Tin mới

Cuộc chiến tiêu diệt IS của Mỹ sẽ dai dẳng suốt 30 năm?

Thứ tư, 08/10/2014, 10:09 (GMT+7)

Trong một cuộc phỏng vấn trên USA Today, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh, dù Lầu Năm Góc đã chi hơn 1 tỷ USD để không kích tiêu diệt lực lượng Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Syria nhưng cuộc chiến này có thể kéo dài tới 30 năm.

Trong một cuộc phỏng vấn trên USA Today, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh, dù Lầu Năm Góc đã chi hơn 1 tỷ USD để không kích tiêu diệt lực lượng Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Syria nhưng cuộc chiến này có thể kéo dài tới 30 năm.

Trong buổi phỏng vấn, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã lên tiếng chỉ trích cách thức Tổng thống Barack Obama xử lý cuộc chiến chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, cho rằng đáng ra Mỹ cần duy trì sự hiện diện quân sự ở Iraq sau năm 2011 và trợ giúp quân nổi dậy Syria sớm hơn.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panett cho rằng cuộc chiến chống lại IS có thể kéo dài tới 30 năm

Ông cũng nhận định cuộc chiến chống lại IS sẽ mất một khoảng thời gian khá dài “khoảng 30 năm”, với phạm vi trải rộng trên khắp thế giới - ở Nigeria, Somalia, Libya và nhiều nơi khác…

Những bình luận này của ông Panetta được đưa ra ngay trước khi cuốn tự truyện của ông mang tên “Worthy Fights” (Tạm dịch: Những cuộc chiến đáng giá) ra mắt độc giả. Cuốn "Worthy Fights" được chính thức phát hành ngày hôm nay, 7/10.

Trong cuốn tự truyện này, ông Panetta đã công kích chính quyền Obama liên tiếp phạm phải những sai lầm, không có được quan điểm cứng rắn đúng mức. Điển hình là việc Mỹ không tiến hành đánh Syria hồi năm 2013 và thay vào đó là một thỏa thuận về tiêu hủy vũ khí hóa học. 

“Cuộc chiến 30 năm” mà Mỹ và đồng minh đang thực thi ở Iraq và Syria được cựu BTQP Mỹ nhìn nhận là việc làm “sửa chữa thiệt hại” do việc không mở rộng các cuộc chiến từ nhiều năm trước và để “tuột mất thời cơ”. Ông thuật lại rằng, hồi năm 2012, chính ông cùng với Giám đốc CIA David H. Petraeus và Ngoại trưởng Hillary Clinton đã đồng ý với kế hoạch hỗ trợ vũ khí cho quân nổi dậy Syria ôn hòa, nhưng rồi bị ách lại. Giờ đây, Mỹ đang phải trả một cái giá đắt hơn khi phát động cuộc chiến chống IS.

Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên tiếng phản đối quan điểm của ông Panetta. Không sử dụng thứ ngôn ngữ hiếu chiến thường thấy, ông Biden bình luận rằng Panetta đã “không đúng chút nào” khi công kích ông Obama về bất kì điều gì khi mà nhiệm kỳ Tổng thống đến năm 2016 còn chưa kết thúc. 

Washington đã tiêu tốn hơn 1 tỷ USD vào các cuộc không kích IS tại Iraq và Syria

Theo thông báo mới nhất từ Bộ Chỉ huy Trung tâm quân đội Mỹ, kể từ giữa tháng Sáu, thời điểm tổ chức IS phát động các cuộc tấn công nhằm xâm chiếm lãnh thổ Iraq, Lầu Năm Góc đã chi 1,1 tỷ USD cho cuộc chiến chống lại lực lượng này.  

Cụ thể, Hải quân Mỹ đã chi 62 triệu USD cho 185 đầu đạn bao gồm 47 quả tên lửa hành trình Tomahawk. Thậm chí, số tiền được Không quân Mỹ chi cho đạn dược còn nhiều hơn để thả khoảng 1.000 quả bom thông minh và rocket xuống các địa điểm được xác định là nơi trú ẩn của IS. 

Theo giới chức Mỹ, chiến dịch tấn công IS từ tháng Sáu đã tiêu tốn khoản tiền từ 7 – 10 triệu USD/ngày. Chi phí này còn bị đội thêm khi Mỹ bắt đầu thả bom xuống các vị trí của ISIS tại Iraq hồi đầu tháng Tám và sau đó mở rộng chiến dịch không kích sang Syria hồi tháng Chín. 

Tuy nhiên, cho tới nay, khoản chi tiêu quân sự của Mỹ vốn nhận được nguồn hỗ trợ từ hơn 40 nước đồng minh, vẫn chưa thể ngăn chặn việc IS mở rộng địa bàn hoạt động. 

Điển hình, các tay súng IS đã giành thắng lợi trong cuộc chiến tại thị trấn Kobani của người Kurd tại Syria vào đêm 7/10. Theo đó, 2 lá cờ biểu trưng của IS đã xuất hiện tại khu vực phía đông của thị trấn này, Reuters đưa tin. 

 

Yên Yên (Tổng hợp)

Theo Người đưa tin

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news