Theo thông tin trên Tuổi Trẻ và Tri Thức Trực Tuyến đăng tải, nhiều hộ gia đình bất ngờ khi tổng tiền điện tăng vọt sau tăng giá thêm 8,36% từ 20/3.
Tình trạng tiền điện tăng vọt khiến nhiều người cảm thấy bất ngờ, đặc biệt khi Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cho biết giá điện tăng 8,36%, mức giá điện trung bình được điều chỉnh lên 1.864,44 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng).
Trả lời trên Tuổi Trẻ, chị Tuệ Thư (quận 8, TP.HCM) cho biết trước khi tăng giá điện, gia đình dùng đều đặn ở mức 950.000-1.060.000 đồng/tháng. Tuy nhiên tháng 4, tổng tiền đã lên 1.544.000 đồng, nghĩa là tăng 49% so với trước đó.
Chị Huỳnh Ngọc Minh sống tại chung cư Miếu Nổi, P.3, Q.Bình Thạnh, cho biết "bị sốc" khi nhận được hóa đơn tiền điện tháng 4 với số tiền phải trả tăng hơn 3 lần so với tháng trước đó. Chia sẻ chuyện này với nhiều người quen, đồng nghiệp, chị Minh mới biết nhiều người cũng "chịu chung số phận".
Bậc giá bán lẻ điện sinh hoạt được điều chỉnh vào 20/3 chia làm 6 bậc. Bậc 1 từ 0-50 kWh được tính giá 1.678 đồng/kWh. Bậc 2 được tính giá 1.734 đồng cho mức tiêu thụ 51-100 kWh. Bậc 3 giá bán là 2.014 đồng cho mức tiêu thụ 101-200 kWh.
Giá bậc 4 là 2.536 đồng cho 201-300 kWh; bậc 5 có giá 2.834 đồng cho 301-400 kWh; bậc 6 được tính 2.927 đồng cho 401 kWh trở lên.
Theo tính toán của EVN, khách hàng dùng dưới 50 kWh sẽ phải trả thêm khoảng 7.000 đồng. Với khách hàng dùng 51-100 kWh, sẽ phải trả thêm 14.000 đồng. Bậc 2, khách dùng 101-200 kWh phải trả thêm 31.600 đồng; nếu dùng 201-300 kWh thì phải trả cao hơn 53.100 đồng. Với khách hàng dùng trên 400 kWh thì phải trả thêm 77.200 đồng.
Cụ thể, một khách hàng dùng 100 kWh, giá cũ phải trả 77.450 đồng, với giá mới phải trả 83.900 đồng. Tổng cộng hộ này phải trả thêm 6.450 đồng. Với hộ dùng 300 kWh, với giá cũ phải trả 577.250 đồng; giá mới phải trả 635.600 đồng, tăng thêm 48.350 đồng.
Một chuyên gia ngành điện cho rằng việc sử dụng điện càng nhiều, tiền điện càng tăng cao vì cách tính tiền điện cho đối tượng sinh hoạt hiện nay đang áp dụng theo lũy tiến bậc thang. Lượng điện sử dụng nhiều càng rơi vào bậc thang giá cao.
Ngoài ra nguyên nhân thứ 2 chính là thời tiết nắng nóng kéo dài. Ông Nguyễn Duy Quốc Việt - phó tổng giám đốc EVN HCMC - cho hay từ đầu tháng 3, tại các tỉnh thành Nam Bộ, trong đó có TP.HCM đã xuất hiện nắng nóng, nhiều thời điểm nhiệt độ ngoài trời lên trên 37 độ C. Điều này khiến nhu cầu sử dụng điện năng tăng cao, nhất là máy lạnh.
Một nguyên nhân khác, theo ông Việt, trong tháng 2-2019 chỉ 28 ngày nhưng từ tháng 3 trở đi có 30 hoặc 31 ngày. Điều này cũng khiến số ngày tiêu thụ điện từ tháng 3 trở đi nhiều hơn ít nhất 2 ngày so với tháng 2, khiến lượng điện sử dụng nhiều hơn cũng góp phần làm cho tiền điện của khách hàng tăng hơn trước.
Theo EVN, dự báo trong các tháng 5, 6, 7, nắng nóng vẫn tiếp tục kéo dài và có thể còn nóng hơn nữa. Khi đó, nhu cầu sử dụng điện cũng như sản lượng điện tiêu thụ sẽ tiếp tục tăng, do đó để giảm chi phí tiền điện EVN khuyến nghị khách hàng sử dụng điện tiết kiệm.