luật sư Nguyễn Tấn Thi (Ðoàn luật sư TP.HCM) là người nhận lời đề nghị của gia đình anh Võ Văn Minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Minh cho biết, theo ý kiến cá nhân ông, Công ty Tân Hiệp Phát không hề “bàng quang” trước vấn đề trên.
Bởi là một nhà một nhà sản xuất hàng đầu, đã có hơn 20 năm xây dựng và giữ gìn thương hiệu thì hơn ai hết Công ty Tân Hiệp Phát đã "giật mình" lo sợ khi nghe được thông tin đó.
Nỗi lo này xuất hiện ngay khi nhận được thông tin trong chai nước được cho là do hãng mình sản xuất mà "có ruồi". Là nhà sản xuất hẳn ai cũng có tâm lý này và cũng lường được hậu quả sẽ xảy ra đối với doanh nghiệp mình nếu không may thông tin bất lợi lọt ra ngoài. Công ty Tân Hiệp Phát ngay từ đầu đã hiểu được điều đó nên họ đã cho ngay nhân nhiên đi nắm bắt tình hình, kiểm tra thông tin và sản phẩm...và họ đã thương thượng.
Hiện quá trình điều tra đang được tiến hành, cơ quan công an chưa trích xuất các cuộc gọi của hai bên để biết ai có vai gì trong việc thương lượng này. Tuy nhiên, điều dễ hiểu là nếu ngay từ đầu Công ty Tân Hiệp Phát đã báo cơ quan công an để cùng cũng tra, làm việc với anh Minh thì chắc chắc sẽ không có cuộc thương lượng nào được thự hiện và không có một vụ án hình sự nào xảy ra. Nếu có sự can thiệp của pháp luật thì có chăng chỉ là việc xử lý đối với "chai nước có ruồi" kia.
Luật sư Phạm Hoài Nam (Đoàn luật sư TP HCM)
Trong thời gian qua, một số sản phẩm nước ngọt và nước giải khát tung ra thị trường bị lỗi hoặc vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm như có ruồi, gián, tàn thuốc lá, tóc… đã bị người tiêu dùng phát hiện và phản ánh; một số người đã thông tin tới cơ quan truyền thông báo đài hoặc Hội bảo vệ người tiêu dùng, nhưng một số trường hợp lại liên hệ trực tiếp với doanh nghiệp để thỏa thuận về việc nhận tiền và im lặng, nhưng sau đó lúc nhận tiền, họ đã bị cơ quan công an bắt giữ, rồi khởi tố hình sự về hành vi cưỡng đoạt tài sản.
Vụ việc anh Minh bị bắt tiếp tục gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh đối với những người tiêu dùng khác cần từ bỏ lòng tham và cần tìm hiểu kỹ các quy định pháp luật và đồng thời cần có sự tư vấn của các nhà chuyên môn trong vấn đề giải quyết tranh chấp với doanh nghiệp nhằm tránh các rủi ro về pháp lý;
Về góc độ quản lý nhà nước thì các cơ quan bảo vệ pháp luật cần có sự hướng dẫn và bảo vệ tối đa lợi ích của người tiêu dùng, cần xem xét kỹ nếu vụ việc chưa đến mức xử lý hình sự thì hướng dẫn các bên giải quyết tranh chấp bằng con đường Trọng tài hoặc Toà án giải quyết, đồng thời xử lý nghiêm các sai phạm của doanh nghiệp trong việc bảo đảm chất lượng hàng hoá và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Về phía Công ty Tân Hiệp Phát, đây là một trong những doanh nghiệp lớn hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất nước ngọt và nước giải khát, đó là thương hiệu lớn trong nước có đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài… liên quan đến vụ anh Minh cho thấy họ đã không khôn khéo trong việc xử lý tình huống tranh chấp, dưới góc độ trách nhiệm và đạo đức nhà kinh doanh thì việc gây khủng hoảng truyền thông ít nhiều sẽ ảnh hưởng tới giá trị thương hiệu mà bấy lâu công ty đã xây dựng; mong rằng họ sẽ có biện pháp kịp thời để xử lý nhằm tránh trường hợp người tiêu dùng quay lưng hoặc tẩy chay các sản phẩm đã định hình và có chỗ đứng trên thị trường.
Bởi giá trị của một thương hiệu không chỉ nằm ở doanh số bán hàng, ở lợi nhuận mà còn ở mức độ nhận diện thương hiệu, tình cảm và thái độ của khách hàng thông qua trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng, với người tiêu dùng khi xử lý các vấn đề bồi thường thiệt hại hoặc giải quyết các tranh chấp, rủi ro trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Theo báo Đời sống và Pháp luật