Sau khi “bội thu” giải thưởng Cánh diều Vàng 2018 với phim “Thương nhớ ở ai”, đạo diễn Lưu Trọng Ninh tiếp tục bắt tay vào dự án mới với những thách thức lớn hơn. Ông sẽ làm phim dài tập về Kiều, dựa theo tác phẩm “Truyện Kiều” của Nguyễn Du.
Đẹp thì nhiều nhưng chưa ai mang dáng dấp của Kiều
Sau phim “Thương nhớ ở ai”, được biết ông đang chuẩn bị cho dự án mới là Kiều. Ông đã bắt đầu chọn diễn viên chưa?
- Cũng có vài nhân vật được nghĩ tới nhưng vẫn ở trong dự định thôi. Như “Thương nhớ ở ai”, đến phút cuối tôi còn thay toàn bộ diễn viên mà.
Với phim này cũng không ngoại lệ. Kể cả có ký hợp đồng rồi mà khi quay không ưng ý thì tôi vẫn sẽ thay. Nhưng phim có nhiều cung bậc, họ không vào vai này thì sẽ vào vai khác thôi.
Có thể hình dung, vì Kiều quá đẹp nên cũng rất khó chọn người đáp ứng được vẻ đẹp đó?
- Vì Kiều trong truyện của Nguyễn Du là “một tòa thiên nhiên” mà. Khi vào phim lại trở thành một con người bình thường thì có thể khán giả sẽ khó đón nhận.
Trong mỗi chúng ta, mỗi người hình dung Kiều có một vẻ đẹp khác nhau. Chọn Kiều theo tiêu chí cụ thể thực sự là khó.
Vì quan niệm về vẻ đẹp ngày nay khác với xưa nhiều lắm. Rồi tính cách, hành vi, cách đi đứng, nói năng của Kiều ra sao cũng phải tính toán rất nhiều. Kiều mà cứ ăn nói chậm rãi, lề mề bước chân như ngày xưa thì ai mà chịu được.
Kiều ngày hôm nay phải có sức sống và vẻ đẹp toát từ bên trong chứ không còn “liễu yếu đào tơ” như ngày xưa. Nói chung, để tìm một Kiều không phải dễ, dù các cô gái ngày hôm nay đẹp hơn Kiều ngày xưa rất nhiều.
Tôi đã xem những bức ảnh về hoàng hậu, cung tần mỹ nữ ngày xưa, họ không thể đẹp bằng các cô gái thời nay. Kể cả Nam Phương Hoàng hậu đẹp nức tiếng thế nhưng so với bây giờ vẫn thua xa.
Dù chưa tìm được nhân vật chính nhưng ông cũng phải đưa ra tiêu chuẩn cụ thể nào đó để các diễn viên tham gia “ứng thí” chứ?
- Tôi không có tiêu chuẩn nào cả, ngoại trừ vẻ đẹp đó khiến cho tôi xúc động. Mà như thế nào để xúc động thì quả thật là tôi cũng không rõ.
Riêng với cách chọn diễn viên thì tôi là người tương đối chủ quan. Tôi theo mình chứ không phụ thuộc vào định kiến hay sở thích của người khác đâu.
Với một tác phẩm được “nằm lòng” như “Truyện Kiều”, hẳn là ông sẽ phải tính toán cách để ít bị soi xét nhất?
- Tôi sẽ không để khán giả cuốn vào những câu chuyện xưa cũ. Kim Trọng thuyết phục Thúy Kiều bằng cách nào, nếu tả theo tình huống Nguyễn Du đưa ra thì thật là khó.
Tôi phải tìm một lý do thuyết phục để ngay từ khi nhìn thấy Kim Trọng, Thúy Kiều đã phải “Tình trong như đã mặt ngoài còn e”.
Rồi chuyện gia đình Kiều gặp nạn, Kiều phải bán mình chuộc cha. Kim Trọng quay trở lại biết chuyện và chấp nhận lấy cô em Thúy Vân.
Nếu để nguyên tình huống ấy thì khán giả sẽ thắc mắc, sao Kim Trọng không đi tìm Kiều và giật lại Kiều? Tại sao lại lấy cô em khi có mối tình đẹp với Kiều như vậy?
Ngày xưa có thể chấp nhận chuyện bán mình chuộc cha, lấy nhau vì nghĩa chứ bây giờ thì không thể.
Đó chỉ là một ví dụ để thấy, nếu làm một cách chân thực về “Truyện Kiều” thì không ổn. Nguyễn Du đã tả những áng thơ tuyệt vời nhưng về mặt tình huống truyện thì thực sự khó xử lý. Tuy nhiên, cái khó xử lý ấy thực sự lại là cái may của tôi.
Vì Nguyễn Du đã để lại một khoảng trống rất lớn về các nhân vật. Kim Trọng ra sao, Thúc Sinh thế nào, làm nghề gì… thì hôm nay được thỏa sức tung hoành sáng tạo.
Chỉ có những nút thắt thì phải bám lấy nó. Vì “Truyện Kiều” mà không tung hoành thì liệu người ta có xem không?
Bởi gần như người Việt đều đọc và biết về “Truyện Kiều” rồi, nếu không sáng tạo thì còn gì để hấp dẫn người ta. Đó là một may mắn nhưng cũng đầy thách thức.
Phim sẽ không dành cho các nhà “Kiều học”
“Thương nhớ ở ai” cũng là một đề tài khó nhưng nếu so với Kiều thì chắc vẫn chưa thấm vào đâu. Ông thích những đề tài thách thức như vậy?
- Càng thách thức thì sức mạnh của con người lại càng nhân lên mà. Nhưng tôi chỉ cố gắng chạm được vào những câu thơ của Nguyễn Du chứ không quan tâm nhiều đến câu chuyện của Kim Vân Kiều truyện.
Tất nhiên những nút giao thì vẫn phải bám vào đó để nói câu chuyện của thời nay, cũng như Nguyễn Du lấy truyện Đoạn trường tân thanh của Trung Quốc để nói chuyện phong kiến Việt Nam lúc bấy giờ.
Cái giỏi của Nguyễn Du là nói chuyện Trung Quốc đấy nhưng hồn thì rất Việt Nam. Những người làm phim lịch sử cũng phải cố gắng để nói được tiếng nói của thời đại.
Những “thằng bán tơ”, Thúc Sinh rồi Sở Khanh, Hoạn Thư, Tú Bà… ngày nay vẫn ở khắp nơi. Và đó sẽ là chất liệu để Kiều mang hơi thở của hôm nay.
Với một đề tài lịch sử thì sẽ khó tránh khỏi bị săm soi, ông chuẩn bị tư thế ra sao để đối phó với các nhà “Kiều học”?
- Có lẽ là phải chạy một dòng chữ khi chiếu phim là “phim này không dành cho các nhà Kiều học” (cười). Tôi đã lường trước được hết tất cả những chuyện đó nên ngay từ đầu đã chủ trương thoát ra khỏi câu chuyện Kiều.
Thoát bằng cách đưa vào không không gian Việt, tinh thần Việt, văn hóa Việt. Tôi chỉ lấy tinh thần của Nguyễn Du mà thôi.
Ngay cả trang phục cũng không thể áo yếm được. Phải tìm một không gian không xác thực, thời gian không xác thực để tránh đi những săm soi đó.
Ông từng nói, làm Kiều là theo di nguyện của cha - nhà thơ Lưu Trọng Lư. Ở thời điểm hiện tại, ông mới thấy mình đủ duyên với nó?
- Với tác phẩm như “Truyện Kiều” thì đúng ra là phải được làm từ lâu, bởi nhiều người. Mỗi người sẽ làm với một dáng vẻ khác nhau, quan niệm khác nhau.
Như nhân vật Tần Thủy Hoàng từng được nhiều đạo diễn Trung Quốc làm như Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca.
Mỗi người nhìn Tần Thủy Hoàng bằng một mắt nhìn nhau, khiến cho nhân vật này không ngừng hấp dẫn với khán giả.
Một nhân vật lịch sử có thật mà người ta còn nhìn đa chiều như vậy thì với Kiều, thực chất chỉ ảo thì phải càng phong phú hơn nữa mới đúng. Nhưng nền điện ảnh chúng ta vẫn còn non yếu quá, thành thử ra người ta hay e ngại.
Theo ông thì lý do của sự e ngại đó là gì? Vì nó khó quá chăng?
- Không phải, mà là họ không vượt qua được câu chuyện của Trung Quốc. Nếu đó là câu chuyện của Việt Nam thì chắc chắn đã có nhiều người làm rồi, giống như Lục Vân Tiên, Tấm Cám chẳng hạn.
Thứ hai, “Truyện Kiều” vốn được coi là “quốc hồn quốc túy” nên lại càng không ai dám động vào. Làm đúng theo nguyên tác thì không hay, mà sáng tạo thì lại sợ bị “đánh” cho bầm dập.
Và vì cả kinh phí cho một bộ phim lịch sử thường rất lớn nữa chứ, thưa ông?
- Kinh phí thì quả thật là tôi không ngại lắm đâu, vì mình không đi vào câu chuyện đao to búa lớn. Tôi sẽ làm nó bình dân thôi.
Càng dung dị thì nó lại càng đậm chất Việt. Cũng như trong “Thương nhớ ở ai”, tôi tìm một không gian dung dị để chuyển tải. Hoành tráng của câu chuyện là ở nội dung chứ không phải sự xa hoa lộng lẫy.
Có phải vì hiệu ứng “Thương nhớ ở ai” mà ông mới có động lực để chạm vào Kiều?
- Không, đáng ra tôi làm Kiều từ 4 năm trước, nhưng vì không làm được nên mới quay sang làm phim khác là “Thương nhớ ở ai”.
Hồi đó, ông Trương Gia Bình của FPT đứng ra tài trợ.
Chúng tôi cùng với anh Trần Bình Minh - Tổng Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam đã ngồi họp với nhau 3 lần rồi nhưng sau đó, dự án không tìm được tiếng nói chung nên tôi mới quay ra làm “Thương nhớ ở ai”. Giờ rảnh việc rồi lại sờ đến.
Vậy dự án không thành vì lý do gì?
- Họ muốn tôi làm giống như nguyên tác vì cho rằng, nếu làm khác đi sẽ bị “ném đá”. Nhưng tôi thì lại nghĩ, nếu làm giống mới nguy.
Thích cuộc sống “thoát ly” khỏi đô thị
Được biết, cuộc sống ngoài đời của ông bây giờ cũng dần “thoát ly” khỏi cuộc sống đô thị. Tại sao vậy?
- Đơn giản là vì ở đó, tôi thấy mình được thanh tịnh. Ở đó, tôi được cảm nhận tinh thần làng Việt, cái mà xã hội Việt Nam đang dần bị mất đi vì làn sóng đô thị hóa.
Hình như có dạo ông cũng học thiền định cùng với ông chủ cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ?
- Đúng vậy. Tôi cũng khá thân với Đặng Lê Nguyên Vũ và có mối quan hệ khoảng 15 năm rồi. Lúc tham gia khóa thiền do Vũ tổ chức tại nhà của anh, tôi chỉ thiền được 7 ngày, còn Vũ là 49 ngày.
Ngoài khóa đó ra thì tôi còn tham gia nhiều khóa khác, với những ông thầy khá giỏi. Lúc đó tôi bị bệnh, phải nhịn đói nên bắt buộc phải luyện khí công và thiền. Thiền là một trong những “công nghệ” của nhịn đói mà.
Vậy sau khi thiền, ông thấy sức khỏe mình ra sao?
- Sức khỏe tôi cải thiện được nhiều chứ. Nó thực sự tốt nếu mình làm được nhưng làm được cũng không phải dễ đâu.
Tôi nghe giảng về thiền khá nhiều và hiểu ra rằng, thiền có nhiều cách chứ không phải cứ ngồi im và bấm mới là thiền.
Không bị lệ thuộc bởi những tác động bên ngoài cũng là thiền. Thiền là ở mọi trạng thái, có thiền động và thiền tĩnh.
Ví như, ngồi trên xe ô tô đi khắp nơi để trải nghiệm cũng là một thái độ thiền, một phương thức thiền. Hay làm phim một cách say mê cũng là một thái độ thiền tốt mà.
Nơi ông sống “thoát ly” hiện nay cách Hà Nội 70km, rộng 20ha, có hồ có núi. Nếu có thể, chúng tôi ghi lại cuộc sống của ông ở đó được không?
- Đã có rất nhiều người đề nghị với tôi như vậy, nhưng như thế thì còn gọi gì là “thoát ly” nữa. Nơi đó với tôi thực sự là không gian riêng. Đến việc đó là ở đâu, tôi cũng không muốn nói để mọi người biết nữa mà.
Nhưng sau này, tôi sẽ tuyển người đến ở cùng để nó mang dáng dấp là một ngôi làng thực sự. Ở đó, cuộc sống sẽ không có truyền hình, Internet. Chỉ có trồng cây, cuốc đất và thiền.
Cảm ơn đạo diễn về cuộc trò chuyện!