Do ảnh hưởng của mưa lớn và hoàn lưu của áp thấp nhiệt đới, sáng 8/10, tàu Vietship 01 neo ở cảng Cửa Việt, Quảng Trị đã bị sóng đánh trôi ra cửa biển. Trên tàu có 12 thuyền viên, có đầy đủ thực phẩm nhưng tàu chìm bất ngờ nên mọi người chỉ có được manh áo quần trên người và áo phao.
Tàu hàng Vietship 01 chìm dần ngoài khơi cảng Cửa Việt, Quảng Trị. Ảnh: VNE
Đến chập tối cùng ngày, 2 người khác đã bị sóng đánh rơi xuống biển. Sau đó 2 người này bị sóng đánh dạt vào bờ nam cảng Cửa Việt.
Theo chia sẻ của những nạn nhân, 12 người phải thay nhau đứng trên ống khói của tàu để không bị sóng cuốn trôi. Ảnh: Tuổi Trẻ
Công tác cứu hộ gặp vô vàn khó khăn vì điều kiện thời tiết và sự hiểm trở của vùng nước. Ảnh: Zing
Kể từ đó, công tác cứu hộ, giải cứu các thuyền viên bị mắc kẹt trên tàu đã được Bộ Quốc phòng lên các phương án. Cuối cùng đến sáng ngày 11/10, toàn bộ các thuyền viên trên tàu bị mắc kẹt đã được giải cứu trong sự vỡ òa của hàng trăm người dân chứng kiến.
Người dân hồi hộp theo dõi quá trình giải cứu các thuyền viên. Ảnh: Zing
Quá trình giải cứu gặp muôn trùng khó khăn bởi dù chỉ cách bờ biển khoảng 400m nhưng thời điểm đó, sóng to cộng với vị trí rất nguy hiểm khiến mọi công tác tiếp cận đều gặp rất nhiều trở ngại.
Kể lại trên Báo Giao Thông, lực lượng đặc công nước đã miêu tả lại quá trình giải cứu với muôn vàn khó khăn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
21h ngày 10/10, nhận lệnh cấp trên, lực lượng đặc công nước Lữ đoàn đặc công Hải quân 126 (Quân chủng Hải quân) từ Đà Nẵng ra Quảng Trị ứng cứu các thuyền viên trên tàu Vietship 01 bị chìm.
Phương án sử dụng trực thăng để ứng cứu đã được Bộ Quốc phòng triển khai. Ảnh: Zing
Trực thăng tiếp cận với vị trí tàu chìm để đưa lương thực, thực phẩm. Ảnh: Internet
Có mặt tại hiện trường vào sáng ngày hôm sau (11/10), các đặc công hội ý nhanh và quyết định thành lập 3 tổ, vận dụng kỹ thuật bơi ếch sẵn sàng ra ứng cứu người bị nạn đưa vào bờ an toàn.
Thượng uý Phan Cao Thắng (SN 1981, Lữ đoàn đặc công Hải quân 126), người trực tiếp bơi ra biển cứu hộ thuyền viên kể lại, khoảng 8h ngày 11/10, anh cùng hai người nhái Lê Duy Khánh và Đoàn Văn Đức men theo đường dây đã được máy bay trực thăng kết nối vào tối ngày 10/10 ra tiếp cận chiếc tàu gặp nạn. Lúc này, dòng nước chảy xiết, sóng to, mưa gió lớn nên việc di chuyển gặp rất nhiều khó khăn.
Theo đánh giá của Thượng úy, khu vực tàu hàng bị chìm rất nguy hiểm vì nước xoáy mạnh, sóng lớn, phía dưới là bờ kè vách đá. Nếu không nắm bắt tình hình và có kinh nghiệm thao tác thì vào khu vực đó chẳng khác nào như đi vào “cửa tử”.
Người nhái Nguyễn Hoài Minh (áo đỏ, đầu mũi tàu cá) cùng các ngư dân chuẩn bị những công tác cơ bản trước khi ra biển tiếp cận tàu Vietship 01. Ảnh: Báo Giao Thông
“Sóng như muốn nuốt người, chứ không giống như mình nhìn từ bờ ra. Vất vả, hiểm nguy nhưng anh em động viên nhau, hoàn thành tốt nhiệm vụ, cứu người an toàn", anh Thắng nói.
Thượng uý Thắng cùng hai đồng đội được nối với nhau bằng các đoạn dây để giữ liên kết. Mỗi người sẽ có một móc sắt bám vào đường dây mà trực thăng đã giăng trước đó để giữ đúng hướng di chuyển, chỉ cần lệch ra khỏi dây này thôi thì mọi người sẽ bị trôi dạt.
Những "hậu duệ của Yết Kiêu" đạp cơn sóng lớn để giải cứu thuyền viên bị nạn. Ảnh: Báo Giao Thông
Đi được nửa quãng đường, các đặc công phát hiện một người từ tàu Vietship 01 rơi xuống biển lúc 7h45 sáng ngày 11/10 đang lênh đênh ở sát khu vực bờ kè.
Không do dự, các chiến sĩ đặc công nước bỏ móc ra khỏi đường dây chính để tìm cách tiếp cận người bị nạn này. Họ bơi đến rồi liên kết dây với phao của người bị nạn, sau đó từ từ kéo người này ra khỏi vực kè xoáy.
Ban chỉ huy lên các phương án, chạy đua với thời gian để giải cứu các ngư dân. Ảnh: Internet
Hơn một giờ đánh vật với con sóng và mưa gió tứ bề, những người hùng đã đưa được nạn nhân vào bờ an toàn. "Giây phút cứu được người thành công, chúng tôi hạnh phúc vô cùng”, đặc công Thắng chia sẻ.
Một thuyền viên nhảy xuống và tự bơi được vào bờ trong tình trạng kiệt sức và mất nước. Ảnh: VNE
Đại tá Lê Văn Phương, Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Trị cho hay, khu vực các thuyền viên gặp nạn rất hiểm trở, sóng to, gió lớn, nước chảy mạnh, các phương tiện tàu hiện đại không tiếp cận được, phải dùng các phương tiện thô sơ và kinh nghiệm đi biển của ngư dân để tiếp cận, ứng cứu.
Phía đơn vị đã huy động tối đa các cán bộ chiến sỹ ở địa bàn cùng các phương tiện, đồng thời tuyên truyền vận động nhân dân tham gia tìm kiếm cứu nạn các thuyền viên trên tàu Vietship 01 mắc kẹt trên biển.
Lãnh đạo thăm hỏi những thuyền viên của tàu hàng Vietship 01. Ảnh: Internet
Sự lo lắng của thân nhân các thuyền viên. Ảnh: Zing
Ảnh: VNE
Đến 9h15 phút sáng ngày11/10, công tác cứu hộ thuyền viên tàu Vietship bị chìm tại vùng biển Quảng Trị đã hoàn tất trong sự vỡ òa của thân nhân những nạn nhân. Còn với lực lượng đặc công nước, họ được dân mạng ca ngợi như những "hậu duệ của Yết Kiêu" với những nỗ lực không biết mệt mỏi để đem lại sự sống cho các thuyền viên bị mắc kẹt.