Theo tin tức từ Tri thức trực tuyến, ngày 19/7, Sở Y tế tỉnh Đắk Nông ghi nhận thêm 2 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu tại bon Philơte, xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức. Như vậy, tỉnh Đắk Nông có 32 trường mắc bạch hầu.
Hôm 15/7, Đ.T.S. (11 tuổi) và Đ.M. (14 tuổi) nhập viện với triệu chứng sốt, ho, đau họng… nghi mắc bạch hầu.
Sở Y tế Đắk Nông đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Tuy Đức lẫy mẫu xét nghiệm. Kết quả cho thấy 2 bệnh nhân trên dương tính với vi khuẩn bạch hầu.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đặng Thành - giám đốc CDC Đắk Nông cho biết, ca nhiễm bạch hầu có nguy cơ lây nhiễm cộng đồng lớn vừa xuất hiện do bệnh nhận có tiền sử dịch tễ phức tạp.
Bệnh nhân nhiễm bạch hầu được điều trị tại khu cách ly. Ảnh: Tri thức trực tuyến
Hiện cơ quan y tế đã tổ chức cách ly đủ 7 ngày đối với những người tiếp xúc gần với các bệnh nhân và tiếp tục điều tra, truy xét để dập dịch, khử khuẩn tại những nơi bệnh nhân có di chuyển, tiếp xúc...
Trong đó, trường hợp cháu S. (không còn sổ tiêm chủng nhưng bố S. nói có đưa con đi tiêm vào năm 2009) được nhận định là ca dương tính bạch hầu phức tạp do cháu ở bon Philơte nhưng lại đi học tại Trường dân tộc nội trú huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông). Theo đó, bệnh nhân học tại trường nhưng về nhà vào ngày 8/7 thì ngày 12/7 có biểu hiện sốt, ho... nên mẹ dẫn đi mua thuốc uống. Sau đó cháu S. trở lại trường học bình thường và dự lễ tổng kết của trường.
Đến ngày 14/7, bệnh nhân sốt cao, đau họng nên được đưa đi Bệnh viện Đa khoa huyện Đắk R’lấp để điều trị, cấp cứu trong đêm. Đến sáng 15/7, do tình trạng cháu không tiến triển nên được chuyển lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Nông với các biểu hiện đặc trưng của bệnh bạch hầu. Mẫu bệnh phẩm của cháu S. được Viện vệ sinh dịch tễ Tây nguyên xác định dương tính với vi khuẩn bạch hầu.
Hiện cháu S. đã được chuyển xuống điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới TP HCM.
Theo CDC Đắk Nông, đây là ca nhiễm bạch hầu có tiền sử dịch tễ khá phức tạp khi bệnh nhân di chuyển từ trường về nhà, từ nhà đến trường trong thời gian ủ bệnh và có tiếp xúc với khá nhiều người.
Trong quá trình tự mua thuốc uống, điều trị tại các khoa, phòng tại các cơ sở y tế, bệnh nhân cũng di chuyển, qua lại và tiếp xúc với nhiều người nên việc xác định người tiếp xúc gần với cháu S. là hết sức khó khăn và phức tạp.
"Do đó, nguy cơ lây nhiễm bệnh bạch hầu liên tiếp trong cộng đồng là rất lớn", CDC Đắk Nông nhận định.