Theo Zingnews và Tuổi Trẻ, tại buổi hội chẩn quốc gia lần thứ 5 của Tiểu ban Điều trị, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Phó trưởng Tiểu ban Điều trị - Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, vừa đề xuất tặng thưởng cho ê-kíp điều trị bệnh nhân 91 tại hai bệnh viện cùng một số chuyên gia. Dự kiến số tiền khoảng 500 triệu đồng.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Cục trưởng Lương Ngọc Khuê cùng các chuyên gia, giáo sư đầu ngành dự buổi hội chẩn tại điểm cầu Trung tâm điều hành chẩn đoán, điều trị bệnh nhân nặng mắc Covid-19 ở Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Ảnh: Báo Sức khỏe & Đời sống)
Theo ông Lương Ngọc Khuê - phó trưởng Tiểu ban điều trị, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, đây là ca bệnh rất khó, các y bác sĩ đã nỗ lực gần ba tháng rưỡi qua cứu bệnh nhân từ gần như hết hi vọng đến nay là gần như bình phục hoàn toàn.
Phi công người Anh đã từng có những thời điểm tưởng như không qua khỏi. Ảnh: Internet
GS.TS Nguyễn Gia Bình chia sẻ: “Trải qua 96 ngày, rất nhiều lần chúng ta hết hy vọng về bệnh nhân nhưng bằng trí tuệ tập thể, đặc biệt là sự cố gắng của đội ngũ điều trị trực tiếp của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy. Thành công đến thời điểm này không chỉ cứu sống bệnh nhân mà đó còn là thể hiện tính nhân văn của chúng ta trong chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân người nước ngoài”.
PGS.TS.BS Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết khi bệnh nhân còn điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy đã cử ê-kíp hỗ trợ kỹ thuật oxy hóa qua màng ngoài cơ thể (ECMO). Trong 65 ngày bệnh nhân 91 nằm tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, ê-kíp bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy đã có 43 ngày cùng hỗ trợ điều trị.
Trong suốt hơn 3 tháng qua, đội ngũ y bác sĩ luôn tận tình cứu chữa cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng nhất tại Việt Nam. Ảnh: Internet
Ngoài ECMO, kíp bác sĩ trẻ có tay nghề cao còn thực hiện nhiều kỹ thuật trong hồi sức như mở khí quản, lọc máu, kỹ thuật hồi sức huyết động, hô hấp.
“Trong 43 ngày, chúng tôi nhận thấy phổi của bệnh nhân diễn tiến rất nặng, có lúc xuống còn 10%, tình huống xảy ra trong điều trị có nhiều biến cố. Chúng tôi từng kinh qua nhiều bệnh, dù tuyệt vọng vẫn cố gắng hết sức để cứu sống bệnh nhân với tâm thế còn nước còn tát”, bác sĩ Thảo kể.
Theo tin tức từ Lao Động, Tri thức trực tuyến, theo báo cáo của Bệnh viện Chợ Rẫy, sức khoẻ của BN 91 đã có nhiều tiến triển. Hiện BN91 tỉnh hoàn toàn, sức cơ hồi phục tốt, đã qua cơn nguy kịch, chỉ còn yếu nhẹ hai chân; phổi cải thiện trên 85%, đã ngưng ô xy, thở khí phòng. Hôm nay (22/6), bệnh nhân đã tự ăn uống trên giường bệnh.
Sức khỏe của phi công người Anh đã dần ổn định trở lại. Ảnh: Internet
Theo các chuyên gia, đây là giai đoạn vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, săn sóc vết thương loét và tăng cường dinh dưỡng. Bệnh nhân cần ít nhất 2-3 tuần để phục hồi thể trạng để có thể đi lại an toàn khi di chuyển.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, Nguyễn Trường Sơn, việc đưa bệnh nhân này về nước chỉ được thực hiện khi đảm bảo các yêu cầu an toàn bao gồm bệnh nhân đủ sức khỏe ra khỏi phòng hồi sức, quá trình vận chuyển và sự chuẩn bị đón tiếp, tiếp nhận bệnh nhân của bệnh viện tại quê hương.
Theo tin tức từ Bộ Y tế, nhà cung cấp bảo hiểm cho nam phi công mắc Covid-19 xác nhận đã chuyển khoản đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, chi trả toàn bộ viện phí của bệnh nhân này giai đoạn điều trị tại bệnh viện (từ 18/3 đến 22/5), với tổng viện phí là 3,5 tỉ đồng.
Giai đoạn từ 22/5 đến khi chuyển điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM chưa xác định được chi phí.