Tin mới

Cú sốc chính trường cảnh báo quan chức TQ: Bất trung với ông Tập sẽ "đánh mất cuộc đời"

Thứ hai, 02/10/2017, 14:17 (GMT+7)

Tờ Thời báo Hoàn Cầu ngày 30/9 đăng bài xã luận với tiêu đề "Những bài học cần rút ra từ vụ 'ngã ngựa' của Tôn Chính Tài", nêu ra những cảnh báo về siết chặt kỷ luật.

Tờ Thời báo Hoàn Cầu ngày 30/9 đăng bài xã luận với tiêu đề "Những bài học cần rút ra từ vụ 'ngã ngựa' của Tôn Chính Tài", nêu ra những cảnh báo về siết chặt kỷ luật.

Hãng Tân Hoa Xã hôm 29/9 dẫn kết quả cuộc họp của Bộ chính trị Trung Quốc, cựu Bí thư thành ủy Trùng Khánh Tôn Chính Tài bị khai trừ khỏi đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và cách các chức vụ trong chính phủ do "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng", cụm từ để chỉ hành vi tham nhũng.

Ông Tập Cận Bình (trái) và ông Tôn Chính Tài tại kỳ họp Quốc hội Trung Quốc ở Bắc Kinh, tháng 3/2013.

 

Chi tiết về các sai phạm của ông Tôn được hé lộ trong báo cáo thông qua ở hội nghị nêu trên.

Theo đó, Tôn Chính Tài "không có dấu hiệu hối cải hay sửa đổi từ khi Trung Quốc phát động chiến dịch chống tham nhũng quyết liệt sau Đại hội toàn quốc khóa 18 của ĐCSTQ vào năm 2012".

Các cuộc điều tra phát hiện ông này "phản bội các nguyên tắc của đảng, đánh mất lập trường chính trị, phớt lờ các quy định về hành vi đối với đảng viên, lợi dụng quyền lực và tầm ảnh hưởng để giúp kẻ khác trục lợi và thu về tiền/quà tặng số lượng lớn".

Cựu Bí thư Trùng Khánh còn bị cáo buộc quan liêu, tắc trách trong công việc và sa đọa, dùng quyền lực trao đổi tình dục trong đời tư.

Thời báo Hoàn Cầu cho hay, từng là một quan chức trẻ giàu triển vọng, Tôn Chính Tài để lại ấn tượng mạnh trong dư luận Trung Quốc bởi quá trình thăng tiến hết sức thuận buồm xuôi gió. Vì vậy vụ "ngã ngựa" của ông là một cú sốc trong chính trường cũng quần chúng xã hội Trung Quốc.

Trong quá trình chống tham nhũng, Bắc Kinh nhiều lần nhấn mạnh các quan chức, đảng viên phải trung thành và tuyệt đối tuân thủ kỷ luật đảng cùng luật pháp quốc gia. Các quan chức "phải toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân và giữ tác phong tốt về hành vi, đạo đức". Nếu không, cho dù còn trẻ và có tương lai hứa hẹn, họ có thể sẽ đi đến "kết cục bi kịch".

"Đó là những bài học mà mọi người cần rút ra từ vụ 'ngã ngựa' của Tôn Chính Tài," Hoàn Cầu nêu trong bài xã luận đăng tải vài giờ sau quyết định khai trừ đảng đối với ông Tôn.

Tôn Chính Tài là Ủy viên Bộ chính trị đầu tiên trong Ủy ban trung ương ĐCSTQ khóa 18 bị xử lý.

Chủ tịch Tập Cận Bình phát động chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" ngay sau khi lên nắm quyền, với thông điệp mọi cá nhân đều bình đẳng trước kỷ luật đảng và luật pháp. Bất cứ ai "tự cho mình là có quyền ưu tiên" sẽ phải trả giá đắt.

Thời báo Hoàn Cầu cảnh báo, "bất cứ ai không muốn đánh mất cuộc đời của mình thì cần giữ vững phương châm sống với '4 nhận thức về tư tưởng, toàn cục, hạt nhân lãnh đạo Tập Cận Bình và các giới hạn'".

Trường hợp của Tôn Chính Tài đã được đưa ra dư luận Trung Quốc như một lời cảnh báo và bài học về lộ trình thúc đẩy xã hội pháp trị, một trong "4 điều toàn diện" mà ông Tập đã đưa ra chủ trương.

Từ đầu tháng 8, khoảng gần 1 tháng sau khi ông Tôn bị xử lý, lãnh đạo nhiều tỉnh thành, khu tự trị trên khắp Trung Quốc đồng loạt nhấn mạnh tầm quan trọng của "hạt nhân lãnh đạo" Tập Cận Bình trong quá trình chuẩn bị cho Đại hội khóa 19 của ĐCSTQ, dự kiến tổ chức từ 18/10 tới.

Bí thư thành ủy Bắc Kinh, ông Thái Kỳ phát biểu ngày 3/8 rằng "trọng tâm chính trị quan trọng nhất và kỷ luật chính trị tiên quyết là phải kiên quyết ủng hộ hạt nhân lãnh đạo Tập Cận Bình". Ông tuyên bố điều này "liên quan đến vận mệnh của ĐCSTQ và đất nước, và lợi ích cơ bản của người dân thuộc tất cả các dân tộc ở Trung Quốc".

Ông Thái thúc giục các đảng viên Trung Quốc "phục tùng, yêu kính và noi gương hạt nhân lãnh đạo, cũng như bảo vệ và tập trung đoàn kết xung quanh ban lãnh đạo của Ủy ban trung ương đảng do đồng chí Tập Cận Bình làm hạt nhân".

Lãnh đạo các địa phương khác như An Huy, Nội Mông, Thiên Tân... cũng lần lượt bày tỏ lòng trung thành với với ông Tập - tờ Hoàn Cầu cho biết.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news