Khi siêu bão Haiyan đổ bộ vào Philippines 1 năm trước, nước biển ngập tràn thành phố Tacloban, một người đàn ông bám lấy mảnh gỗ và trôi đến một cái cây, nơi có cậu bé đang trú ẩn. Anh đã nỗ lực để cứu cậu bé cũng như cứu lấy chính mình.
Trung tá Fermin Carangan và cậu bé Miguel đã có cuộc vật lộn giành sinh mạng với siêu bão Haiyan
Trung tá Fermin Carangan thuộc Không quân Philippines biết rằng có một cơn bão đang tới và đi gọi binh lính của mình dậy sớm để đảm bảo cho các thiết bị tại sân bay Tacloban. Chẳng bao lâu sau cuồng phong ập đến, họ phải rút vào trong nhà. Nhưng sau đó, nước bắt đầu lênh láng tràn vào tòa nhà sân bay – và khi nó dâng lên đến thắt lưng một cách nhanh chóng, họ biết rằng có điều gì kinh hoàng đang xảy ra.
“Chúng tôi có thể nghe thấy tiếng mái nhà bị gió xé nát. Chúng tôi chỉ có thể đứng nhìn nhau…”, Carangan nói.
Sau đó, Carangan yêu cầu quân lính đục lỗ xuyên qua trần nhà và leo lên mái. “Tôi nói với quân lính của mình hãy giữ lấy bất kỳ những mảnh thiết bị có thể giúp họ nổi lên. Sau đó bất ngờ bức tường của tòa nhà đổ sập. Từng người từng người một, quân của tôi bắt đầu ngã xuống”.
Carangan bám lấy một giàn gỗ lớn dùng để đỡ mái nhà. “Tôi nắm lấy thanh gỗ và bất ngờ nó bị tách ra khiến tôi bắt đầu bị trôi đi”, anh nói. “Tôi đã rất lo sợ cho sinh mạng của mình”.
Anh bị cuốn đi qua những tòa nhà quen thuộc và những ngôi nhà ở đằng sau sân bay và cuối cùng đâm sầm vào một cây dừa.
“Khi tôi nhìn lên, tôi thấy một cậu bé đang bám trên cây”. Carangan nói. Anh sợ rằng nước sẽ dâng lên nhanh chóng và cuốn cậu bé đi. Anh nói cậu bé trèo xuống và bám vào thanh gỗ cùng mình.
“Ban đầu, cậu bé nắm lấy cổ tôi như người chết đuối nhưng tôi có thể gỡ tay cậu ấy ra khỏi cổ mình và đảm bảo cậu bám vào cái giàn gỗ hình tam giác. Tôi bảo cậu bé đừng tiến lại gần tôi thì cả 2 chúng tôi mới có cơ hội sống sót”, Carangan nói.
Nhờ vậy mà chiếc bè tạm thời của họ được cân bằng. “Cậu bé nằm úp mặt ở cạnh huyền của hình tam giác còn tôi thì cố để nhấn cạnh mà mình đang nắm xuống cho cậu ấy nổi lên khỏi nước và có thể thở”.
Tòa nhà sân bay Tacloban bị tàn phá nặng nề sau cơn bão
Từng người họ đã trải qua 6 giờ vật lộn, bị quăng quật giữa sóng dữ.
“Khi chúng tôi dạt về đất liền, mặt nước giống như bên trong một chiếc máy giặt. Chúng tôi đã nhào lộn: lúc thì tôi ở trên mảnh gỗ, lúc thì ở dưới”, Carangan nói. “Ở ngoài biển thì bình lặng hơn mặc dù sóng vẫn còn rất cao”.
Họ không biết mình đang đi đâu, đang hướng tới đây hay đã đi trong bao lâu rồi.
Carangan nghĩ về 3 cậu con trai ở Manila của mình khi anh nhìn tới cậu bé trước mặt. Toàn bộ khoảng thời gian ấy, anh nắm chặt giàn gỗ đến nỗi tay trái bị bầm tím. “Suy nghĩ của tôi khi ấy là không bao giờ được bỏ giàn gỗ ra dù có thế nào”, anh nói.
Thỉnh thoảng, khi mắt anh sưng phòng vì nước biển khiến anh không thể nhìn rõ ràng mà chỉ nghe thấy tiếng nức nở liên tục của cậu bé dần dịu lại. “Tiếng khóc của cậu bé khiến tôi biết là cậu ấy còn ở bên mình. Tôi đã cố gắng để an ủi nó, nói rằng mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi. Bất cứ khi nào sóng mạnh hoặc sóng ập qua người chúng tôi, tôi đều nói với nó rằng hãy nắm chặt và đừng bao giờ buông tay”.
Khi cậu bé bắt đầu có dấu hiệu hạ thân nhiệt, Carangan cố để làm nó tỉnh táo. “Tôi thực sự đã mắng nó. Tôi hét vào mặt cậu ta để cậu không thể ngủ được”. Tôi cố lôi kéo để nói chuyện với nó. Tên thằng bé là Miguel Rulona. Cậu bé đến từ Manila mặc dù giọng nói thì đặc tiếng địa phương. Mẹ và chị gái cậu bé sống cùng với ông bà tại ngôi làng ở San Jose, gần sân bay.
Những con sóng cao 3 mét đến từ mọi hướng. “May mắn thay, cái kèo gỗ chúng tôi đang nắm đi được trên sóng. Bất cứ khi nào sóng lên, chúng tôi cũng lên và khi nó xuống, chúng tôi xuống theo. Nhưng mỗi khi nó xuống, chúng tôi đã uống rất nhiều nước biển. Thậm chí mưa cũng khiến chúng tôi bị thương bởi vì chúng quá lớn”.
Carangan dành hầu hết thời gian trong nước của mình để cầu nguyện. “Tôi cố gắng cầu nguyện và cầu nguyện. Khoảng 80% thời gian tôi cầu nguyện, nói với Chúa tất cả mọi thứ và cầu xin Người hãy chăm sóc gia đình tôi nếu tôi ra đi”.
Ngay sau những lời cầu nguyện, Carangan đã nhìn thấy hình bóng một ngọn núi. Anh ấy nói với cậu bé là họ sắp tới đất liền rồi.
Carangan bắt đầu bơi, vẫn giữ chặt lấy thanh gỗ cho tới khi họ chạm bờ. Anh ấy nghĩ đó là một khu nghỉ dưỡng nhỏ khi nhìn thấy chỉ có 4 ngôi nhà cao tầng. Ngay sau đó, anh ấy nhận ra đó là một ngôi làng nhỏ và phần còn lại của những ngôi nhà đã bị cơn bão phá hủy.
Họ tiếp đất tại một hòn đảo ở Samar, cách sân bay Tacloban 4km, gần đảo Leyte. Sự có mặt của họ không gây chú ý bởi khu vực bị tàn phá nặng nề, xung quanh rải rác là những mảnh vỡ và xác chết.
“Tôi nhận thấy người dân trong khu vực không quan tâm, họ không để tâm tới tôi. Tôi đã hỏi họ tôi đang ở đâu. Họ nói tôi đang ở San Antonio, Basey, Samar. Tôi đã rất ngạc nhiên”.
Khi người dân biết được Carangan đến từ đâu, họ cũng ngạc nhiên không kém và hỏi làm thế nào mà anh tới được đây.
Những người sống sót xếp hàng để nhận đồ cứu trợ tại sân bay Tacloban
Giờ thì anh tập trung đến việc đưa cậu bé đến nơi an toàn, sau đó trở về đơn vị của mình. “Tôi là một quân nhân vì vậy việc đầu tiên nghĩ tới là đi tìm ai đó có thẩm quyền. May thay, một số người sống trong khu vực này là cảnh sát”.
Carangan rời Miguel với cảnh sát sau khi đảm bảo cậu bé đã có quần áo khô, nước và đồ ăn và được bàn giao cho cơ quan chức năng.
Mặc dù bị một vết rách dài ở chân phải và chân trái bị xưng do vết thương nhiễm nước biển, anh vẫn đi bộ 7km đến đồn cảnh sát tại cầu San Juanico – những con đường đã bị tắc nghẽn do cây và cột điện bị đổ. Khi tới cầu, anh đã thất vọng nhận ra không có cách nào trở lại Tacloban và thậm chí còn không có điện thoại cho anh sử dụng.
“Tôi đã lo lắng vợ tôi sẽ phản ứng như thế nào nếu tôi mất tích”, anh nói. Anh lo không biết có chuyện gì đã xảy ra với binh lính của mình.
Anh ngủ lại trong đồn cảnh sát và hôm sau đi nhờ xe tới doanh trại quân đội ở Catbalogan. Lần đó, anh đã gọi được về cho đơn vị của mình để báo rằng anh vẫn an toàn. Sau đó, anh gọi báo tin cho vợ ở Manila.
Cô ấy vẫn không nhận thức được sự tàn phá của cơn bão ở Tacloban. “Anh đang ở đâu? Em đã cố liên lạc với anh”, vợ anh nói. Carangan cảm thấy nhẹ nhõm. “Suy nghĩ đầu tiên của ôi là: Tuyệt, cô ấy không biết chuyện gì đã xảy ra. Tôi nói với cô ấy: Dù em nghe thấy tin gì thì cũng đừng tin nhé”. Sau đó anh gác máy, không muốn nói thêm gì nữa.
Hai tuần sau, Carangan trở lại Tacloban để giúp cứu trợ. Sân bay đã bị phá hủy nhưng anh cảm thấy có thể thở phảo khi nhận ra hầu hết quân lính của mình đều sống sót.
Một ngày, Miguel đến gặp anh cùng với mẹ và ông ngoại. Một đồng nghiệp sau khi nghe được câu chuyện của Carangan đã giúp đưa cậu bé xuống đoàn tụ với gia đình mặc dù chị gái và bà ngoại cậu vẫn còn mất tích.
Miguel không nói nhiều. Mẹ cậu bé cho biết điều này là bình thường. “Mẹ thằng bé cảm thấy nó bị tổn thương”, Carangan nói. “Đôi khi, nó sẽ giữ im lặng, trông như nó vẫn còn cảm thấy những gì đang diễn ra trong cơn bão”.
Carangan xoa đầu Miguel nhưng nói thằng bé không có chút cảm xúc nào. “Tôi cảm thấy rất vui khi thấy thằng bé đã đoàn tụ với mẹ và ông. Tôi đã rất vui khi giúp được một người”.
Khi mẹ Miguel nói lời cảm ơn, Carangan nói rằng bản thân anh cũng thấy biết ơn Miguel. “Tôi nói với cô ấy rằng tôi mới là người phải cảm ơn cậu bé bởi tôi tin rằng nếu không có cậu ấy, tôi sẽ không làm được điều đó. Để truyền cảm hứng sinh tồn cho cậu bé, tôi cần phải mạnh mẽ. Tôi tin chính cậu bé đã khiến tôi mạnh mẽ hơn để cố nắm lấy sự sống”.
Bảo Linh/Người đưa tin (tin tức BBC)