Tin mới

Cụ già "gàn dở" quyên tặng gần 500 triệu tiền từ thiện

Thứ ba, 17/03/2015, 14:47 (GMT+7)

Mỗi năm quyên góp hơn 20 triệu đồng, cho đến bây giờ tổng số tiền cụ Nguyễn Thị Vân (SN 1932, xã Nam Cát, huyện Nam Đàn, Nghệ An) giúp đỡ cho người có hoàn cảnh khó khăn trong xóm đã lên đến gần 500 triệu đồng.

Mỗi năm quyên góp hơn 20 triệu đồng, cho đến bây giờ tổng số tiền cụ Nguyễn Thị Vân (SN 1932, xã Nam Cát, huyện Nam Đàn, Nghệ An) giúp đỡ cho người có hoàn cảnh khó khăn trong xóm đã lên đến gần 500 triệu đồng.


 

Chúng tôi tới thăm cụ bà Nguyễn Thị Vân (83 tuổi) ở xóm Mỹ Thiên, xã Nam Cát, huyện Nam Đàn, (Nghệ An) trong một ngày mùa đông có nắng ấm. Ngôi nhà đơn sơ nhưng cho cảm giác bình yên, gần gũi đến lạ thường. Nhìn thấy có khách, chủ nhà niềm nở ra chào đón, nhìn các động tác khỏe khoắn mà không ngờ rằng cụ đã bước sang tuổi xưa nay hiếm.

Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi trò chuyện với cụ già hơn 80 tuổi này là sự hài hước, dí dỏm và 'hay chuyện'. Khác với suy nghĩ ban đầu về một cụ bà 'không bình thường' như mọi người vẫn nói, nhìn cách cụ trò chuyện, chúng tôi không hề cảm thấy điều đó.

cụ già, từ thiện, Nam Đàn, Nghệ An, Nguyễn Thị Vân, quỹ tình nghĩa

Gần 10 năm nay cụ Vân đã quyên tặng gần 500 triệu đồng cho người nghèo.

‘Nhiều người cũng hỏi tôi câu đó. Cũng đúng thôi, lúc trước chẳng có mà ăn, giờ đây càng khó khăn hơn nữa. Thế nên nhiều người thấy tôi đưa tiền đi quyên góp mà chẳng đòi hỏi gì mới thấy lạ lùng. Thực ra tiền đó là do con cháu cho tôi lúc về già, tôi tích góp từng đồng một để cứu giúp những người khó khăn hơn mình’, cụ Nguyễn Thị Vân cười khi được chúng tôi hỏi về sự 'không bình thường' mà nhiều người nói về cụ.

Cụ Vân sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, về làm dâu trong gia đình chồng cũng chung gia cảnh nhưng cụ không hề kêu ca một lời. ‘Lúc đó có phải kế hoạch hóa gia đình như bây giờ đâu, tuy nghèo nhưng cứ sinh con đều đều. Sau khi lập gia đình, tôi lần lượt sinh hạ 13 đứa con, mỗi lần ăn cơm đều phải đếm bát nếu không sẽ ‘lạc’ đi mất một đứa’, cụ Vân móm mém nhai trầu nhớ về những ngày xưa lam lũ.

Vừa về làm dâu cũng là lúc chồng có quyết định đi học tại Đại học Sư phạm Hà Nội. Một mình cụ tần tảo làm ruộng, đêm về may quần áo để kiếm thêm thu nhập. Nhiều lúc con đông, nhà lại quá nghèo làm cụ tưởng chừng như không gượng nổi. Nhưng nghị lực của người mẹ Việt Nam phi thường đã giúp cụ vượt qua tất cả.

Trong những ngày vất vả, thiếu thốn đó, cụ may mắn được hàng xóm, láng giềng giúp đỡ rất nhiều. Giờ đây, những mảnh đời bất hạnh lại làm cụ nhớ về ngày xưa của mình. Đó cũng là động lực khiến cho cụ, dù không giàu sang hay dư giả gì, cũng muốn mong được mang chút tấm lòng để người nghèo khổ cảm thấy mình không cô đơn mà biết cố gắng sống tốt hơn. Hơn nữa, cụ Vân còn cho biết, giờ cụ sống cũng chẳng được bao lâu, cụ mong những việc làm của mình sẽ làm phúc cho con cháu sau này.

Từ năm 2007, cụ Vân bắt đầu làm từ thiện. Hàng năm, cụ ủng hộ Quỹ tình nghĩa, Quỹ vì người nghèo, Quỹ khuyến học, Quỹ xây dựng mái ấm tình thương… trung bình hơn 20 triệu đồng trong một năm. Cho đến nay, số tiền cụ làm Từ thiện đã lên đến con số gần 500 triệu đồng. Đặc biệt, riêng năm 2010, cụ đóng góp hơn 50 triệu đồng, trong đó 32 triệu đồng để tu sửa khuôn viên trong nghĩa trang mồ liệt sỹ.

Những việc làm của cụ Vân đã được chính quyền và mọi người ghi nhận.

Biết ai có hoàn cảnh khó khăn cụ đều tận tình giúp đỡ, thậm chí đến tân nơi hỏi han rồi cưu mang, quyên góp tiền. Mặc dù không nhiều nhưng trong cơn hoan nạn, số tiền đó trở thành nguồn động lực lớn giúp họ vượt qua nỗi vất vả cuộc sống. Đến tận bây giờ nhiều người còn xem cụ như 'bồ tát' sống, dù đã thành đạt và đi làm ăn xa đều không quên ơn sự giúp đỡ của cụ Vân.

Cụ vẫn nhớ mãi cậu bé ăn xin Nguyễn Chung ở xóm Thuận Hòa, xã Nam Cát, Nam Đàn (Nghệ An) ngày nào: ‘Lúc nghe tin tôi tìm đến nhà, nhìn thấy cháu mặc chiếc rách rưới mà thương. Mẹ mất sớm, bố sức khỏe yếu nên phải ăn xin, bằng tuổi con tôi mà đã phải đi lang thang cùng bố cầu xin người khác khiến tôi thấy xót xa. Thế nên tôi đưa cháu về, giúp đỡ cái ăn và cho đi học, cháu sợ không có tiền thầy cô lại đuổi nên tôi phải dẫn cháu đóng học phí, lúc ấy cháu mới yên tâm vào lớp’.

Tốt nghiệp cấp 2, Chung tới nhà cụ xin nghỉ học để đi làm kiếm tiền nuôi bố, nghĩ Chung còn trẻ nên cụ không cho, nhưng sau thấy cháu quyết tâm cao, cụ Vân nhờ người thân tìm cho Chung một công việc. Đến bây giờ, anh Chung đã lập gia đình và có công việc ổn định ở Hà Nội. Thế nhưng mỗi khi Tết đến, anh Chung đều cố gắng sắp xếp thời gian về thăm hỏi sức khỏe cụ Vân.

Anh Hoàng Đăng Đức, người con thứ 4 khẳng định khi được hỏi về suy nghĩ việc mẹ anh đã làm trong thời gian gần 10 năm nay: ‘Tiền của cụ nên cụ tùy ý tiêu, hơn nữa đó là việc làm ý nghĩa nên chúng tôi rất ủng hộ. Lớn lên trong nghèo khó nên chúng tôi biết giá trị của đồng tiền và tình người quý như thế nào. Mặc cho miệng lưỡi thế gian, 13 người con và 34 người cháu đều cảm thấy tự hào vì những việc cụ đã làm'.

Chia tay cụ Nguyễn Thị Vân lúc xế chiều để trở về, bất chợt chúng tôi nhớ đến câu: ‘Bởi kiếp sống biến ta thành gỗ mục. Ta vươn mình hóa kiếp Phong Lan’. Với cụ Vân, hạnh phúc lớn nhất của đời người là làm cho nhiều người hạnh phúc hơn. Với nhiều người, có thể nó là 'gàn dở', là 'không bình thường' nhưng chỉ cần có tấm lòng, cụ Vân luôn tin rằng những điều mình đã, đang và sẽ làm luôn là niềm vui sống mang nhiều ý nghĩa trong cuộc đời.

Anh Ngọc

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news