14 năm đã trôi qua từ ngày xảy ra vụ scandal chấn động làng trượt băng nghệ thuật Mỹ, Tonya Harding chưa lúc nào từ bỏ ý định thanh minh cho bản thân. Nhân dịp bộ phim “I, Tonya” được đề cử giải Oscar năm nay, hãy cùng nghe người trong cuộc nói gì về sự thật đằng sau tấn bi kịch.
Cuộc đua giữa hai ngôi sao trượt băng nghệ thuật và cái kết không thể kinh hoàng hơn
Tất cả mọi thứ đều bắt nguồn từ năm 1994, thời điểm mà khi đó nước Mỹ sản sinh ra 2 ngôi sao trượt băng nghệ thuật đầy tài năng. Một người như đã đề cập, đó chính là Tonya Harding. Người còn lại có tên Nancy Kerrigan và cả hai là những người đồng đội cùng thi đấu cho đội tuyển trượt băng nghệ thuật của Mỹ. Nếu xét về tài năng thì trong mắt người dân Mỹ, đây luôn là cuộc cạnh tranh và so kè hấp dẫn nhất đầu những năm 1990.
Tuy vậy, mọi thứ đã rẽ sang một hướng khác, tiêu cực hơn rất nhiều. Một sự việc không những để lại nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần cho cả 2 vận động viên, mà còn gây ra một vết nhơ không thể nào xóa bỏ trong lòng những khán giả yêu mến môn thể thao đầy tính nghệ thuật này. Phóng viên Jere Longman của tờ New York Times đã từng gọi đây là "khoảng khắc kinh hoàng nhất, đê hèn nhất và đồng thời cũng đáng xấu hổ nhất trong lịch sử làng trượt băng nghệ thuật của nước Mỹ".
Poster chính thức của bộ phim "I, Tonya"
Vào tháng 1/1994, trong một buổi tập ở thành phố Detroit, bang Michigan nhằm chuẩn bị cho Giải vô địch trượt băng nghệ thuật toàn nước Mỹ, Kerrigan bị một người đàn ông lạ mặt tấn công bằng dùi cui cảnh sát. Cô gục xuống khóc nức nở, liên tục kêu gào "Tại sao? Tại sao lại là tôi?" trong đau đớn.
Kết luận của cơ quan điều tra cuối cùng cũng tìm ra được thủ phạm đứng đằng sau vụ việc, chính là chồng cũ của Tonya Harding, Jeff Gillooly. Động cơ của tên này không gì khác ngoài việc ngăn cản Kerrigan tham gia Olympic Mùa đông năm 1994 ở Na Uy.
Tonya Harding (bên trái) và Nancy Kerrigan trong một buổi tập luyện chuẩn bị trước thềm cho Thế vận hội Mùa Đông năm 1994
Điều may mắn ở chỗ, tuy bị chấn thương, và không thể tham dự được Giải vô địch trượt băng nghệ thuật toàn nước Mỹ để rồi sau đó tuột mất chiếc huy chương vàng vào tay của Tonya, Nancy Kerrigan lại hồi phục nhanh hơn dự kiến và vẫn kịp tham dự Thế vận hội mùa đông trong sự ngỡ ngàng của kẻ chủ mưu. Kết quả, cô xuất sắc giành huy chương bạc nội dung này, trong khi đó Tonya chỉ được xếp ở vị trí thứ 8 chung cuộc.
Sau vụ việc trên, hai vận động viên quyết định giải nghệ và rẽ sang hai hướng đi khác nhau. Tuy không hoàn toàn đóng vai trò trực tiếp gây ra vụ scandal nói trên nhưng cuộc sống của Tonya Harding thực sự đã bị đảo lộn hoàn toàn.
Tonya (bên trái) và Nancy gần như không nhìn mặt nhau khi cùng tham dự Thế vận hội Mùa Đông năm 1994, sau sự việc ở Detroit
Cuộc sống thường nhật của Tonya kể từ sau vụ scandal tai tiếng
Vụ việc không chỉ khiến Gillooly nhúng chàm mà kéo theo đó còn là cả sự nghiệp vô cùng hứa hẹn và đang trên đà thăng tiến của Tonya Harding. Vào ngày 1/2/1994, Gillnoly bị kết án 2 năm tù giam vì tội gian lận thể thao, trong khi các tòng phạm khác, bao gồm cả kẻ thủ ác được Gillooly thuê để ra tay với Nancy Kerrigan, đều chịu chung bản án tương tự.
Riêng về phần Harding, tuy không trực tiếp tham gia hay biết trước âm mưu trên, nhưng do có thái độ bất hợp tác vì không thông báo ngay lập tức tội trạng của Gillnoly và tòng phạm nên cô vẫn bị tòa án tuyên là có tội. Hậu quả là 3 năm tù treo, 500 giờ lao động công ích cùng với khoản tiền nộp phạt lên tới 160 nghìn USD (tương đương 3,6 tỷ đồng). Điều đáng tiếc nhất đó là Tonya chính thức bị cấm thi đấu vĩnh viễn bộ môn trượt băng nghệ thuật ở tất cả các giải đấu trong nước hay quốc tế. Danh hiệu Vô địch Quốc gia năm 1994 của cô cũng vì thế mà bị tước bỏ.
Chân dung Jeff Gillooly (bên phải), chồng cũ của Tonya và đồng thời là kẻ chủ mưu đứng đằng sau âm mưu làm bị thương Nancy Kerrigan
Tonya sau đó quyết định rời bỏ quê hương ở tiểu bang Oregon, nơi cô đã từng là niềm tự hào của mọi người, và chuyển đến Washington sinh sống. Tại đây, cô làm đủ nghề để nuôi gia đình nhỏ của mình, từ việc trở thành thợ sơn tại một công ty gia công cơ khí cho đến nhân viên kinh doanh phần cứng tại hãng Sears.
Đến năm 2002, Tonya bắt đầu bước vào con đường của một tay đấm bốc chuyên nghiệp, sau khi tình cờ làm quen với môn thể thao này tại một buổi trình diễn dành cho các ngôi sao nổi tiếng. Tuy nhiên, sự nghiệp đấm bốc của cô kết thúc khá dang dở, một phần cũng vì bản thân cô cảm thấy không hứng thú với việc đánh đấm. Hiện tại, sau 2 lần ly hôn, Tonya cũng đã có cuộc sống yên ấm bên cạnh người chồng mới hết mực yêu vợ cùng đứa con trai kháu khỉnh.
Ở độ tuổi 47, Tonya đang có một cuộc sống hạnh phúc và vẫn thi thoảng sống lại niềm đam mê một thời của mình.
Cảm xúc của Tonya sau khi bộ phim "I, Tonya" ra mắt công chúng
Bộ phim dựa trên câu chuyện có thật và đoàn làm phim phải mất hàng giờ đồng hồ phỏng vấn người trong cuộc nhằm thể hiện khách quan nhất về những gì đã diễn ra ngoài đời thực. Câu chuyện vì thế được kể dưới góc nhìn của chính nhân vật đóng vai Tonya Harding ngoài đời, và cuộc đời của cô nhờ đó cũng được khán giả đặc biệt chú ý tới. Từ một cô gái bé nhỏ thường chịu những trận đòn roi vô cớ của mẹ cho đến một người phụ nữ bị chồng bạo hành, tất cả đều được khắc họa một cách chân thực nhất có thể.
Đến nay, bộ phim được công chúng đón nhận với một thái độ vô cùng tích cực, thậm chí với màn thể hiện nổi bật trong vai người mẹ ruột của Harding, diễn viên Allison Janney đã được trao tặng giải Quả Cầu Vàng danh giá. Đối với người trong cuộc như Tonya Harding, bản thân cô cảm thấy thích thú với bộ phim này.
"Tuyệt vời", đó là nhận xét đầu tiên của Tonya sau khi tận mắt nhìn thấy cả cuộc đời mình được khắc họa trên màn ảnh. "Mọi người không biết rằng những gì họ xem trên phim thực ra đều có thật. Từng chi tiết một, dù chỉ là nhỏ nhặt nhất. Từ những vết bầm vì những trận đòn của mẹ, rồi cả vết sẹo do phát súng của chồng cũ nữa. Vâng, tôi đã từng suýt bị đạn găm vào người đấy. Tất cả, tất cả, đều là sự thật".
Trong phim, người thủ vai Tonya Harding là nữ diễn viên tài năng Margot Robbie
Tuy vậy, không phải bộ phim không có những khuyết điểm của nó. Tonya, dưới tư cách là người trong cuộc, muốn làm sáng tỏ một vài điều uẩn khúc mà bộ phim đang cố gắng đề cập đến.
Điều đầu tiên, bộ phim cố tình làm sai lệch thú vui thích săn bắn của Tonya, khi ngầm ý cho rằng, chiếc áo lông của cô được làm từ xác những con thỏ mà Tonya bắn hạ. Điều đó hoàn toàn không chính xác. Chiếc áo lông ấy do Tonya mua từ bên ngoài. Nó đơn giản chỉ là loại trang phục yêu thích của cô gái này, và điều trớ trêu là cô phải nhận những lời nhận xét ác ý chỉ vì trót khoác lên mình bộ trang phục ấy.
Điều thứ hai, nhân vật trong phim được tạo hình là người nói tục khá nhiều. Trên thực tế, Tonya thực ra lại là người khá cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói. Cô tâm sự "Hãy tin lời tôi nói, một ngày chưa bao giờ tôi chửi tục đến 120 lần cả. Đôi khi có thể là mình lỡ lời buột miệng nói ra, chẳng hạn như khi có điều gì đó tồi tệ xảy đến, hoặc tôi bị chấn thương chẳng hạn. Trong khi đó, bộ phim biến tôi giống như một cô gái hư đốn, cảm giác hễ cứ 10 giây trôi qua là phải chửi bậy một lần mới chịu được. Đó không phải là con người thật của tôi".
Chẳng hạn như, một cảnh trong phim tái hiện lại lần Tonya chất vấn ban giám khảo vì chấm điểm thấp hơn cô mong đợi, dù rằng bài biểu diễn thể hiện kỹ năng vũ đạo rất tốt. Và thế là nhân vật tiến đến bàn giám khảo trước khi thốt ra những lời lẽ đầy tục tĩu liên quan đến bộ phận nhạy cảm của đàn ông. Chứng kiến cảnh phim ấy, Tonya chỉ còn biết thốt lên: "Nếu là tôi thực sự thì tôi sẽ không bao giờ nói như vậy". "Chuyện đó đơn giản là không đời nào xảy ra được".
"Thực tế, tôi không gặp gỡ giám khảo ngay trên sân băng. Tôi giáp mặt họ ở trong đường hầm phía sau sân thi đấu, họ nhận xét rằng, tôi cần phải chuẩn bị một bộ váy biểu diễn tươm tất hơn. Thế là tôi mất bình tĩnh và quát lại, rằng nếu có 5.000 USD (tương đương gần 114 triệu đồng) để mua váy, tôi đã chẳng phải khâu vá chẳng chịt như thế này. Biến đi cho khuất mắt, đó là những từ cuối cùng mà tôi còn nhớ đã nói với họ", Tonya thuật lại.
Tonya Harding (bên trái) bật khóc bên bàn giám khảo, cố giải thích và xin phép được trượt lại một lần nữa sau sự cố bị tuột dây giày tại Thế vận hội Mùa Đông năm 1994
Tonya đã đợi cả cuộc đời, và đợi cả bộ phim này, để giải thích với thế giới rằng, cô đã phải chịu đựng áp lực từ dư luận lớn đến cỡ nào, lớn đến mức không ai có thể tưởng tượng nổi. Trong khi điều mà người ta quan tâm chỉ là để biết xem, Tonya có dám thừa nhận những gì mình đã làm hay không.
Nói một cách khách quan thì, hành động của Gillooly thực chất không phải nhằm để triệt hạ Nancy Kerrigan, đối thủ tiềm tàng của Tonya trước thềm Thế vận hội Mùa Đông năm 1994. Sâu xa hơn thế, có khả năng nó nhằm để phá hoại sự nghiệp của chính người vợ Tonya tội nghiệp, bằng cách tạo nên một vết nhơ hằn sâu trong tâm trí người yêu thể thao nước này. Bất luận động cơ thực sự là gì đi chăng nữa, hẳn Gillooly cũng đã đạt được mục đích chính của mình.
Dù sao thì, Tonya vẫn yêu thích bộ phim này, bởi đơn giản ẩn chứa trong nội dung của nó, có một cảm giác gì đó vô cùng đặc biệt mà cô không thể tìm thấy ở ngoài đời thật. Quả thật, cuộc đời của cô gái tội nghiệp này đầy rẫy những bất công. Bị đánh đập, bị bắn, bị đe dọa bởi những người căm ghét cô. Lần duy nhất cô cảm thấy thực sự được hạnh phúc là khi được đứng ở bục cao nhất, thế chỗ của chính đối thủ Nancy Kerrigan.
Khác với Tonya, tuy cũng xuất thân từ gia đình lao động nhưng Nancy luôn được các fan yêu mến. Gia đình Nancy cũng hết mực chăm sóc và yêu thương cô. Mỗi lần ra sân thi đấu, cô luôn vận cho mình những bộ trang phục mà Vera Wang thiết kế riêng. Còn Tonya ư? Cô chẳng có gì cả. Trang phục biểu diễn là do chính mẹ cô may vá từ loại vải sa tanh rách rưới, đó cũng là lý do mà điểm số của Tonya luôn bị chấm thấp hơn vì lỗi trang phục.
Trong khi đồng đội được các chuyên gia huấn luyện và hỗ trợ khẩu phần ăn, Tonya phải đầu tắt mặt tối làm việc quần quật ở cửa hàng. Cơ thể cô vì thế cũng không giữ được sự thon gọn cần thiết, thay vào đó là những lớp cơ bắp đè chặt lên nhau. Bản thân cô gái yếu đuối này cũng mắc phải chứng hen phế quản nên sức khỏe luôn là một thứ cản trở sự nghiệp của Tonya.
Và đây là Tonya Harding mạnh mẽ của ngày hôm nay
"Tôi luôn bị mọi người dè bỉu vì vóc dáng mập mạp của mình, lại hay bị chê là xấu xí nữa. Trên sân, tôi luôn phải nghe theo những lời ca thán trách móc, rằng phải luôn cười tươi để không bị trừ điểm, phải buộc tóc bằng ruy-băng, không thì cũng bị trừ điểm. Cả chuyện váy áo nữa chứ", Tonya hồi tưởng lại.
Có thể nói, những gì Tonya kể ra không phải là để bào chữa thanh minh hay cầu xin sự tha thứ, vì tất cả những điều đó đều đã trôi vào dĩ vãng rồi. Điều mà chúng ta rút ra được từ bài học này, chính là học cách tôn trọng lẫn nhau, cũng như xem lại cách chúng ta đối xử với người khác và cách chúng ta kỳ vọng vào họ. Đừng bao giờ để những lời gièm pha, dè bỉu có cơ hội để khiến họ chìm sâu vào đáy bùn của sự bất công. Hãy học cách tha thứ, đó là liều thuốc tốt nhất cho cuộc sống tươi đẹp này.
Nguồn: New York Times, Rolling Stone