"Chấp nhận nó là một cái tín ngưỡng, nghi lễ đầu năm, cầu mong việc tốt thì dừng ở đó cũng được nhưng đẩy quá nó lên thì câu chuyện lại dừng ở mức độ khác. Nó trở thành lạm dụng lòng tin của người ta để làm tiền. Và nhiều người cũng mê muội để mất tiền" - TS Nguyễn Văn Vịnh đưa quan điểm.
Những ngày đầu năm, người dân thường đến các đền chùa làm lễ dâng sao giải hạn. Dân gian tin rằng hàng năm mỗi người có một ngôi sao chiếu mệnh, tất cả có 9 ngôi sao, cứ 9 năm lại luân phiên xuất hiện trở lại.
Trong 9 ngôi sao thì có sao tốt, sao xấu, năm nào sao xấu chiếu mệnh con người sẽ gặp phải vận hạn là những chuyện không may, ốm đau, bệnh tật... Để giảm nhẹ vận hạn, người xưa thường làm lễ cúng dâng sao giải hạn vào ngày đầu năm.
Nói về tục dâng sao giải hạn đầu năm, TS Nguyễn Văn Vịnh - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội và phát triển, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ giáo dục đưa quan điểm: “Thực tế, việc dâng sao giải hạn không phổ biến ở nhiều nước, ở nơi phát sinh ra đạo giáo như Trung Quốc người ta cũng chỉ dâng sao trong những trường hợp rất đặc biệt chứ không phổ biến như ở Việt Nam”.
Hàng nghìn người dân ngồi chen chúc nhau dưới lòng đường trên đường Tây Sơn trước Tổ đình Phúc Khánh (Ảnh Dân Việt).
Lý giải về "sức hút" của tục dâng sao giải hạn ở Việt Nam, TS Vịnh cho rằng: “Hiện nay, các nơi dâng sao giải hạn chủ yếu ở trong chùa. Về bản chất thì nhà chùa với Phật giáo có cái tục này, nhưng đây là ở thời kì du nhập, thời tam giáo đồng nguyên. Hai nữa, người ta thấy tục này có thể thu hút được nhiều người, nhiều người tin theo nên nhà Phật mở rộng.”
TS Nguyễn Văn Vịnh cho hay, về mặt khoa học Á Đông, theo hệ thống lí thuyết vũ trụ thì bản chất 9 sao người ta dâng như La Hầu, Thổ Tú… thực tế được quy về ngũ hành của tuổi, năm của người sinh. Trong vận động ngũ hành, chu trình vận động một năm của một tuổi nào đấy cũng gặp những thuận lợi – khó khăn, tính theo quy luật là hết sức bình thường.
Theo đó, những người gặp năm xung khắc là xấu. Và theo nguyên tắc thì năm đó họ không nên làm những việc quan trọng hay đưa ra những quyết định quan trọng. Chính vì thế, người ta chỉ cần tránh nó đi. Nhưng không có nghĩa là, xử lý bằng cách dâng sao giải hạn thì việc xấu thành việc tốt hay việc xấu thì xóa được… việc tốt nó đến.
"Chuyện đó chẳng có cơ sở nào cả, nó chỉ là một tín ngưỡng và tín ngưỡng đó được chấp nhận, ghi nhận như một cái lòng tin, ai thích thì làm" - TS Vịnh nói.
Ông giải thích, trong chuyện này người ta xét tất cả các loại tuổi của người (gồm 9 loại), nếu chỉ phân loại như thế thì lượng sao xấu rất nhiều và lượng tốt cũng rất nhiều. Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa là, tất cả người xấu đều gặp điều gì đó không tốt, phải đi dâng sao giải hạn. Và những người đi dâng sao giải hạn cũng chưa chắc là họ đã ổn.
"Chấp nhận nó là một cái tín ngưỡng, nghi lễ đầu năm, cầu mong việc tốt thì dừng ở đó cũng được nhưng đẩy quá nó lên thì câu chuyện lại dừng ở mức độ khác. Nó trở thành lạm dụng lòng tin của người ta để làm tiền. Và nhiều người cũng mê muội để mất tiền" - TS Vịnh nói.
Theo ông, khi lòng tin đó thái quá, không có cơ sở nào thì thành mê tín. "Lòng tham cộng với sự mê tín và không hiểu biết dẫn đến người ta đua nhau đi dâng sao giải hạn. Thậm chí họ còn nghĩ rằng, chùa nào lấy càng đắt thì càng tốt".
Ngoài việc gây ra nhiều hệ quả như đi lại mất thời gian, ùn tắc giao thông, chen lấn... TS Vịnh cũng bày tỏ rõ quan điểm không ủng hộ tín ngưỡng này, bởi theo ông, thực tế tập tục này không có tính phổ biến.
Ông nói: “Nhiều người dâng sao giải hạn với lòng thành kính, sau đó con người cũng bớt hung hăng, bớt thế này thế kia nhưng rõ ràng cũng chỉ là cơ hội cho những người trục lợi trong chuyện này”.
Mộc Miên