Sau thời gian đáp trả ăn miếng trả miếng Mỹ để giữ thể diện và răn đe lại Mỹ, như những kẻ bằng vai phải lứa vẫn thường hành xử, Trung Quốc bắt đầu thay đổi sách lược.
Thời cơ hay tình cờ?
Thời điểm diễn ra sự kiện làm cho sự kiện càng thêm có ý nghĩa, dù sự trùng lặp về thời điểm rất có thể chỉ là tình cờ. Những dấu hiệu về cuộc xung khắc đến mức ngấp nghé bờ vực chiến tranh thương mại song phương Mỹ - Trung có thể bớt gay cấn, thậm chí có thể còn được giải quyết khá bất ngờ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc điện đàm mà kết quả khiến ông Trump - như thể hiện qua Twitter - vào tình trạng phấn khích cao độ và có ngay những thể hiện cảm xúc và quan điểm khiến thiên hạ cảm nhận như giữa hai nước này chẳng hề có cuộc xung khắc thương mại và cạnh tranh chiến lược toàn diện.
Hai người này hẹn sẽ gặp nhau khi cùng sang Argentina vào cuối tháng này dự hội nghị cấp cao của Nhóm G20.
|
Ở Trung Quốc có cuộc triển lãm nhập khẩu quốc tế lần đầu tiên với quy mô tổ chức rất lớn. Đích thân ông Tập Cận Bình đến dự khai mạc và ông Tập Cận Bình tuyên cáo hàng loạt biện pháp Chính sách mới mà trong đó gần như tất cả mọi yêu cầu của Mỹ đặt ra như điều kiện tiên quyết cho Trung Quốc để không còn bị xung khắc thương mại gần như đều được áp dụng
Như Trung Quốc sẽ nhập khẩu nhiều hơn, sẽ mở cửa thị trường mạnh mẽ hơn, sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài, sẽ bảo vệ sở hữu trí tuệ công nghiệp và bản quyền phát minh, sáng chế...
Trong thực chất thì đấy chính là những gì mà ông Trump và cộng sự chờ đợi lâu nay từ Trung Quốc.
Mục đích của ông Trump không phải là cuộc xung khắc hay chiến tranh thương mại mà là sự nhượng bộ của Trung Quốc, gây xung khắc hoặc thậm chí cả chiến tranh thương mại chỉ là cách thức được ông vận dụng nhằm mục tiêu buộc Trung Quốc phải nhượng bộ và rồi sau đó đi vào thoả hiệp với Mỹ.
Không phải ông Trump không ý thức được rằng gây xung khắc thương mại hoặc chiến tranh thương mại với Trung Quốc thì Mỹ rồi cũng bị tổn hại đáng kể, nhưng cái hại ấy là về lâu dài trong khi ông Trump coi trọng và cần cái lợi trước mắt, cho nhiệm kỳ cầm quyền hiện tại và cơ may được tái đắc cử tổng thống lần nữa ở Mỹ.
Trung Quốc dụng nhu chế cương
Phía Trung Quốc không khó khăn gì để nhận thấy giới hạn khả năng của Mỹ và cả thực chất tham vọng của ông Trump, nhưng lại đang ở trong tình cảnh đối phó Mỹ về lâu dài không khó bằng đối phó những thách thức hiện tại do phía Mỹ gây ra.
Cho nên sau thời gian đáp trả ăn miếng trả miếng Mỹ để giữ thể diện và răn đe lại Mỹ, như những kẻ bằng vai phải lứa vẫn thường hành xử, Trung Quốc bắt đầu thay đổi sách lược, phần vì phải như thế mới hạn chế được thiệt hại, phần vì đã bắt đầu có thể như thế.
Đối với Trung Quốc đã và sẽ không có chuyện phải "tránh voi chẳng hổ mặt nào" với Mỹ, nhưng dụng nhu chế cương thì lại rất thức thời và hiệu quả.
Ông Tập Cận Bình dùng bài phát biểu ở Thượng Hải để tuyên cáo những định hướng chính sách mới, thể hiện Trung Quốc chủ động và tự thấy là cần thiết trong khi phía Mỹ lại sẽ hiểu là vì áp lực của Mỹ mà Trung Quốc mới phải như vậy.
Chuyện này chắc chắn phải đã được xử lý ổn thoả trong cuộc điện đàm giữa ông Trump và ông Tập Cận Bình mà kết quả khiến ông Trump rất hài lòng. Rồi đối thoại và tham vấn chính trị đối ngoại, quân sự và an ninh song phương được nối lại.
Rõ ràng là cả hai phía chủ ý gây dựng bầu không khí chính trị thuận lợi như có thể được cho cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập Cận Bình sắp tới bên lề hội nghị cấp cao của nhóm G20 ở Argentina.
Cứ theo những diễn biến mới mà suy xét thì hai người này trong cuộc gặp nhau tới đây sẽ không xử lý xong xuôi chuyện xung khắc thương mại hay đạt được nhận thức chung về tình hình chính trị an ninh ở khu vực Biển Đông nhưng sẽ cho bên ngoài thấy họ có được mối quan hệ cá nhân thân thiện, Trung Quốc và Mỹ vẫn có thể đồng thuận với nhau và mối quan hệ song phương này trong thực chất không gay cấn như biểu lộ ra bên ngoài.
Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.
Đại sứ Trần Đức Mậu