Sự thật lịch sử đã cho thấy, bên trong con người nhà chính trị và quân sự kiệt xuất Tào Tháo lại có rất nhiều góc khuất, nhiều mặt tính cách, trong chuyện tình cảm cũng thế.
Từ xưa đến nay, nhắc đến Tào Tháo là người ta nghĩ đến người đàn ông gian hùng, ngang tàn và đôi khi độc ác nhưng sự thật lịch sử đã cho thấy, bên trong con người nhà chính trị và quân sự kiệt xuất ấy lại có rất nhiều góc khuất, nhiều mặt tính cách và nhất là trong chuyện tình cảm .
Cung tần, mỹ nữ nhiều đếm không xuể nhưng vẫn cúi đầu vì một người phụ nữ mình yêu
Đinh phu nhân là chính thất của Tào Tháo - người đàn ông đặt cơ sở hình thành Tào Ngụy thời Tam Quốc.
Đến nay, những tư liệu lịch sử còn lưu lại thì không rõ Đinh phu nhân tên thật là gì và quê quán ở đâu nhưng bà là người vợ mà Tào Tháo nặng tình nhất.
Suốt quãng thời gian chung sống, bà không sinh được cho Tào Tháo mụn con nào. Bấy giờ có tì nữ hầu cận bên cạnh bà tên Lưu thị có gian díu với Tào Tháo và sinh được 2 người con trai và một cô con gái.
Thay vì hãm hại hay cay nghiệt như những vị chính thất phu nhân khác thì Đinh phu nhân lại nhận nuôi Tào Ngang - một trong những đứa con của tình địch.
Năm Kiến An thứ 2, Tào Ngang tử trận trong lúc Tào Tháo chinh phạt, Đinh phu nhân đau đến cùng cực và cho rằng chính tướng công của mình là người gây ra cái chết của con trai nuôi.
Đang từ người vợ hết lòng vì chồng, Đinh phu nhân gần như oán hận Tào Tháo. Thế cũng đủ biết bà dành nhiều tình yêu thương cho con nuôi đến nhường nào.
Một Tào Tháo oai phong lẫm liệt, nói một tiếng thét ra lửa khiến ai cũng phải nể sợ mà nay lại phải chịu sự trách mắng từ một người đàn bà.
Thấy vợ luôn căm giận mình thì Tào Tháo nhất thời không chịu nổi thẳng tay đuổi bà về quê mặc dù ông rất nặng lòng yêu thương người vợ ấy.
Tạo hình Tào Tháo trên phim ảnh
Trong cuốn "Trang điểm Tam Quốc" của tác giả Nguyễn Khanh đã phần nào làm rõ những mối tình của anh hùng thời Tam Quốc trong đó có Tào Tháo. Tô Đông Pha đã từng nhắc đến người đàn ông phong lưu đa tình rằng: "Khi chết mới lộ chân tướng".
Nhưng "chân tướng" ở đây không phải bí mật nào xấu xa mà chính là con người trong sâu thẳm Tào Tháo đến phút lâm chung mới thể hiện hết.
Kẻ gian hùng khi ấy bỗng trở nên nặng tình, nặng nghĩa. Và điều khiến Tào tướng quân yếu mềm chính là người vợ Đinh phu nhân.
Tào Tháo có lẽ vì phút nóng giận mà thị uy để "dằn mặt" vợ mình, nghĩ là người phụ nữ ấy sẽ ân hận mà xin xỏ được trở về nhưng ai ngờ ông đã lầm.
Đinh phu nhân về quê nhà thì an bần lạc đạo, tĩnh tâm tận hưởng cuộc sống yên bình và cần cù dệt vải. Mặc dù Tào Tháo có nhiều lần sai người đến đón nhưng đều bị Đinh phu nhân thẳng thắn cự tuyệt.
Một người đàn ông quyền lực như Tào Tháo thì không thể khuất phục trước bất cứ đối tượng nào, chứ đừng nói đến phụ nữ.
Thế nên ông đích thân đánh xe về quê nhà đón vợ. Trong khi người nhà Đinh phu nhân tiếp đón long trọng thì bà vẫn một mực lạnh lùng dệt vải trong phòng.
Chắc hẳn qua quá trình chung sống bà cũng phần nào không bằng lòng với sự độc đoán của Tào Tháo, thêm vào đó là bản tính tự tôn, cao ngạo khiến bà không thể mở lòng.
Khác hẳn với vẻ oai phong, lẫm liệt của nhà chính trị kiệt xuất, khác hẳn với một Tào Tháo phong lưu, đa tình, muốn chiếm cả vợ người khác làm thê thiếp của mình, đứng trước mặt Đinh phu nhân - người phụ nữ mà ông yêu kính Tháo lại mềm yếu lạ.
Có lẽ chỉ cần bà bằng lòng quay trở lại thì Tào Tháo có thể trả mọi giá.
Tào Tháo khi ấy vứt bỏ lòng tự tôn mà nói với Đinh phu nhân: "Chúng ta cùng quay về, được không?". Người đàn bà mạnh mẽ đáp lại vẻn vẹn 4 chữ: "Hữu cầu, vô ứng", bà vẫn tiếp tục dệt vải.
Trước sự cứng rắn của vợ, Tào Tháo liên tục truy vấn, ông vẫn đặt nặng vấn đề tình nghĩa năm xưa nhưng tất cả đều vô ích. Ông đành lòng quay về và ôm nỗi hận chính bản thân đã gây nên sai lầm này.
Vì còn yêu nên còn thương còn nghĩ. Ngay khi về đến dinh phủ, Tào Tháo sai người truyền tới nhà họ Đinh rằng bản thân đã không thể tiếp tục mang lại hạnh phúc, níu giữ được trái tim Đinh phu nhân nên cam tâm tình nguyện để nàng cải giá.
Sự thỏa thuận ấy chẳng khác nào dấu chấm hết cho mối lương duyên, cho tình nghĩa vợ chồng bao năm gây dựng.
Dù nặng lòng là thế nhưng Tào Tháo vẫn quyết định lập lại chính thất. Riêng Đinh phu nhân thì chọn cho mình cuộc sống lặng lẽ một mình đến cuối đời. Khi bà mắc bệnh rồi ra đi, Tào Tháo vẫn không thể giấu nỗi xót thương.
Ảnh minh họa.
Nhìn một cách khách quan thì có lẽ nỗi hận con trai chết chỉ là một phần nhỏ, người ta cho rằng: Đinh phu nhân vốn dĩ đã không chấp nhận thói trăng hoa, bạc tình của chồng mình.
Dù ông có đối xử tốt với bà đến mấy nhưng hằng ngày mắt thấy tai nghe những hành động ngang trái của Tào thì bà vẫn không thể không nghĩ ngợi.
Và có thể chính sự cương trực, dám lớn giọng nói chuyện đạo lý với chồng nên Tào Tháo có phần nể trọng và thấy được sự khác biệt của Đinh phu nhân.
Đến tận lúc nhắm mắt xuôi tay, Tào Tháo vẫn trăn trở một nỗi day dứt.
Ông không ngần ngại nói lên nỗi niềm chôn chặt bao lâu: "Ngẫm lại trong suốt đời ta, người khiến ta không nỡ rời xa chính là Đinh phu nhân. Ta đối với nàng không hề phụ bạc, chỉ là làm điều sai khiến mọi thứ chẳng thể như xưa...".
Sự thật là dù thê thiếp hàng đàn, tung hoành ngang dọc, bao người nể phục nhưng Tào Tháo lại thua cuộc trong "cuộc chiến" tình yêu âm ỉ giữa ông và người vợ đầu tiên.
Cuối cùng thì Tào Tháo vẫn nhận ra sai lầm của mình nhưng ông chẳng thể nào sửa chữa được nữa.
Mặc dù cả đời thê thiếp nhiều không nhớ nổi nhưng đúng là người đàn ông uy quyền như Tào Tháo cũng có lúc phải yếu mềm trước bóng hồng mà mình yêu thương thật sự.
Thế mới hiểu, chẳng cần biết bên cạnh mình có bao nhiêu giai nhân, mỹ nữ, chỉ cần đến cuối đời được ở bên người mình yêu thương là đủ rồi. Tiếc thay, người nắm trong tay cả thiên hạ như Tào Tháo lại không có được niềm hạnh phúc ấy.
(Tổng hợp)