Sau khi đạt được thỏa thuận mua bán tàu sân bay Liêu Ninh, Xu Zengping gặp phải thách thức mới: đưa nó trở về quê nhà.
Xu Zengping, một doanh nhân người Hong Kong đã mua lại một tàu sân bay còn đang dang dở do Liên Xô đóng từ Ukraine với giá 20 triệu USD. Ông đã tự bỏ tiền túi ra để mua con tàu mà không có hỗ trợ từ phía Bắc Kinh.
Sau vài ngày đàm phán, 30/4/1999, thỏa thuận cuối cùng cũng hoàn thành, con tàu khổng lồ thuộc về Xu, giờ ông chỉ cần đưa nó trở về Trung Quốc.
Xu Zhenping cùng tàu sân bay Liêu Ninh
Trở về nhà
Nhà máy đóng tàu Ukraine không có trách nhiệm phải đưa con tàu từ Biển Đen tới Trung Quốc. Vấn đề mà Xu gặp phải là đưa tàu qua Đại Tây Dương để tới Đại Liên, Liêu Ninh.
Nhóm của Xu đã cộng tác với Nhà thầu Vận tải Quốc tế (ITC) của Hà Lan để đưa con tàu đi bằng mọi cách. Và vào ngày 14/6/1999, sau 4 tháng chuyển giao, thủy thủ đoàn và chiếc tàu kéo Sable Cape của ITC đã nhổ neo. Chuyến hành trình thuận buồm xuôi gió khi tới eo biển Bosphorus, biên giới trên biển của Thổ Nhĩ Kỳ giữa phương Đông và phương Tây.
Quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ trở nên xấu đi vài tuần trước khi Xu rời cảng. Vào ngày 7/5, Mỹ đã ném bom đại sứ quán Trung Quốc tại Belgrade khi NATO không chiến Nam Tư, thổi bùng lên các cuộc biểu tình chống Mỹ tại Trung Quốc.
Trong bối cảnh ấy, Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh của Mỹ đã không cho phép con tàu được đi qua eo biển. Thủy thủ đoàn chờ trong 1 tháng nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn giữ nguyên quyết định, buộc con tàu phải quay trở lại Ukraine.
“Tôi cảm thấy bất lực khi con tàu phải chờ 1 tháng ở eo biển Bosphorus. Có lúc, tôi đã chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất: chúng tôi thà để con tàu khổng lồ này chìm xuống đáy eo biển còn hơn là để nó rơi vào tay kẻ thù của Bắc Kinh, như Nhật Bản”, Xu nói.
Con tàu mòn mỏi chờ đợi tại cảng Biển Đen thêm 15 tháng trước khi thủy triều dâng ủng hộ Xu. Tại Bắc Kinh, sau nhiều năm phản đối, lãnh đạo cũng bắt đầu nghĩ lại về dự án này. Vấn đề quốc phòng được đưa trở lại bàn nghị sự sau vụ đánh bom đại sứ quán và việc có một tàu sân bay để đối phó với Mỹ là cần kíp hơn cả.
Vào tháng 4/2000, chủ tịch khi ấy là Giang Trạch Dân đã tới thăm Ankara. Ông hứa sẽ khuyến khích du khách Trung Quốc tới thăm Thổ Nhĩ Kỳ và mở cửa thị trường cho hàng hóa nước này.Ngày 25/8/2001, Thổ Nhĩ Kỳ quyết định cho phép tàu sân bay đi qua Địa Trung Hải.
Con tàu lại hướng ra Biển Đen lần nữa. Các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng cửa eo biển vào ngày 1/11 để cho con tàu cùng với đội tàu hộ tống gồm 11 tàu kéo và 15 tàu khẩn cấp đi qua.
Nhưng các cơn bão đã làm đứt cáp nối giữa con tàu và các tàu kéo khiến dự án lại gặp nguy hiểm lần nữa. Có lúc, con tàu đã bị trôi dạt trong 4 ngày liền tại Aegean, gần đảo Skyros trước khi các tàu kéo có thể kiềm nó lại.
Trong những tháng còn lại của năm, con tàu cùng một loạt tàu kéo nhích dần qua Địa Trung Hải, qua eo biển Gibraltar và ra Đại Tây Dương. Nó đi vòng quanh mũi Hảo Vọng của châu Phi, vượt qua eo biển Malacca vào ngày 3/3/2002 và được 5 tàu kéo vào Đại Liên.
Xu nói rằng điều đó trông như nhìn thấy “đứa con trai thất lạc tìm đường về nhà”.
“Nhưng tôi không cảm thấy thực sự nhẹ nhõm cho tới khi nó chính thức được lực lượng hải quân của chúng tôi ủy quyền 12 năm sau đó. Cảm giác như cuối cùng được chứng kiến đứa con của mình trưởng thành và kết hôn”.
Hành trình đưa con tàu trở về Trung Quốc
Ngọt ngào và đắng cay
Xu cảm thấy hài lòng nhưng ngọt ngào lại có cả đắng cay bởi ông bị bỏ lại với tấm hóa đơn cầu cảng và chi phí kéo tàu.
“20 triệu USD chỉ là giá bán của tàu sân bay. Trong thực tế, tôi còn phải trả ít nhất 120 triệu USD cho thương vụ này kể từ năm 1996 đến năm 1999. Nhưng tôi vẫn chưa nhận được một đồng nào từ chính phủ. Tôi vừa bàn giao nó cho hải quân”.
Để có tiền, Xu đã phải bán căn nhà nguy nga của mình ở The Peak, số 37 đường Deep Water Bay vào năm 1999 và mang cầm cố mảnh đất rộng hơn 26.000 mét vuông tại Peng Chau.
Một nguồn tin thân cận với thương vụ này cho biết Xu đã gánh chi phí con tàu bởi nhiều người trong số các quan chức hải quân đã tiếp cận ông vì nhiệm vụ này đều đã chết hoặc bị bỏ tù. “Ji Shengde, cựu giám đốc tình báo hải quân đã bị treo cổ vào năm 2000 do dính líu đến vụ bê bối buôn lậu ở Phúc Kiến”.
Dính vào vòng lao lý
Do chậm chễ và các chi phí đi kèm, Xu đã phải thanh lý nhiều tài sản cá nhân của mình. Ông cũng đã phải từ bỏ việc kinh doanh riêng của mình.
Ông đã phải vay mượn từ những người quen biết ở Hong Kong, mượn 230 triệu đô la Hong Kong từ một người bạn.
“Tôi đã dành 18 năm để trả hết nợ, cả gốc lẫn lãi đều được trả hết trong năm nay. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm bởi người bạn của mình nay đã 81 tuổi và tôi tự hứa với bản thân sẽ trở hết nợ cho ông ấy khi ông còn sống”.
Xu bị mắc kẹt trong một số vụ kiện do nợ nần. “Điều này giống như tôi có tận 3 trung đoàn trước thương vụ, nhưng giờ tôi chỉ còn lại cái phòng ăn thôi”, Xu nói.
Xu Zhenping đã gặp phải vô vàn khó khăn khi thực hiện thương vụ mua tàu sân bay Liêu Ninh
Theo cuốn China’s Carrier do China Development Press ấn hành, Xu đã giao kèo với Hội đồng Nhà nước trong nhiều năm về việc bồi thường nhưng Bắc Kinh chỉ trả 20 triệu USD giá đấu thầu, nhấn mạnh việc Xu có thể được bồi thường các chi phí khác nếu ông trình ra được hóa đơn.
“Điều này thật vô lý và bất công. Làm thế nào mà phía Ukraine có thể cung cấp biên lai cho các bữa ăn, quà tặng và hàng đống hóa đơn đô la Mỹ? Rồi còn những thiệt hại trong việc huy động tiền sẽ giải quyết thế nào?”, một nguồn tin thân cận với thương vụ này nói. Trong số này phải nói đến một tài liệu trị giá 6 triệu đô la Hong Kong trả cho chính quyền Ma Cao để tạo ra câu chuyện về sòng bạc nổi khi mua tàu.
Một người bạn của Xu cho biết các hóa đơn mua tàu đã đẩy Xu vào khó khăn tài chính trầm trọng. “Trong nhiều năm, ông ấy phải dựa vào sự hỗ trợ tài chính từ bạn bè. Ông ấy thậm chí còn không thể đóng tiền học cho 2 con trai ở nước ngoài. May mắn thay, cả 2 cậu bé đều dành được học bổng từ trường bên Mỹ nhờ chơi bóng rổ giỏi”.
Xu cho biết chính phủ trung ương đã từ chối trả tiền cho ông vì “hải quân không có ngân sách vào cuối những năm 1990 do nền kinh tế nghèo nàn của Trung Quốc thời điểm đó”.
“Nhưng đó không phải là lý do chính đáng. Sao chính phủ Trung Quốc vẫn khởi động “2 quả bom và 1 chiến dịch vệ tinh” vào những năm 1960? Đó là khoảng thời gian khó khăn nhất của đất nước, nhiều người chết đói”, Xu nói
“Trung Quốc đã có những bước tiến kinh tế to lớn trong 2 thập kỷ qua nhưng chính phủ vẫn không sử dụng được thế mạnh ấy để thúc đẩy đất nước hướng tới phát triển bền vững, trong đó ngành công nghiệp quốc phòng là một trong những vấn đề quan trọng”.
Nhưng thương vụ mua tàu Liêu Ninh cũng mang lại cho Xu sự an ủi. “Một số chuyên gia hải quân nói với tôi rằng thương vụ này đã giúp đất nước tiết kiệm ít nhất 15 năm nghiên cứu khoa học. Tôi đã không nản lòng và ý chí của tôi đã giúp tôi hoàn thành sứ mệnh. Cuối cùng, nó gián tiếp đẩy chính phủ trung ương tới việc thay đổi Chính sách quốc phòng”.
Bảo Linh (tin tức SCMP)