Tin mới

"Đại gia Sáu Phấn" lĩnh 30 năm tù

Thứ sáu, 01/06/2018, 08:55 (GMT+7)

Theo HĐXX, bị cáo Hứa Thị Phấn vắng mặt không lý do nhưng không thể áp giải vì gặp vấn đề về sức khỏe. Bị cáo này có 5 luật sư bào chữa tại tòa nên đảm bảo quyền và lợi ích.

Theo HĐXX, bị cáo Hứa Thị Phấn vắng mặt không lý do nhưng không thể áp giải vì gặp vấn đề về sức khỏe. Bị cáo này có 5 luật sư bào chữa tại tòa nên đảm bảo quyền và lợi ích.

Chiều 31/5, sau 3 ngày nghị án. TAND TP HCM quyết định tuyên án bị cáo Hứa Thị Phấn (SN 1947, nguyên cố vấn cao cấp HĐQT TrustBank) và các đồng phạm về các hành vi gây thiệt hại 6.361 tỷ đồng cho ngân hàng Đại Tín - TrustBank.

Theo đó, bị cáo Hứa Thị Phấn lãnh 30 năm tù, bị cáo Bùi Thị Kim Loan (SN 1978, nguyên kế toán Công ty Phú Mỹ) lãnh 28 năm tù, bị cáo Ngô Kim Huệ (SN 1980, nguyên Phó Tổng Giám đốc TrustBank) lãnh 10 năm tù về 2 tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" và "Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Đại gia Sáu Phấn lĩnh 30 năm tù - Ảnh 1.

Các bị cáo nghe tòa tuyên án.

Theo HĐXX, bị cáo Hứa Thị Phấn vắng mặt tại tòa không có lý do. Tuy nhiên, bị cáo này đã lớn tuổi, chỉ còn 7% sức khỏe nên không thể áp giải đến phiên tòa. 

Ngoài ra, có 5 luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo Phấn, đảm bảo quyền và lợi ích cho bị cáo này. Trong vụ án, bị cáo Hứa Thị Phấn là người chủ mưu, chỉ đạo các bị cáo khác thực hiện các hành vi phạm tội gây thiệt hại 6.361 tỷ đồng.

Liên quan tới vấn đề luật sư Trương Vĩnh Thủy (luật sư bào chữa cho bà Hứa Thị Phấn) cho rằng, hơn 3/5 thành viên HĐXX đã quyết định khởi tố một số bị cáo trong vụ án lại tham gia xét xử các bị cáo là vi phạm tố tụng. Đối chiếu với các quy định của pháp luật, HĐXX khẳng định không vi phạm tố tụng như quan điểm của 1 số luật sư bào chữa cho bà Hứa Thị Phấn. 

Theo HĐXX, quyết định khởi tố 1 số bị cáo trong phiên xử ông Phạm Công Danh về tội "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", nhưng không xác định rõ hành vi phạm tội của bị cáo Hứa Thị Phấn và các đồng phạm. 

Đối với chiếc USB chứa file ghi âm và 48 trang tài liệu do luật sư Trương Thị Minh Thơ (luật sư bào chữa cho bà Hứa Thị Phấn cung cấp), HĐXX không công nhận đây là chứng cứ mới. Bởi thời điểm khởi tố vụ án, bà Hứa Thị Phán luôn trong tình trạng sức khỏe yếu, "nghe gọi không trả lời".

Từ đó, HĐXX cho rằng không có căn cứ để đảm bảo nguồn gốc và tính chính xác của tài liệu, đồ vật mà luật sư cung cấp.

Trong quá trình xét xử, hầu hết các bị cáo nguyên là lãnh đạo TrustBank và người thân của bà Hứa Thị Phấn đều thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố. Chỉ có bị cáo Bùi Thị Kim Loan cho rằng lời khai của bản thân tại cơ quan điều tra là do mới sinh con, tình thần chưa ổn định.

Các bị cáo Hoàng Văn Toàn, Trần Sơn Nam, Lâm Hồng Trinh, Nguyễn Văn Mậu... đều là lãnh đạo TrustBank, nhưng không làm tròn nhiệm vụ gây thất thoát hàng ngàn tỉ đồng. Các bị cáo này đóng vai trò đồng phạm nhưng thực chất chỉ là người làm công ăn lương, không có hưởng lợi.

Theo HĐXX, ngân hàng Xây Dựng (CB) kế thừa quyền và nghĩa vụ của TrustBank. Vụ án xảy ra hoàn toàn là lỗi của TrustBank nên không có căn cứ buộc Công ty Phương Trang bồi thường toàn bộ 82 khoản vay. Cụ thể, HĐXX cho rằng chỉ căn cứ buộc doanh nghiệp này hoàn trả số tiền thực nhận gần 3.937 tỉ đồng và lãi phát sinh.

Đại gia Sáu Phấn lĩnh 30 năm tù - Ảnh 2.

Các luật sư có mặt tại phiên tòa.

Theo cáo trạng, bà Hứa Thị Phấn cùng các đồng phạm nâng khống căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch (giá trị thực chỉ 154 tỷ đồng), mua đi bán lại cho TrustBank với giá 1.256 tỷ đồng (gấp 8 lần), gây thất thoát 1.105 tỷ đồng. Ngoài ra bà này còn chỉ đạo cấp dưới hạch toán khống, đẩy dư nợ khống 5.265 tỷ đồng cho Công ty CP Phương Trang (Công ty Phương Trang).

Cụ thể, bà Hứa Thị Phấn biết Công ty Phương Trang có nhiều tài sản, cần vốn mở rộng kinh doanh nên buộc doanh nghiệp này ký trước hồ sơ, chứng từ vay vốn rồi mới giải ngân sau.

Từ năm 2010 - 2012, TrustBank chi nhánh Sài Gòn và Lam Giang đã giải ngân cho Công ty Phương Trang cùng 18 công ty, 22 cá nhân có quan hệ hợp tác tổng cộng 83 khoản vay, 1 khoản phát hành trái phiếu.

Tổng số tiền TrustBank giải ngân trên sổ sách cho Công ty Phương Trang gần 16.468 tỷ đồng. Sau khi Công ty Phương Trang đã tất toán một số khoản vay, đến nay còn dư nợ gốc là 9.437 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty Phương Trang xác định chỉ nhận được hơn 3.936 tỷ đồng trong tổng số dư nợ gốc theo sổ sách mà TrustBank giải ngân.

Mức án cụ thể tòa tuyên đối với các bị cáo

* Bị cáo Hứa Thị Phấn: 20 năm về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", 20 năm về tội "Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng"; tổng hợp là 30 năm tù.

* Bị cáo Bùi Thị Kim Loan: 13 năm tù về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", 15 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng"; tổng hợp là 28 năm tù.

* Bị cáo Ngô Kim Huệ: 7 năm tù về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", 3 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng"; tổng hợp là năm tù.

* Nhóm tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản"

Bị cáo Hoàng Văn Toàn (nguyên Chủ tịch HĐQT TrustBank): 7 năm tù

Bị cáo Trần Sơn Nam (nguyên Tổng giám đốc TrustBank): 6 năm tù

Bị cáo Nguyễn Công Tụ (nguyên Giám đốc Công ty TrustAsset): 5 năm tù

Bị cáo Lâm Kim Dũng (giám đốc Công ty địa ốc Lam Giang): 6 năm tù

Bị cáo Nguyễn Vĩnh Mậu (Phó chủ tịch HĐQT TrustBank): 3 năm tù

* Nhóm tội "Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng"

Bị cáo Ngô Thị Ngân (thủ quỹ TrustBank): 10 năm tù

Bị cáo Lâm Hồng Trinh (Phó tổng giám đốc TrustBank): 4 năm tù

Các bị cáo còn lại lãnh từ 2 năm (cho hưởng án treo) đến 4 năm tù

Bảo Minh

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news