Hơn 60 tuổi, cả một đời làm lụng vất vả nhưng vào tuổi xế chiều ông vẫn phải ở nhà thuê, sống cô độc. Chỉ vì cái tính cả tin mà ông mất cả chì lẫn chài.
Thời còn trẻ, ông lấy vợ, sống với nhau gần 20 năm nhưng hai vợ chồng không có con. Nghĩ cái số mình không con nên ông không chữa bệnh, tìm con. Vợ ông buôn bán tháo vát, lanh lợi. Trước ông làm thợ sửa máy nhưng thấy vợ bán trái cây một mình vất vả nên ông bỏ nghề, về phụ vợ một tay. Ngày hai bữa, ông quẩn quanh phụ giúp vợ giao và bán trái cây. Vợ sai đâu đi đó. Tiền bạc làm ra, ông đều để vợ quản lý. Ông luôn nghĩ “của chồng công vợ”. Hai vợ chồng từ nghèo khó đi lên nên ông tin vợ biết chắt chiu, tiết kiệm. Khi vợ chồng ông mua được căn nhà, bà con anh em ai cũng mừng cho vợ chồng ông. Việc đi làm giấy tờ nhà hay đứng tên căn nhà đều do vợ toàn quyền quết định. Ông Năm chỉ biết cắm mặt vào công việc, không nghĩ ngợi gì.
Nghe audio: Hẹn gái đi nàh nghỉ, hẹn nhầm vợ cũ
Vợ ông ăn diện, sắm sửa lên đồ đẹp, nhiều người nhỏ to bảo ông bà có “bồ nhí”, ông không tin, cho rằng người ta ghen ăn tức ở nên đồn bừa. Nhưng một ngày, ông thấy trong giỏ xách vợ có hộp bao cao su, mà ông thì chẳng bao giờ biết dùng thứ ấy. Sau những dằn vặt, tra hỏi, cuối cùng bà cũng khai thật chuyện bà “ăn vụng” bên ngoài. Bà trách ông lạnh nhạt, hờ hững, suốt ngày chỉ biết công việc. Ông gần như chết đứng, đau khổ vì mình siêng năng làm lụng giúp vợ lại bị vợ xem là vô tâm. Bà cũng công khai chuyện sẽ dọn đến ở với tình nhân. Ông ký vào giấy li hôn. Khi ấy, ông chỉ mới 50 tuổi còn vợ mấp mé tuổi 40. Đến khi ra tòa, ông mới tá hỏa khi biết ông không được chia một cắc nào trong căn nhà chung. Bà đã âm thầm lên kế hoạch, làm toàn bộ giấy tờ chứng minh căn nhà do bà đứng tên và mua bằng phần tiền “hồi môn” cha mẹ bà để lại. Căn nhà nghiễm nhiễn trở thành tài sản riêng của bà.
Ông cay đắng ra đi với hai bàn tay trắng. Ông chán nản đi mua bán ve chai sống qua ngày. Một mình lúi húi với phế liệu, ông nghĩ sẽ sống thui thủi một mình cho hết đời. Nhưng không ngờ số phận run rủi, ông lại gặp người phụ nữ trẻ tuổi 30 đã góa bụa. Từ những lần tiếp xúc, trò chuyện, ông nảy sinh tình cảm. Chị ta cũng quan tâm, săn sóc ông từng miếng ăn giấc ngủ. Phận bèo bọt gặp nhau, họ ráp lại thành một tổ ấm nhỏ. Bao nhiêu tiền bạc làm được, ông đều đưa cho chị cất giữ.
Từ khi có cô vợ trẻ, việc buôn bán của ông ăn nên làm ra hơn. Sợ vợ nắng mưa cực nhọc ông khuyên chị ở nhà nội trợ. Ông siêng năng làm lụng, tiền bạc từ chẵn đến lẻ đều đem về cho chị, không giữ lại một cắc nào. Rồi chị khoe với ông đã dành sắp đủ tiền để mua một miếng đất ở ngoại thành, từ từ góp tiền sẽ cất nhà sau, ông Năm mừng rưng rưng. Vậy là cuối đời ông cũng yên tâm tìm được một chỗ che nắng, che mưa, một chốn đi về cho bớt quạnh quẽ. Hơn 10 năm chung sống với người vợ trẻ, ông tin chị cũng thật lòng, thật dạ với mình.
Một ngày đi ve chai về, ông đẩy cửa vào thấy căn nhà trọ vắng tanh, tủ quần áo trống trơn. Ông lo lắng, đạp xe khắp xóm tìm vợ chỉ nhận được những cái lắc đầu. Không ai biết vợ ông ở đâu? Ông biết quê vợ ở Huế nhưng nhà vợ ở đâu, ông cũng không hay, chỉ biết tên mỗi cái xã mơ hồ. Già chừng này tuổi đầu mà ông vẫn thấy mình dại. Chị bỏ đi ẵm theo số tiền mà ông vắt sức làm ra. Cả hai lần, ông bị phụ nữ lừa gạt, mất cả tiền lẫn tình vì không biết đề phòng, cảnh giác. Chẳng biết trách than ai, ông chỉ giận bản thân đã quá cả tin. Thi thoảng thấy ông bệnh, hàng xóm thương tình cho ông ký gạo, cân đường, hộp sữa. Có lẽ có nằm mơ ông cũng không nghĩ cuối đời phải nhận một bài học quá đắt.
(Theo Phunuonline)