Rằm tháng 8 hay Tết Trung Thu được xem là ngày lễ lớn trong văn hoá truyền thống của người Việt. Tết Trung thu không chỉ là ngày lễ dành cho trẻ em mà còn là dịp để các thành viên trong gia đình cùng nhau sum họp, quây quần và chuẩn bị các mâm cỗ cúng để dâng lên gia tiên bày tỏ lòng thành kính của mình.
Vào ngày rằm Trung Thu, sau khi tiến hành lễ cúng thì các gia đình sẽ có truyền thống cùng nhau quây quần trông trăng và phá cỗ. Chính vì thế, họ thường tổ chức cúng rằm Trung Thu đúng ngày vào ngày 15.
Thời gian cúng thường là buổi chiều 15 Âm và thường lễ cúng sẽ xong trước 6 - 7 giờ tối. Nếu cúng buối sáng 15 Âm thì cúng trước 9 - 10 giờ sáng. Tuy nhiên, do nhiều gia đình bận rộn thì cũng có thể cúng từ ngày 14 tháng 8 Âm lịch cũng được.
Về vị trí cùng Rằm Trung thu thì không cần phải cầu kỳ như Rằm tháng 7. Theo thông lệ, cúng rằm hàng tháng sẽ cúng tại khu vực trước bàn thờ tổ tiên và bàn thờ thần linh. Đặt mâm cúng và các vật cúng ở dưới bàn thờ.
Đối với mâm lễ cúng Rằm tháng 8 cũng được nhiều gia đình quan tâm. Thông thường, ngoài vật phẩm truyền thống như hương, hoa, đèn, nến, xôi, gà, gạo muối, mâm cúng còn cần có là các loại bánh Trung thu (bánh dẻo, bánh nướng), có thể dâng cả bánh cốm.
Bên cạnh đó, mâm cỗ cúng cũng không thể thiếu các loại đèn đặc trưng để trang trí cho bắt mắt như đèn ông sao, đèn cù, đèn con thỏ… được thắp nến tỏa ánh sáng lung linh.
Tuy nhiên, mâm cúng cỗ trung thu còn tùy thuộc vào điều kiện của mỗi gia đình cũng như phong tục truyền thống của từng địa phương mang về nét văn hóa riêng.
Theo phong tục dân gian, ngày Tết Trung thu, các nhà thường treo đèn lồng, rước đèn ngắm trăng, múa lân đốt pháo… Ngoài ra, mọi nhà phải cúng rằm với mâm cỗ đầy đủ để cầu mong được Bình An, các thành viên trong gia đình luôn khỏe mạnh và gặp nhiều may mắn, tài lộc.